Trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương luôn quan tâm công tác bảo vệ môi trường (BVMT), qua đó tạo nền tảng cho tỉnh nhà phát triển bền vững. Trong 5 năm qua, Bình Dương đã được Trung ương đánh giá là điểm sáng của cả nước về BVMT.
Hoạt động quan trắc nước dưới đất ở Bình Dương. Ảnh: P.V
Môi trường dần được cải thiện
Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của tỉnh Bình Dương là 13,1%, cao hơn tốc độ bình quân của cả nước 2,2 lần. Với việc thu hút nguồn vốn đầu tư lớn vào nền kinh tế đã tạo ra sự thay đổi tích cực về kinh tế - xã hội cho tỉnh nhà, tuy vậy kèm theo đó là sức ép về môi trường ngày càng lớn khi trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động. Bên cạnh đó, sức ép về dân số, tốc độ đô thị hóa cũng gây rất nhiều áp lực cho địa phương trong việc định hướng phát triển bền vững.
Tuy nhiên tỉnh Bình Dương cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ BVMT trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó chất lượng môi trường nước ngày càng được cải thiện so với giai đoạn 2006-2010; chất lượng nước các sông chạy qua địa bàn tỉnh khá tốt; hệ thống mạch nước ngầm qua các chỉ tiêu phân tích đều đạt quy chuẩn cho phép. Đặc biệt các chỉ tiêu về ô nhiễm không khí đều đạt quy chuẩn; hàm lượng các chất ô nhiễm trong đất thấp hơn quy chuẩn cho phép; cùng với đó Bình Dương đã hạn chế tối đa việc suy thoái đất.
Đối với ngành môi trường, mặc dù chịu áp lực lớn từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, lại bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nên ngành đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu do Trung ương đề ra. Kết quả nổi bật là đến nay, tỷ lệ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 85,3%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được xử lý triệt để đạt 98,8%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn đạt 90%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom xử lý đạt 95%...
Càng phát triển càng chú trọng BVMT
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh, cho biết nhiều chỉ tiêu về BVMT của Bình Dương đã vượt xa kế hoạch do Trung ương đề ra là sự nỗ lực rất lớn không riêng của ngành môi trường mà còn có sự đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân. Theo ông Nguyên, để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời đưa Bình Dương trở thành thành phố xanh vào năm 2030, công tác BVMT đã được tỉnh nhà thực hiện theo quan điểm BVMT vừa là mục tiêu vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững; BVMT phải được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương; BVMT phải theo phương châm lấy phòng ngừa làm chính, đi đôi với kiểm soát, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương tuy phát triển mạnh để trở thành một tỉnh công nghiệp nhưng ít bị tổn hại, tác động lớn bởi các vấn đề môi trường. Công tác BVMT tại địa phương đã được các tỉnh, thành bạn và cả Trung ương đánh giá là điểm sáng của cả nước. Bình Dương đã và đang nỗ lực để sớm hoàn thành các tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020 và là thành phố xanh vào năm 2030.
Phát biểu tại Hội nghị môi trường toàn quốc diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh dự thảo Báo cáo tổng kết của hội nghị có nêu cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế là trong 10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, thậm chí đến năm 2025 có thể tăng gấp 4 - 5 lần. Tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP. Đây là cảnh báo rất đáng quan tâm khi trên thực tế, vẫn còn tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt hơn nhiệm vụ BVMT bền vững lâu dài.
PHÙNG HIẾU