Việt Nam luôn là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Cập nhật: 13-07-2014 | 00:00:00

 Samsung mở rộng nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia tài chính nhận định, những thị trường mới nổi đầy tiềm năng như Việt Nam sẽ có sức hút ngày càng tăng đối với các nhà đầu tư.

Dù hiện nay nền kinh tế Việt Nam còn không ít khó khăn, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, triển vọng kinh tế trung và dài hạn vẫn tích cực. Đặc biệt, trong thời gian tới, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Niềm tin vào sự ổn định và khả năng tăng trưởng của giới đầu tư nước ngoài với môi trường kinh doanh Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tuy giảm đến 35,3%, nhưng vốn thực hiện chỉ giảm 0,9% cho thấy hiệu quả giải ngân vẫn ổn định.

Điểm đáng mừng là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đang có những thay đổi tích cực về chất. Giảm mạnh ở bất động sản, thu hẹp chỉ còn 10% và chuyển dịch tích cực sang lĩnh vực tạo tăng trưởng thực sự cho nền kinh tế là chế biến chế tạo với 70%.

Điều này phần nào xua tan những lo ngại về tình hình dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gặp trở ngại do căng thẳng tại Biển Đông và các vụ gây rối ở một số khu công nghiệp vừa qua. Vụ bạo động hồi tháng 5 vừa qua được đánh giá sẽ không ảnh hưởng dài hạn đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài đang hoặc sắp có dự án tại Việt Nam.

Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục ổn định. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu của khối này trong nửa đầu năm đang góp đáng kể cho xuất khẩu nói chung của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu khu vực FDI trong 6 tháng đầu năm đã tăng đến hơn 16% so với cùng kỳ năm 2013, đóng góp phần nhiều vào con số xuất siêu nửa đầu năm. FDI chính là điểm sáng trong tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay.

Trên thực tế, tại nhiều địa phương trong cả nước thời gian qua tiếp tục thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đầu tháng 7 này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án cho Công ty Samsung Display thuộc Tập đoàn Samsung. Đây là dự án thứ 3 của hãng công nghệ Hàn Quốc tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Yên Phong.

Sau khi hoàn thành, nhà máy này của Samsung dự kiến có năng suất 48 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động và có doanh thu hàng năm là 6 tỷ USD. Đây cũng là nhà máy thứ 2 của Samsung tại tỉnh Bắc Ninh. Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến quan trọng cho các nhà sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc, tiêu biểu là Samsung và LG.

Với những kết quả khả quan về đầu tư, ông Ngô Tân Phượng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, cải cách môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng và minh bạch là yếu tố then chốt giúp địa phương này thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Bắc Ninh luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư cũng như tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc nếu có. Tỉnh cũng chỉ đạo các công ty hạ tầng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu về điện, nước, thông tin liên lạc; đầu tư xử lý các khu xử lý chất thải tập trung cũng như công ty thu gom các chất thải rắn trong khu công nghiệp. Các thủ tục hành chính cũng luôn dành được sự quan tâm của tỉnh. Các sở, ngành tập trung giải quyết nhanh gọn, công khai minh bạch, rõ ràng do vậy đã được các nhà đầu tư ủng hộ”, ông Phượng cho biết.

Theo một số chuyên gia tài chính thế giới, khi nguy cơ bong bóng tài chính tại nhiều nền kinh tế phát triển ngày càng lớn, các thị trường mới nổi đầy tiềm năng như Việt Nam sẽ có sức hút ngày càng tăng đối với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để tăng sức thu hút và giữ nguồn vốn này ở lại lâu dài cũng như đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, ông Simon Andrew, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế Việt Nam cho rằng: Các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế cần có 1 đích đến ổn định và an toàn. Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh tính minh bạch, cắt giảm thủ tục hành chính; đồng thời quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các dòng vốn quốc tế nhờ yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Cơ hội đầu tư tại Việt Nam vẫn còn nhiều, nhất là xu hướng các công ty toàn cầu dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang vẫn đang tiếp diễn, khi mà giá nhân công tại thị trường này đã tăng đến 75% trong 5 năm trở lại đây. Song, trong bối cảnh những thách thức và cơ hội đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải cách chính sách thu hút đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi.

TS. Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bên cạnh những yếu tố về ưu đãi đầu tư, các yếu tố về thay đổi thể chế, về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư hay là hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì Việt Nam cần chú ý đến 1 yếu tố rất quan trọng là nâng cao trình độ đào tạo của người lao động.

“Đến giờ chúng ta vẫn chủ yếu sử dụng công cụ ưu đãi đầu tư mà chưa có những thay đổi cơ bản về chất trong chính sách thu hút đầu tư. Ví dụ như các doanh nghiệp trong nước cũng là 1 điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc là cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hoặc bảo vệ môi trường... Nếu chúng ta thay đổi được căn bản điều kiện đó sẽ thu hút được nhiều hơn nữa những dự án FDI chất lượng cao”, TS. Phạm Hùng Tiến chỉ rõ.

Thực tế đang cho thấy, Việt Nam vẫn là một môi trường đầu tư tốt và Chính phủ đang có những nỗ lực rất lớn như chuẩn bị sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hướng tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế như: Hạ lãi suất cho vay, giảm thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước...

Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình cùng các đối tác liên quan hoàn tất một loạt các hiệp định tự do thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các hiệp định này khi được ký kết và việc Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển và là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=529
Quay lên trên