Đại tá Lê Ngọc Hữu, Phó Giám đốc Công an tỉnh: “Tình hình tội phạm có chuyển biến tích cực…”

Cập nhật: 20-08-2014 | 14:27:01

Trong không khí phấn khởi của toàn lực lượng thi đua lập thành tích chào mừng ngày truyền thống ngành, đại tá Lê Ngọc Hữu, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã dành cho phóng viên (P.V) cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở về công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) .

Đại tá Lê Ngọc Hữu, Phó Giám đốc Công an tỉnh giao lưu trong Chương trình tiêu điểm của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương nhân kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Ảnh: T.LÂM

- Xin đại tá cho biết về tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay?

- Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đi đôi việc phát triển kinh tế, lợi dụng tình hình dân nhập cư đông, nhiều loại tội phạm đã tìm về trà trộn gây mất ANTT. Qua đánh giá 8 tháng đầu năm 2014, cho thấy tình hình các loại tội phạm đã được kiềm chế và kéo giảm, nhất là tội phạm về trật tự xã hội đã giảm 2%, số vụ đã điều tra làm rõ trên 86%; đặc biệt là án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã điều tra làm rõ đạt tỷ lệ hơn 90% và tình hình tội phạm băng ổ nhóm giảm rõ rệt. Về trật tự an toàn giao thông, với nỗ lực của các cấp ngành nhất là cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự đã tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát vào giờ cao điểm, tuyến đường trọng điểm, tập trung xử lý các lỗi người tham gia giao thông thường mắc phải… đã giúp kéo giảm tình hình tai nạn giao thông; xét cả 3 tiêu chí: số người chết, số người bị thương và số vụ đều giảm sâu từ 20% trở lên. Đó là kết quả quan trọng, làm tiền đề cho những tháng cuối năm phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2014.

- Trong công tác phòng chống tội phạm, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã có chỉ đạo như thế nào?

- Qua kinh nghiệm thực tiễn cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể, sự phối hợp của lực lượng công an và quân sự; đặc biệt phát động tốt phong trào toàn dân bảo vệ ANTT tại các khu, ấp, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp và nhà trường. Chính vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương không chỉ thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ của ngành mà phải tham mưu tốt cho Đảng, chính quyền các cấp, tích cực phối hợp với các ngành trong việc giữ gìn ANTT. Mọi chủ trương, giải pháp đề ra không chỉ tạo được sự đồng thuận của các cấp các ngành, quần chúng nhân dân mà còn phải huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng với lực lượng công an thực thi nhiệm vụ.

- Đối với địa bàn giáp ranh, ngành đã có những giải pháp giữ gìn ANTT ra sao?

Từ đầu năm đến nay, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng công an toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu triển khai các chủ trương, giải pháp nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đây cũng là thành tích thể hiện tinh thần thi đua quyết thắng chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân và 9 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Bình Dương là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp với TP.HCM - trung tâm kinh tế của cả nước. Các huyện, thị vùng giáp ranh là địa bàn phức tạp có nhiều tội phạm ẩn náu hoạt động. Chính vì thế, lực lượng công an đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch và phối hợp liên ngành giữa địa bàn giáp ranh; thường xuyên mở những đợt cao điểm tấn công tội phạm; định kỳ hàng tháng, hàng quý có sơ, tổng kết rút kinh nghiệm để làm tốt việc chỉ đạo, phối hợp, khắc phục thiếu sót để tình hình ANTT ngày càng chuyển biến tốt hơn.

Trước tình hình người nhập cư đông, nhiều loại tội phạm trà trộn vào ẩn náu hoạt động, công tác hàng đầu là quản lý nhân khẩu, song song với các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường quản lý đối tượng, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện đấu tranh với tội phạm băng ổ nhóm. Muốn vậy, lực lượng công an các cấp phải phát hiện sớm, xử lý nhanh không để vụ việc xảy ra. Trong vấn đề này, vai trò của lực lượng hình sự là đi đầu.

- Ngoài tuần tra vũ trang là biện pháp chính, còn giải pháp nào khác để tấn công trấn áp tội phạm mang lại hiệu quả, thưa đại tá?

- Tuần tra là biện pháp nghiệp vụ quan trọng, phối hợp với lực lượng quân sự, dân quân thường trực, dân phố, dân phòng tại cơ sở do công an xã, phường, thị trấn tổ chức lực lượng theo Nghị định 77 của Chính phủ về phối hợp giữa hai lực lượng công an và quân sự. Trong thời gian qua, công tác này đã góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện các đối tượng; qua tuần tra đã kịp thời bắt giữ các đối tượng chuẩn bị hoạt động hoặc đang gây án, trấn áp để phục vụ cho các công tác nghiệp vụ khác.

Ngoài ra, lực lượng công an còn áp dụng các biện pháp như điều tra cơ bản, nắm tình hình, bố trí mai phục tại địa bàn trọng điểm, phức tạp, bắt quả tang ngăn chặn từ đầu không để sự việc xảy ra. Tổ chức lực lượng bảo vệ ở các cơ quan, doanh nghiệp, của từng khu, ấp, địa phương. Theo Nghị định 06 của Chính phủ, Ban Giám đốc cũng đã chỉ định các phòng nghiệp vụ công an huyện, thị phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp, lực lượng lao động triển khai xây dựng, củng cố lực lượng bảo vệ tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước để lực lượng này đảm trách bảo vệ sản xuất. Lực lượng thứ hai là lực lượng công nhân xung kích của từng cơ quan, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong việc phòng chống tội phạm trong doanh nghiệp.

- Vai trò của người dân trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được phát huy như thế nào?

- Thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bình Dương đã triển khai nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả từ xã hội đến doanh nghiệp. Quần chúng đã góp phần rất quan trọng giúp lực lượng công an làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm. Hiệu quả mang lại từ phong trào này đã được các cấp, ngành và nhân dân công nhận, hoan nghênh. Không ít mô hình tiêu biểu đã được cổ vũ, biểu dương qua các phương tiện truyền thông. Nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập ngành và 9 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hôm nay (19-8), Công an tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị biểu dương nhân rộng các mô hình tích cực để phát huy sâu rộng, hiệu quả hơn nữa.

- Những mô hình nào cần được tiếp tục nhân rộng?

- Thực hiện Thông tư 23 của Bộ Công an về tiêu chuẩn gia đình, khu phố, ấp, xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT; thời gian qua, lực lượng công an tỉnh tham mưu với chính quyền triển khai tiêu chuẩn này đến cơ sở, cùng gắn với việc phát động các phong trào khác như: xây dựng khu phố văn hóa, xây dựng nông thôn mới; các mô hình Đội thanh niên xung kích, Đội thanh niên tình nguyện, Hội phụ nữ câu lạc bộ nhà trọ, Hội thanh niên câu lạc bộ nhà trọ… giúp quản lý tốt tình hình ở cơ sở cũng cần tiếp tục nhân rộng; vì các mô hình này đã góp phần làm phong phú, đa dạng cho hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Bình Dương.

 THANH LÂM (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên