Sẻ chia nỗi đau da cam

Cập nhật: 11-08-2014 | 09:07:28

Những người lính trở về từ chiến trường sau hàng chục năm đang sống ở Bình Dương bây giờ, không phải ai cũng có được cuộc sống bình thường yên ổn, vui vầy bên con cháu.

 Có một nỗi đau họ đã mang về từ chiến trường khốc liệt ngày ấy. Nỗi đau không chỉ có họ phải nhận mà còn di chứng đến cả đời con, đời cháu, thậm chí đời sau nữa. Nếu không có sự quan tâm, sẻ chia của xã hội, cuộc sống của họ có lẽ chỉ cô lại trong những nỗi niềm chưa trọn vẹn...

Biết chúng tôi đến tìm hiểu về những nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), bác sĩ Phạm Ngọc Thái, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Bình Dương tạm gác lại công việc, tiếp chúng tôi. Ông cho biết: “Có người đến thăm thế này, những đối tượng bị nhiễm chất độc da cam sẽ vui lắm vì biết cộng đồng vẫn đang hướng về họ, quan tâm, giúp đỡ họ. Đặc biệt những ngày này đến với họ, họ càng phấn khởi hơn”.

Hội NNCĐDC/dioxin Bình Dương tặng căn nhà sau sửa chữa cho ông bà Trần Duy Hàn NNCĐDC ở khu 7, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Văn Ân ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Tâm sự với chúng tôi, ông Ân kể thời chiến tranh, ông đi bộ đội tham gia chiến trường miền Bắc và Tây nguyên, sang Lào và về lại miền Nam. Lúc đó, sức khỏe bình thường, ông nghĩ sẽ không bao giờ mình bị nhiễm chất độc hóa học, thế nhưng có đâu ngờ… Năm 1977, vợ ông có thai đến tháng thứ 6 thì sinh non. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn thì đứa con sinh ra nuôi ngày càng bé lại, từ 1,2kg chỉ còn 750gr. Lúc đó, vợ chồng ông đưa con đi khám bệnh mới biết con bị nhiễm chất độc da cam - đó là chị Lê Thúy Hà. Đôi chân chị Hà bị teo nên không thể đi lại được. Tuy nhiên, “để có như ngày hôm nay, tôi đã phấn đấu nỗ lực rất nhiều. Ngày trước, tôi mặc cảm lắm! Cứ khách đến nhà, tôi lại trốn vào một góc. Dần dần nhờ sự động viên của gia đình và các anh, chị ở phường, tôi đã thay đổi cách nghĩ và cố gắng vươn lên làm chủ cuộc sống”.

Đi, chứng kiến mới cảm thấy xót xa trước những hoàn cảnh đau lòng của gia đình và NNCĐDC. Ai trong số họ cũng trở về từ chiến trường với nỗi đau da cam, không hề biết, di chứng tàn khốc của chiến tranh không chỉ hành hạ bản thân mà còn di truyền đến cả con và cháu. Cuộc sống của họ cũng bị mất mát quá lớn. Có người con sinh ra rồi chết khi mới lọt lòng. Nếu con họ được may mắn sống thì cũng không bình thường về thần kinh, bại não… cho nên gần như mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác. Thế nhưng, họ vẫn biết vui, biết buồn, cảm động trước tấm lòng của những nhà hảo tâm. Chính sự quan tâm của xã hội đã tiếp thêm cho họ nghị lực sống, để họ không còn thấy mình cô độc và khác biệt.

Bình Dương hiện có 885 đối tượng nhiễm chất độc da cam đang được hưởng chế độ chính sách, trong đó có 590 người trực tiếp tham gia kháng chiến, 295 cháu là con của người tham gia kháng chiến, 223 nạn nhân đang gặp khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, 138 cháu tàn tật gia đình khó khăn cần tập trung nuôi dưỡng. Ông Phạm Ngọc Thái cho biết: “Đa số gia đình các đối tượng này đều rất khó khăn, nhiều hộ chỉ hơn mức nghèo một chút. Tuy nhiên, những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, của địa phương, cuộc sống của họ đã phần nào vơi bớt khó khăn. Hàng tháng, các đối tượng đều được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Bên cạnh đó, hội cũng đã huy động thêm từ sự hảo tâm của xã hội ủng hộ cho các gia đình. Thống kê thời gian qua, tổng số tiền ủng hộ các đối tượng này đạt trên 3 tỷ đồng, trong đó dành trên 1,5 tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân. Đặc biệt, Hội NNCĐDC Bình Dương đã tổ chức xây tặng 6 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 2 căn cho NNCĐDC với số tiền trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, trong mỗi dịp tết, hội đã vận động các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ tiền giúp đỡ các đối tượng NNCĐDC. Những tấm lòng sẻ chia đó giúp cho gia đình của những người lính nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất mát cả về thể xác lẫn tinh thần do loại chất độc quái ác này gây ra, mang đến cho họ một mùa xuân vui hơn, ý nghĩa hơn.

Bên cạnh những niềm vui từ sự sẻ chia quan tâm của cộng đồng, vẫn còn nhiều đối tượng đang bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn gặp khó khăn trong việc được công nhận để hưởng chế độ chính sách. Chính vì thế, các đối tượng này gần như chỉ được hưởng trợ cấp từ những tấm lòng hảo tâm của cộng đồng. Hy vọng trong đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng lần này, nhiều đối tượng NNCĐDC sẽ được hưởng chính sách của Nhà nước. Nếu được sẻ chia từ sự quan tâm, động viên của cộng đồng sẽ là “liều thuốc” tốt nhất để NNCĐDC vượt qua mặc cảm bệnh tật, hòa nhập cộng đồng.

Bình Dương hiện có 5.214 NNCĐDC, trong đó có 1 gia đình có đến 7 đứa con bị nhiễm CĐDC, 9 gia đình có 4 con bị nhiễm, 14 gia đình có 3 con bị nhiễm và 1.195 gia đình có 2 con bị nhiễm. Tới thời điểm này, chỉ có 885 nạn nhân được hưởng chế độ chính sách, số còn lại đang tiếp tục làm thủ tục. Nhân ngày “Vì NNCĐDC/ dioxin Việt Nam” 10-8, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh sẽ trao tặng nhiều phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng cho các NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn ở 7 huyện, thị, thành phố.

HOÀNG ÁI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=290
Quay lên trên