Tuyên truyền pháp luật giao thông trong công nhân lao động: Cần có kế hoạch dài hơi

Cập nhật: 20-08-2014 | 09:14:31

Là địa phương có tiếng “đất lành chim đậu”, mỗi năm Bình Dương đón hàng trăm ngàn lao động từ khắp nơi tìm đến làm ăn, sinh sống. Do xuất thân từ các vùng, miền khác nhau nên trình độ, nhận thức của các cư dân cũng khác nhau, nhất là những hiểu biết về pháp luật giao thông.

 

 Hướng dẫn lái xe an toàn cho thanh niên công nhân Ảnh: B.MINH

Theo thống kê của các ngành chức năng, hàng năm số vụ vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong lực lượng công nhân lao động (CNLĐ) vẫn còn cao. Sẽ dễ dàng nhận ra được tình trạng này nếu quan sát tại cổng của một số đơn vị, doanh nghiệp hay khu vực gần các khu công nghiệp vào giờ tan ca hoặc gần giờ vào ca. Vào giờ cao điểm, từng tốp công nhân 3 - 4 người đi bộ tràn ra cả ngoài lòng đường hay chở 3 trên xe gắn máy, điều khiển xe mà không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, tham gia mua bán trên lòng, lề đường làm cản trở giao thông, thậm chí gây ra tai nạn giao thông (TNGT)...

Nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ CNLĐ về pháp luật ATGT, các cấp ngành, lực lượng chức năng trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Cụ thể như, các cấp công đoàn đã tích cực tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh cho đội ngũ CNLĐ. Trong đó, chú ý đặc biệt tuyên truyền về các nội dung của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 171 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATGT đường bộ và đường sắt; thông báo về các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh để người lao động cảnh giác; tổ chức tuyên truyền lồng ghép Luật Giao thông đường bộ vào các kỳ họp giao ban, các buổi tuyên truyền thành lập công đoàn cơ sở, các buổi sinh hoạt tổ công đoàn... Ngoài ra, các cấp công đoàn còn tổ chức, phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cấp phát tài liệu, tờ rơi, áp phích tại cơ sở và các khu nhà trọ của CNLĐ giúp nâng cao nhận thức của mọi người tuân thủ, chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần làm giảm thiểu TNGT, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, trong các tầng lớp CNLĐ.

Tỉnh đoàn Bình Dương cũng đã có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng trong công tác tuyên truyền đến lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN), trong đó có ĐVTN công nhân để biết và chấp hành tốt pháp luật về giao thông; góp phần vào công tác bảo đảm trật tự ATGT như: Phát động các đội hình thanh niên xung kích, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”, thông qua kết nghĩa, diễu hành tuyên truyền, hội thi văn nghệ, tiểu phẩm tuyên truyền, tọa đàm... Một trong những hình thức hoạt động thiết thực của Tỉnh đoàn là ký kết chương trình phối hợp tổ chức thi và cấp bằng lái xe hạng A1 có miễn giảm học phí kết hợp tổ chức “Ngày hội văn hóa giao thông cho thanh niên công nhân” với Công ty Honda An Thành và Trung tâm Sát hạch lái xe thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh và dự kiến sẽ cấp hơn 2.000 bằng lái xe cho thanh niên công nhân. Bên cạnh đó là tiến hành khảo sát để triển khai thành lập các điểm thanh niên tình nguyện ứng cứu, sơ cứu nhanh TNGT trên đoạn quốc lộ 1A đi qua địa bàn 2 thị xã Dĩ An và Thuận An, vì đây là địa bàn có đông CNLĐ...

Các Huyện, Thị, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc trong tỉnh còn chủ động triển khai kế hoạch hoạt động tham gia giữ gìn trật tự ATGT như việc triển khai tiêu chí “Thanh niên với văn hóa giao thông” đến 100% cơ sở Đoàn - Hội - Đội, duy trì và củng cố đội hình thanh niên tình nguyện tại xã, phường, thị trấn tham gia giữ gìn trật tự ATGT và trật tự đô thị, tổ chức lễ ra quân tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, đường sắt và Luật Giao thông đường thủy nội địa, diễu hành trên các tuyến đường...

Các tổ chức khác như Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền trực tiếp Luật Giao thông đường bộ và văn hóa giao thông cho công nhân; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Dương và các sở, ban, ngành khác thực hiện các chuyên mục về “Pháp luật và cuộc sống”, cung cấp tin, bài và trả lời các câu hỏi của bạn đọc về pháp luật giao thông đường bộ... Riêng Hội Cựu chiến binh cũng đã tổ chức phát động thi đua cho các cơ sở hội, hội viên đăng ký bản thân và gia đình không vi phạm trật tự ATGT; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171 của Chính phủ. Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh còn tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho trên 8.000 công nhân trong các khu nhà trọ do thành viên của hội quản lý.

Làm gì để đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức về pháp luật an toàn giao thông trong lực lượng CNLĐ?

Theo lãnh đạo UBND TP.Thủ Dầu Một, một trong những yếu tố quan trọng để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông là phải tuyên truyền nâng cao ý thức văn hóa giao thông cho người dân, trong đó chủ yếu là lực lượng công nhân lao động. Do đó, làm tốt việc tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ vẫn chưa đủ mà cần có chương trình dài hơi để tuyên truyền về văn hóa giao thông cho người dân, đặc biệt là cho công nhân lao động...

Còn theo Tỉnh đoàn, nên tổ chức hướng dẫn lái xe an toàn, có trợ giá cho thanh niên công nhân; kết hợp với tuyên truyền về lái xe an toàn, tổ chức thi lấy bằng lái xe tại chỗ do các doanh nghiệp có đủ điều kiện hỗ trợ và hình thức này đã được tổ chức thí điểm, nhận được sự đồng tình của đông đảo thanh niên công nhân. Ngoài ra, nên tổ chức tuyên truyền về văn hóa giao thông, kỹ thuật sơ cấp cứu, phòng cháy chữa cháy cho số đối tượng là lái xe tại các doanh nghiệp, hãng taxi, hãng vận tải trong tỉnh...

 

 BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên