Mùa xuân Mậu Tuất năm nay đánh dấu cột mốc Đảng ta tròn 88 tuổi. 88 năm qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, đất nước ta, dân tộc ta đã giành được những thắng lợi vẻ vang, lập nên nhiều kỳ tích. Phát huy truyền thống, Bình Dương đã giành được những thắng lợi to lớn, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp.
Đột phá phát triển công nghiệp
88 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và hơn 20 năm xây dựng phát triển, với sự năng động sáng tạo, quyết liệt, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, Bình Dương đã thay da đổi thịt từng ngày, tạo nên nhiều kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội; trở thành một tỉnh phát triển có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ.
Lĩnh vực công nghiệp là một trong những đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Sóng Thần. Ảnh: T.D
Một trong những điểm nhấn then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương thời gian qua đó là tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Kết thúc năm 2017, Bình Dương tiếp tục thu được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần duy trì đà tăng trưởng của tỉnh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9,15%, GRDP bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, với tỷ trọng tương ứng: Công nghiệp chiếm 63,99%, dịch vụ chiếm 23,68%, nông nghiệp chiếm 3,74% và thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,59%. Tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng; đồng thời tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, phát triển thị trường. Nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp không ngừng phát triển. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 10,98%, trong đó 23/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ và có 11 nhóm tăng trên 10%.
Song song với các hoạt động đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính của địa phương tiếp tục được cải thiện. Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với những nỗ lực cụ thể nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, tích cực và kịp thời của lãnh đạo tỉnh trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại trọng tâm; nên năm 2017, Bình Dương đã thu hút được 2,557 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 185 dự án đầu tư mới, 109 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư và 81 dự án góp vốn. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 3.034 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 28,33 tỷ đô la Mỹ từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bình Dương hiện đứng thứ 2 và chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh.
Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh năm 2017 đó là lĩnh vực xuất khẩu. Theo UBND tỉnh, hoạt động xuất khẩu tiếp tục phát triển mạnh do doanh nghiệp, nhà đầu tư tận dụng các cơ hội, khai thác tốt các thị trường và tác động tích cực từ các hiệp định, cam kết trong thương mại Việt Nam đã tham gia ký kết. Trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 28,533 tỷ đô la Mỹ, nhập khẩu ước đạt 23,819 tỷ đô la Mỹ, duy trì thặng dư thương mại trên 4,7 tỷ đô la Mỹ…
Cùng với sự phát triển về kinh tế, Bình Dương đã tiếp tục tập trung phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội cả về cơ sở vật chất và nội dung, chất lượng hoạt động. Chính sách an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tăng trưởng chất lượng và bền vững
Trong năm 2018, trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2017 và căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng ổn định, chất lượng và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp. Tỉnh phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9% so với năm 2017, đồng thời thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, tinh chế, cung cấp nguyên phụ liệu góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với chủ trương chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu lập đề án xây dựng một số khu công nghiệp công nghệ cao; khu, cụm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng bước hạn chế đi đến không cấp phép các dự án sản xuất ngoài khu, cụm công nghiệp… Trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, tỉnh phấn đấu giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng 10,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20,1%, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,5% so với năm 2017. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị giai đoạn 2016-2020.
Cùng với giải pháp phát triển kinh tế, tỉnh sẽ chú trọng đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, vui chơi giải trí… để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trước mắt, tỉnh tập trung mọi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh dưới 2%, tạo việc làm thêm cho 45.500 lao động với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%; đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình đào tạo việc làm, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Tập trung nguồn vốn, khuyến khích xã hội hóa đầu tư trường lớp, trang thiết bị cho giáo dục - đào tạo theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập, phấn đấu trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt trên 66%. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TRÍ DŨNG