(BDO) Sáng 19-11, Sở Công Thương chủ trì họp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp để góp ý dự thảo kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tại cuộc họp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đều nhất trí với các chương trình mà dự thảo đưa ra. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng trên 13.725 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh). Trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 khoảng 2.750 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu tại cuộc họp
17 đơn vị tham gia các chương trình bình ổn đều là những đơn vị có các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cửa hàng cung ứng và chế biến lương thực, thực phẩm nên hàng hóa bình ổn được vận hành liên tục, ổn định.
Các loại hàng hóa thiết yếu đảm bảo giá cả luôn thấp hơn từ 5–10% so với giá thị trường theo từng thời điểm, đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp; có nguồn cung dồi dào, ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong trường hợp xảy ra biến động thị trường; đồng thời gắn kết chặt chẽ với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các sở, ngành, địa phương đều mong muốn các doanh nghiệp tích cực chọn lựa điểm bán hàng lưu động tại các chợ truyền thống, khu - cụm công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực nông thôn và các huyện phía Bắc trên địa bàn tỉnh; đồng thời, phối hợp bán hàng lưu động với các phiên chợ vui, phiên chợ hoa của các địa phương dịp lễ, tết.
Lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp phát biểu tại cuộc họp
Hai doanh nghiệp xăng dầu là Tổng Công ty TM XNK Thanh Lễ - CTCP và Công ty Xăng dầu Sông Bé TNHH MTV đảm nhận cung ứng đầy đủ cho toàn bộ hệ thống xăng dầu trên địa bàn với số lượng dự kiến tăng thêm từ 10%–15% so với cùng kỳ.
Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm việc tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Đơn vị sẽ kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, ghi nhãn hàng hoá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...
Tiểu My