Chuyện nữ doanh nhân vượt “bão” Covid-19…

Cập nhật: 09-03-2021 | 07:45:40

Bằng nội lực và cả tấm lòng nhân ái, những nữ doanh nhân hôm nay đã vững “tay chèo” đưa doanh nghiệp (DN) vượt qua sóng gió trước những khó khăn chất chồng mà “bão” Covid-19 gây nên.

 Chị Dương Tú Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên trao đổi cùng nhân viên

 1. Mùa vàng khẽ khàng qua ngõ. Nhớ lại khoảng thời gian này năm trước, Covid-19 đã tạo ra một không khí ảm đạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có lúc lòng se sắt lại mỗi lần đến thăm hay nhắn gửi những chủ DN đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa dịch bệnh. Không thể quên ánh mắt thâm quần sau nhiều đêm mất ngủ của chị Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần May Quốc tế (TX. Bến Cát) khi dịch bệnh bùng phát, ngành may mặc “bay” hết những đơn hàng. Với số công nhân lên đến 400 người, điều chị luôn đau đáu là làm thế nào để duy trì việc làm cho họ, chăm lo đời sống gia đình họ. “Buông tay thì dễ nhưng đó là điều bản thân tôi và những con người có tâm không thể nào làm được…”, chị Trang tâm sự.

Và rồi niềm vui vỡ òa khi chị báo tin đã có đơn hàng may khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, bảo đảm đời sống tối thiểu cho người lao động. Với lợi thế của một đơn vị may xuất khẩu uy tín, có sẵn nguồn cung nguyên liệu chất lượng, dây chuyền máy móc hiện đại, Công ty Cổ phần May Quốc tế đã quyết định chuyển một phần dây chuyền sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế cung ứng cho thị trường hàng triệu sản phẩm, góp phần bình ổn giá. Nghe thì tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng chỉ khi biết chị phải hy sinh thế nào cho việc tìm kiếm đơn hàng “hiếm như vàng” trong mùa dịch mới thấy hết sự gian lao mà nếu không vững vàng và lý trí thì sẽ không thể đối đầu với sóng gió.

Những cố gắng của chị đã được đền đáp xứng đáng, niềm vui đã trở lại, ánh mắt chị đã thôi xa xăm khi từ cuối năm 2020, công ty đã cơ bản vượt qua đại dịch. Và rồi chị đã tìm cho mình một lối đi mà Covid-19 đã “dạy”. Bản lĩnh ấy một lần nữa được khẳng định khi chị nhận ra Covid-19 rủi ro nhưng cũng đồng thời là cơ hội để các DN ý thức được nhiều hơn về sự cần thiết của quản trị bền vững trong xã hội luôn biến động. Nhắc nhớ tôi mãi là câu nói đầy hình ảnh thực tế của chị rằng, những người tử vong phần lớn là người có bệnh nền, suy yếu hệ miễn dịch, không có sức để kháng tốt. DN cũng vậy, và giờ đây là lúc cả Công ty Cổ phần May Quốc tế và các DN hiệp hội dệt may phải luôn luôn ý thức “rèn luyện tăng sức đề kháng”, tăng nội lực, không để mình bị động trước những chiến lược dài hơi.

 Sản xuất tại Công ty Cổ phần May Quốc tế (TX.Bến Cát) thời điểm dịch bệnh Covid-19 năm 2020

2. Khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trên toàn cầu và ảnh hưởng sâu sắc đến ngành chế biến gỗ, một ngành xuất khẩu thế mạnh của tỉnh thì cũng là lúc chị Dương Tú Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên (TX.Tân Uyên) liên tục đối mặt với nhiều khó khăn. “Khách hàng ngành gỗ không có, họ sản xuất cầm chừng nên việc đầu tư cho máy móc, công nghệ bị dừng lại. Mọi nguồn lực các DN ưu tiên cho việc chăm lo đời sống công nhân, những công nợ trước đó đều phải để lại. Cứ thế hết tháng này rồi lại qua tháng kế tiếp, không có khách trong khi nhân viên thì vẫn cần phải sống… Điều này thật sự đã khiến DN thực sự điêu đứng”, chị Trinh kể về những tháng ngày khó khăn.

Và đó là khoảng thời gian mà ngày đêm trong đầu chị lúc nào cũng cũng hiện hữu câu hỏi phải làm sao để vượt qua được “cơn bão” này để giữ vững “tiệm tạp hóa” (cách chị gọi công ty mình) đợi khi bình yên trở lại. “Trước mắt luôn là hình ảnh hơn 250 gia đình đang lệ thuộc vào mình, buông tay là điều không thể cho phép dù có lúc mệt mỏi quá cũng nghĩ đến. Song nhìn lại, nhân viên làm việc trong công ty là những người tâm huyết với nghề, lại có nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, phải giữ được họ trong khi doanh thu là con số âm là điều phải làm được”, chị Trinh tâm sự.

