Trung đoàn BB271 - Sư đoàn BB5 là một trong những trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 18-12-1947, tại chiến trường Cực Nam Trung bộ, tiền thân là các đơn vị Chi đội 1 - Bình Thuận; Chi đội 2 - Ninh Thuận…; Trung đoàn 812 - Cực Nam Trung bộ. Trải qua một chặng đường lịch sử vẻ vang, hôm nay các cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ về Phú Giáo để kỷ niệm 70 năm thành lập trung đoàn với biết bao ký ức đang trỗi dậy trong mỗi tấm lòng…
Trải qua những năm dài chống Pháp, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 8-1964, Trung đoàn 812 chuyển đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 271 và nằm trong đội hình của Sư đoàn 341 (Quân khu 4). Trụ vững trên tuyến đầu của hậu phương miền Bắc, trung đoàn đã góp phần cùng với quân và dân các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình xây dựng Quân khu 4 trở thành hậu phương trực tiếp cho chiến trường miền Nam.
Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7 (nay là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) thừa ủy quyền Chủ tịch nước gắn danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới cho Trung đoàn BB271 năm 2013
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, tháng 11- 1971, trung đoàn được lệnh vào chiến trường miền Đông Nam bộ - Nam Tây nguyên. Sau hơn 3 tháng hành quân vượt Trường Sơn, trung đoàn được giao nhiệm vụ tham gia chiến đấu, mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.
Tháng 11-1973, Trung đoàn BB271 nằm trong đội hình Sư đoàn BB3, được giao nhiệm vụ tham gia trận đánh mở màn chiến dịch Đường 14 - Phước Long, đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu, tiêu diệt chi khu quân sự Bù Đăng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các đơn vị bạn giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long (6-1-1975), tạo ra thời cơ lớn để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trung đoàn được lệnh hành quân về địa bàn tỉnh Long An tham gia giải phóng huyện Đức Hòa (ngày 29-4- 1975), đập tan tuyến phòng thủ của địch ở hướng Tây Nam Sài Gòn, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Long An, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong hơn 3 năm (1972-1975) chiến đấu trên chiến trường Nam bộ, Nam Tây nguyên, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã anh dũng ngã xuống. Sự hy sinh cao cả ấy là tấm gương, là bài ca bất tử về ý chí tiến công tiêu diệt địch để lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người lính Trung đoàn 271 là Anh hùng liệt sĩ Đoàn Đức Thái, dũng cảm ôm bộc phá đánh tan hàng rào của địch. Tên tuổi của anh gắn liền với chiến thắng Bù Đăng trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã ngã xuống trước giờ chiến thắng. Máu đào của các chiến sĩ đã tô thắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của trung đoàn.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 7-1975, trung đoàn được lệnh hành quân về địa bàn tỉnh Phước Long làm nhiệm vụ sản xuất kinh tế trong đội hình của Đoàn Kinh tế Phước Long. Một lần nữa, Trung đoàn BB271 lại “Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng”... Với những chiến công đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và chiến đấu, ngày 15-1-1976, Trung đoàn BB271 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là sự khẳng định, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân về những đóng góp to lớn của trung đoàn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Năm 1978, tình hình chiến tranh trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, trung đoàn nhanh chóng chuyển hướng nhiệm vụ tham gia xây dựng kinh tế sang nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, góp phần giải phóng Phnom Penh và bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân Campuchia giành được. Trải qua 10 năm chiến đấu, công tác trên chiến trường nước bạn, trong đội hình Sư đoàn 302, Quân khu 7, những người lính Trung đoàn 271 tự hào góp phần làm rạng danh phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, giúp đất nước “Chùa Tháp” hồi sinh, xây dựng và vun đắp cho tình đoàn kết, tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia tốt đẹp, bền vững.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, trung đoàn trở về đóng quân tại căn cứ H20, Vạn Kiếp, TX.Bà Rịa. Tháng 11- 1991, Trung đoàn 271 chuyển vị trí đóng quân từ TX.Bà Rịa về thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương - tiếp nhận căn cứ đóng quân của Lữ đoàn 477 đã giải thể. Ngày 13- 3-1992, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ra Quyết định số 41/QĐ-92 tách Trung đoàn BB271 ra khỏi Sư đoàn BB302 về đội hình Sư đoàn BB5. Ngay trong những ngày đầu sát nhập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Sư đoàn 5, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 271 nhanh chóng bước vào xây dựng, củng cố doanh trại, tiến hành thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và thực hiện các nhiệm vụ dân vận trên địa bàn đóng quân.
Hàng năm, Đảng ủy - Ban Chỉ huy Trung đoàn thường xuyên quan tâm, chăm lo đến nhiệm vụ huấn luyện, do vậy trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn được nâng lên rõ rệt; kết quả huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị có 100% nội dung đạt khá, giỏi; diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật các cấp đạt giỏi, an toàn tuyệt đối; tham gia hội thi, hội thao do trên tổ chức đạt nhiều giải cao.
Với những kết quả đạt được trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, ngày 7-1-2013, trung đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, từ năm 2013 đến năm 2017 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND tỉnh Bình Dương tặng nhiều cờ thưởng, bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát huy truyền thống “Tích cực chủ động, khắc phục khó khăn, tự lực tự cường, chiến đấu dũng cảm, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, tiến bộ vững chắc”. Suốt cuộc trường chinh 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Sư đoàn qua các thời kỳ cùng với sự giúp đỡ tận tình của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và các đơn vị kết nghĩa, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Bình Dương, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 271 đã không quản ngại khó khăn, gian khổ xây dựng trung đoàn ngày càng vững mạnh toàn diện đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nguyện một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; dù đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm xây dựng và giữ vững Đảng bộ Trung đoàn trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, tô thắm thêm truyền thống hai lần anh hùng của đơn vị, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vừa qua, Trung đoàn BB271, Sư đoàn 5, Quân khu 7 đã tổ chức tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo và học sinh nghèo hiếu học tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo. Tại đây, trung đoàn đã trao tặng 10 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo mỗi suất gồm 500.000 đồng tiền mặt và 25kg gạo; tặng 50 suất học bổng mỗi suất trị giá 500.000 đồng tiền mặt và 10 chiếc xe đạp (mỗi chiếc 3 triệu đồng) cho học sinh nghèo tại thị trấn Phước Vĩnh. Đây là một trong những hoạt động hướng đến chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của trung đoàn (18.12.1947 - 18.12.2017). Đây là hoạt động thể hiện tình cảm của các cựu chiến binh và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn BB271 đối với các gia đình chính sách, học sinh nghèo hiếu học tại địa bàn trung đoàn đóng quân. Được biết, thời gian qua, Trung đoàn BB271 đã tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa; công tác chính sách, hậu phương quân đội được đẩy mạnh góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, làm sáng ngời thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
K.GIANG - H.PHƯƠNG