Hôm qua (6-8), trong phần thảo luận và tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Giáo lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, các đại biểu đã thảo luận, tham luận các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trên một số lĩnh vực trọng tâm, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm cao đối với chặng đường phát triển tiếp theo của huyện.
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại phần thảo luận tổ. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Phát triển hạ tầng giao thông
Trong nhiều năm qua, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại huyện Phú Giáo được quan tâm đầu tư. Trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Phú Giáo xác định tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông tạo kết nối và đồng bộ với hệ thống giao thông trong và ngoài tỉnh. Theo đại biểu Văn Quang Chinh (Phòng Quản lý đô thị huyện), để đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong huyện; tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội và nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là quy hoạch tổng thể giao thông - vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của huyện; thực hiện tốt công tác công khai thông tin quy hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải để dân biết, dân tham gia giám sát; tăng cường thu hút đầu tư, huy động tốt và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng như thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời phân bổ vốn đầu tư hợp lý, không dàn trải, lựa chọn những dự án, công trình quan trọng, tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn để tập trung đầu tư.
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp
Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế tập thể, áp dụng công nghệ cao là những giải pháp quan trọng được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở huyện Phú Giáo. Trên địa bàn huyện hiện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa kinh tế nông nghiệp chuyển biến tích cực. Để làm tốt hơn công tác này, theo đại biểu Trịnh Đức Dũng (Hội Nông dân huyện), trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia các hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đồng thời chủ động, sáng tạo và tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức kinh tế để tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ hội viên nông dân phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Cũng theo đại biểu Trịnh Đức Dũng, cần phối hợp hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho hội viên nông dân sản xuất sản phẩm sạch, xây dựng thương hiệu tập thể các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế trên địa bàn như cam, bưởi, hồ tiêu... Bên cạnh đó, cần phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời kiến nghị với các cơ quan Nhà nước đơn giản thủ tục để nông dân dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Chia sẻ về nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia theo Luật Giáo dục giai đoạn 2020- 2025, đại biểu Đặng Thanh Tuấn (Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện), cho rằng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục, tạo chuyển biến nhận thức và sự đồng thuận đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cũng như các chủ trương, chính sách mới về giáo dục đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; giáo dục mầm non; giáo dục nghề... Mặt khác, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nguồn, đội ngũ cán bộ quản lý kế cận và thực hiện tốt công tác luân chuyển, sắp xếp, bố trí, phân công lại cán bộ quản lý, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên; đồng thời tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức để xác định rõ trách nhiệm, phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Ngành giáo dục - đào tạo huyện xây dựng, tăng cường thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa trình độ và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; phấn đấu về trình độ giáo viên đạt chuẩn 100% (theo Luật Giáo dục có hiệu lực ngày 1- 7 - 2020).
Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong việc tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định, cũng như các chương trình, kế hoạch của cấp trên, có mô hình hay, phương pháp mới phù hợp với xu thế và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Đồng thời, ngành cần tham mưu đánh giá, phân loại, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại theo tiêu chuẩn chức danh cụ thể; tiếp tục tham mưu UBND huyện, các sở, ngành của tỉnh quan tâm cân đối ngân sách, phân bổ hạng mục công trình, thiết bị đầu tư, xây dựng, mua sắm trang bị dạy học; đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của học sinh…
TRÍ DŨNG