Triệt phá nhiều đường dây “tín dụng đen”

Cập nhật: 18-09-2018 | 09:31:28

Nếu như trước đây hoạt động cho vay lãi suất cao mà ta quen gọi là “tín dụng đen” diễn ra lén lút thì hiện nay tại tỉnh Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung hoạt động “tín dụng đen” lại diễn ra gần như công khai, gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội, khó khăn tr ong công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT). Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã huy động lực lượng tấn công mạnh loại tội phạm này.

Những tờ rơi quảng cáo với nội dung cho vay tiền, số điện thoại… được dán khắp nơi như cột điện, bức tường, các khu dân cư... Thủ tục nhanh, lấy tiền ngay, không cần thế chấp tài sản là những lời rao được ghi trên những tờ quảng cáo. Từ các quảng cáo rầm rộ này, không ít người đã “dính bẫy” và dẫn đến nợ nần không có khả năng trả nợ.

Công an TX.Dĩ An tiếp nhận đơn tố cáo và thu giữ các băng rôn, tờ rơi quảng cáo cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen”

Chỉ vì không thể xoay xở ra 4 triệu đồng đóng tiền nhà, chị N.T.D. đã phải đi vay 4 triệu đồng, mỗi ngày chị phải trả lãi 200.000 đồng. “Biết là lãi cao nhưng vẫn phải mượn, vì phải trả tiền thuê nhà ở nên phải vay”, chị N.T.D. cho biết.

Thế nhưng, số tiền lời từ việc bán vé số mỗi ngày vẫn luôn thấp hơn số tiền phải trả nợ vay. Khả năng trả được hết số nợ này là quá sức đối với chị.

Đây chỉ là một trong số nạn nhân của các đường dây hoạt động tín dụng đen. Chỉ vì túng thiếu, không có tiền xoay sở chuyện làm ăn hoặc vì nhiều lý do mà nhiều người vẫn cắn răng vay tiền, để rồi mỗi ngày phải trả lãi với mức “cắt cổ”.

Hầu hết mọi người đều không thể lường trước hậu quả và những hệ lụy từ việc vay tiền dễ dàng. Khi mà “lãi mẹ đẻ lãi con”, đến khi không đủ sức trả nợ thì các đối tượng sẽ đe dọa, quấy rối, đánh đập… ép con nợ phải trả tiền không thì sẽ siết nợ lấy tài sản. “Nếu không có tiền trả thì những người đó hăm dọa là sẽ bắt con mình, nên mình phải chạy gom tiền để trả”, một nạn nhân khác cho hay.

Trung tá Nguyễn Minh Thân, Phó trưởng Công an huyện Phú Giáo, cho biết về mặt hình thức, các đối tượng thu lãi 1% /ngày, cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng Nhà nước đang áp dụng. Nên người vay để kinh doanh, buôn bán sẽ không có đủ tiền lời để trả lãi suất cao như vậy. Khi không còn khả năng chi trả lãi thì người vay lại tiếp tục đi vay để trả nợ. Đến 4 - 5 kỳ thì hoàn toàn mất khả năng chi trả. Lúc này các đối tượng cho vay sẽ đến nhà gây rối, đe dọa đòi nợ, có hành động đánh đập, phá hoại tài sản của bị hại… gây mất ANTT.

Theo điều tra của cơ quan công an, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng trăm tổ chức hoạt động cho vay dưới các hình thức như: Công ty cho vay, công ty cho thuê tài chính, các cơ sở cầm cố thế chấp tài sản… Các cá nhân, tổ chức này hoạt động tinh vi và chuyên nghiệp, có nguồn cung cấp tài chính, người đi tiếp thị cho vay, người đi thu gom nợ và các đối tượng hình sự chuyên đi đòi nợ, siết nợ. Hệ lụy của tín dụng đen đã làm phát sinh nhiều loại tội phạm như: Bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí gây ra giết người…

Điển hình như vụ một nhóm đối tượng dùng hung khí bắt giữ người trái pháp luật sau đó đánh đập bắt siết nợ đã xảy ra tại TX.Dĩ An. Công an TX.Dĩ An đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 7 đối tượng là nhân viên của Công ty Nhất Tín (TP.Thủ Dầu Một) về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích. Trước đó, anh Phạm Văn L. (SN 1990, ngụ TX.Dĩ An) cùng một người bạn tên V. bị 16 nhân viên của Công ty Nhất Tín khống chế, đánh đập và siết xe mô tô vì trước đó hai anh này thế chấp giấy tờ để vay 25 triệu đồng của Công ty Nhất Tín, có chi nhánh tại TX.Thuận An nhưng không có khả năng trả nợ.

LÊ ÁNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên