"Học Bác một cách thầm lặng, chứ không phải phô trương, hình thức"

Cập nhật: 21-05-2017 | 11:18:13

GS Hoàng Chí Bảo: Gần đây chúng ta biểu dương rất nhiều tấm gương đạo đức, nhất là những người dân bình thường, họ học Bác một cách thầm lặng, vì dân vì nước chứ không phải phô trương, hình thức

Vấn đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng và xã hội đã có quá trình lịch sử liên tục, lâu dài. Tuy nhiên, học theo Bác như thế nào, điều cốt lõi quyết định thành công của việc học tập và làm theo Bác được mỗi cán bộ, đảng viên cũng như của mỗi cá nhân trong xã hội thể hiện ra sao?

Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương.

gs hoang chi bao hoc bac mot cach tham lang chu khong phai pho truong hinh thuc hinh 1
Giáo sư Hoàng Chí Bảo.

 Gắn chặt nói đi đôi với làm

PV: Nội hàm của việc học theo Bác là gì, thưa ông?
 
Ông Hoàng Chí Bảo: 10 năm trước đây, Đảng ta đã nhấn mạnh học tập và làm theo Bác về tấm gương đạo đức. Từ Đại hội XII, đặc biệt từ Chỉ thị 05, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có tấm gương đạo đức.
Như vậy, nội hàm của việc học theo Bác rất đa dạng, toàn diện, phong phú. Một là gắn học với hành, tức là nói đi đôi với làm. Thứ hai, phải rất toàn diện, học Bác cả tư tưởng, đạo đức và phong cách, trong đó có cả phương pháp ứng xử rất tinh tế của Người.
 
Nói đến tư tưởng, đạo đức, phong cách, chúng ta lưu ý đây là một chỉnh thể hệ thống toàn diện, phản ánh sự vĩ đại và giản dị, cao quý của Bác Hồ, gắn liền lý luận với thực tiễn. Việc học ấy phải làm cho từng cá nhân, tổ chức trong Đảng, trong dân trở nên tốt đẹp hơn, xứng đáng với lòng tin của nhân dân đối với Đảng, xứng đáng với niềm tin cậy và tâm nguyện của Bác với chúng ta.
 
PV: Chúng ta đang triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhưng tại sao đến thời điểm này có nhiều cán bộ cao cấp của Đảng vẫn vi phạm những điều học tập của Người, thưa ông?
 
Ông Hoàng Chí Bảo: Trong thời gian vừa qua, bao nhiêu vụ bê bối, tiêu cực đã được công khai trên báo chí và dư luận xã hội. Có lẽ Đảng ta cũng chưa bao giờ phải kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp từ sau Đại hội XII.
Điều này, một mặt phản ánh dũng khí trung thực và dũng cảm của Đảng, quyết tâm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Việc xử lý đó có thể nói rất thuận lòng dân. Mặt khác đặt ngược trở lại, tại sao những cán bộ cao cấp như vậy lại phải bị kỷ luật, họ có học tập và làm theo tấm gương của Bác không, thậm chí có khi họ còn đóng vai trò là người chỉ đạo các cơ quan, cấp ngành trong việc học tập này.
 
Điều đó cho thấy, dù cán bộ cao cấp cũng không loại trừ khả năng sai phạm, suy thoái, thậm chí nói như Bác Hồ khi còn sống là hư hỏng, không xứng đáng với lòng dân. Ở đây cho chúng ta thấy một điểm thời sự là phải gắn chặt nói đi đôi với làm, học đi đôi với hành, phải đề cao tính trung thực, trách nhiệm, lương tâm, danh dự và liêm sỉ.
 
PV: Như ông phân tích, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Bác Hồ cùng với học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết, thưa ông?
 
GS Hoàng Chí Bảo: Hoàn toàn đúng như vậy. Bởi như Đảng ta đã nhấn mạnh, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác tiến đến một định hướng rất quan trọng là quyết tâm thực hiện bằng được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, biến chất, “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”.
 
Đó vừa là quyết tâm chính trị, vừa là hành động thực tiễn của toàn Đảng, toàn dân, dựa vào di sản cao quý của Bác để học và hành, làm sao cho Đảng ta thực sự là một Đảng của đạo đức, của văn minh, xứng đáng trong niềm tin cậy của nhân dân. Đó cũng chính là mục đích rất quan trọng của việc học này.
 
PV: Để học tập và làm theo Bác, người cán bộ cần phải nằm lòng 3 nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức của Người đó là nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, xây đi đôi với chống và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện những nguyên tắc này?
 
Giáo sư Hoàng Chí Bảo: Bác nói: thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận. Lý luận lãnh đạo thực hành. Bao giờ Bác cũng xuất phát từ thực tiễn, từ nhưng vấn đề cụ thể, thường nhật trong đời sống của người dân để suy nghĩ, tìm tòi các giải pháp. Tư tưởng của Bác có sức sống vì nó phản ánh sinh động những điều thực tiễn đang đặt ra.
 
Việc thực hiện những nguyên tắc của Bác gắn với phương châm nói đi đôi với làm, gương mẫu về đạo đức, xây đi liền với chống, tu dưỡng đạo đức suốt đời đã dần dần được các đối tượng cán bộ, đảng viên, nhân dân cảm nhận được nên họ cũng đã thực hiện được trong thực tế. Nhất là bây giờ có việc kiểm điểm ở từng chi bộ trong thường kỳ, từng cá nhân tự đánh giá, tự nhìn nhận lại mình, thêm tiếng nói giúp đỡ, đánh giá, bình phẩm của nhân dân giúp chúng ta tốt hơn.
 
Hai là phải phát huy nhân tố tích cực, tốt đẹp để đẩy lùi những nhân tố tiêu cực; gắn liền lý luận với thực tiễn, nêu gương đạo đức. Gần đây chúng ta biểu dương rất nhiều tấm gương đạo đức, những con người tử tế, lương thiện, nhất là những người dân bình thường, họ học Bác một cách thầm lặng, vì dân vì nước chứ không phải phô trương, hình thức. Đó là những nhân tố tốt đang nảy sinh trong đời sống và chúng ta phải khích lệ, nuôi dưỡng những nhân tố đó.
 
Đẩy lùi bằng được quốc nạn tham nhũng
 
PV: Theo ông, 3 nguyên tắc trên còn có tính thời sự như thế nào trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tệ bè phái, lợi ích nhóm, cũng như quan liêu, tham nhũng?
 
GS Hoàng Chí Bảo: Những nguyên tắc trên đến nay và mãi mãi vẫn còn nguyên tính thời sự bởi vì “nhân vô thập toàn”, muốn hoàn thiện đạo đức, muốn đủ các đức: cần, kiệm, liêm, chính thì cần phải đấu tranh chống giặc nội xâm suốt đời, luôn luôn tự hỏi mình, tự đánh giá mình. Đặc biệt phải hướng tới cái tốt đẹp để phấn đấu noi theo, chống lại chủ nghĩa cá nhân, kể cả trì trệ, bảo thủ trong tư duy, bằng lòng thỏa mãn với thực tại mà không có ý chí, hoài bão lớn.
 
Những điều ấy hiện nay đang rất cần cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên đều có những chuyển biến tốt, theo đúng tiêu chuẩn, vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; lấy lại lòng tin của nhân dân, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng.
 
Quan trọng nhất là làm sao thông qua việc học tập và làm theo Bác lần này, toàn Đảng, toàn dân gắn kết một lòng, đoàn kết đồng thuận và phát huy dân chủ để đẩy lùi bằng được quốc nạn tham nhũng. Tham nhũng này bắt nguồn sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân và bây giờ biểu hiện thành lợi ích nhóm, bè phái cục bộ, nhân danh tập thể nhưng lại làm hại tập thể, nhân danh phục vụ nhân dân nhưng thực ra lại làm những việc xa lạ với nguyện vọng của nhân dân. Điều đó phải rất chú trọng chống. Chính tính thời sự của nó giúp chúng ta thực hiện được những điều tốt đẹ, khắc phục, đẩy lùi những điều xấu xa.
 
PV: Cần phải làm thế nào để cuộc học tập này được thường xuyên, hiệu quả, mỗi ngày tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong xã hội phải bớt đi thì mới chứng minh được được việc học tập và làm theo Bác đi vào cuộc sống, thưa ông?
 
GS Hoàng Chí Bảo: Muốn làm được như vậy, theo tôi phải làm sao khắc phục triệt để tính hình thức, phô trương lãng phí mà nó còn dai dẳng đến tận bây giờ. Phải có sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thúc đẩy trong tổ chức Đảng, trong nhân dân, gắn với sự tự nguyện của từng cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, phải nhấn mạnh đức tính gương mẫu, tiên phong, trách nhiệm của người đứng đầu.
 
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV
Chia sẻ bài viết
Tags
Học Bác

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1043
Quay lên trên