Chị Dương Tú Trinh quyết định họp công ty, thật lòng chia sẻ những khó khăn trước mắt, động viên nhân viên cùng nhau cố gắng vì mục tiêu ổn định lâu dài. Những thách thức về doanh thu, tiền lương và các chi phí khác khiến chị phải có quyết tâm cao, bình tĩnh sắp xếp, cơ cấu lại toàn bộ DN của mình để có thể vẫn duy trì được hoạt động, người lao động vẫn có việc làm, có thể tạm ngừng, luân phiên nhưng vẫn không mất việc làm. Suốt thời gian ấy, chị vừa làm giám đốc, kiêm luôn Youtuber quảng bá sản phẩm. Mọi thứ cứ cuốn lấy chị cho đến khi dịch bệnh lắng xuống. Chị chọn lối ấy bởi muốn tạo sự kết nối trên mạng xã hội với khách hàng để khoảng cách được thu hẹp, mua bán được thuận lợi hơn. Và cũng là cách để chia sẻ, động viên tinh thần cho đội ngũ người lao động bằng những hành động cụ thể.

“Khi chúng tôi quan tâm đến sức khỏe nhân viên thì không chỉ quan tâm đến sức khỏe thế chất mà còn quan tâm đến cả sức khỏe tinh thần của họ. Trong giai đoạn Covid-19 ai cũng có nhiều lo lắng, chúng tôi tổ chức cả những chương trình ca hát online ngay trong dịch bệnh để san sẻ những áp lực họ đang đối mặt…”, chị Dương Tú Trinh cho biết. Và thật đáng mừng, đến giai đoạn sắp Tết Nguyên đán Tân Sửu chị cho biết mọi thứ đã tạm ổn rồi. Dù rằng, chị đã “đánh đổi” nhiều tài sản có giá trị để nuôi sống công ty vượt qua những ngày “bão lửa”.

Thăm chị vào những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề mới thấy nhà cửa chị không trang hoàng lộng lẫy như mọi năm bởi tất cả tâm trí chị dồn hết để lo cho nhân viên của mình. Chị Dương Tú Trinh tâm tình: “Thái độ của bạn đối với những gì xảy ra trong cuộc sống sẽ tác động rất lớn tới điều bạn nhận được. Nếu bạn vui, những điều tuyệt vời cũng sẽ đến. Nếu bạn buồn, tất cả mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Nếu bạn gục ngã, nghĩa là bạn chấp nhận đánh mất những gì đã cố gắng...”.

 Vượt qua dịch bệnh, điều mà các chị nói đến cũng là câu chuyện của bao DN lớn nhỏ trong mùa dịch bệnh, họ không chọn cách buông tay. Chính những bài học từ Covid-19 đã “thử lửa” nhận thức và lối ứng xử có trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng xã hội. Nếu được chọn lại, cả chị Phan Lê Diễm Trang và chị Dương Tú Trinh đều nói rằng vẫn chọn lối đi ấy bởi đó là trách nhiệm của một con người, một người làm chủ DN.

3. Vượt qua dịch bệnh, điều mà các chị nói đến cũng là câu chuyện của bao DN lớn nhỏ trong mùa dịch bệnh, họ không chọn cách buông tay. Chính những bài học từ Covid-19 đã “thử lửa” nhận thức và lối ứng xử có trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng xã hội. Nếu được chọn lại, cả chị Phan Lê Diễm Trang và chị Dương Tú Trinh đều nói rằng vẫn chọn lối đi ấy bởi đó là trách nhiệm của một con người, một người làm chủ DN.

Nói với chúng tôi về niềm tin mà các chị vẫn giữ vững để đi qua những ngày gian khó ấy đó là lòng tin dịch bệnh được đẩy lùi, Bình Dương sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với những dự án quy mô lớn, những người kinh doanh có cơ hội bứt phá. Điều đáng mừng là công ty của các chị cũng như nhiều DN trên địa bàn đã tìm ra lối đi mới với nhiều định hướng phát triển trong thời gian tới. Ở đó, hướng tới chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới, với các mô hình hoạt động hiệu quả hơn, tối ưu hóa nguồn lực để không chỉ khôi phục, phát triển mà còn thích ứng với môi trường kinh doanh mới, bảo đảm an toàn trước những thách thức dịch bệnh.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=678
Quay lên trên