Bàn giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Cập nhật: 22-06-2018 | 08:18:55

Mặc dù đã và đang là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhưng thời gian qua ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của nước ta vẫn còn thiếu và yếu. Cùng với những trở ngại về thị trường, nguồn lực, công nghệ, khó khăn về nguồn vốn được coi là nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển ngành CNHT trong nước hiện nay.

 Hoạt động sản xuất tại một công ty sản xuất điện cơ, Khu công nghiệp Mỹ Phước II, TX.Bến Cát

 CNHT phát triển chưa tương xứng

Theo Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, hiện nay năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp (DN) CNHT trong nước còn nhiều hạn chế; chỉ cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT; sản phẩm chủ yếu là linh kiện và vật liệu đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hầu hết các DN CNHT chưa tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đối với những sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ khá trở lên. Một số DN đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT cũng mới quan tâm mở rộng quy mô, chứ chưa chú trọng đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến...

Bình Dương được đánh giá là địa phương tích cực hỗ trợ phát triển ngành CNHT. Tuy vậy, CNHT trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước. Theo thống kê, trong 10 năm gần đây, mỗi năm các DN trong tỉnh phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu vật liệu, phụ tùng, linh kiện... phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội cơ điện Bình Dương, cho biết số lượng DN CNHT ngành cơ điện trên địa bàn tỉnh quá ít, phần lớn phát triển tự phát, manh mún, chưa có quy hoạch, thiếu chuyên môn hóa nên hiệu quả mang lại chưa cao. Với đặc thù của ngành nghề cơ điện, muốn trở thành nhà cung cấp sản phẩm phụ trợ, DN trong ngành này phải đầu tư lớn để làm ra sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, số lượng và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện đa số DN CNHT trên địa bàn tỉnh là DN vừa và nhỏ nên không dễ tiếp cận vốn vay.

Đối với ngành gỗ, một trong những ngành chủ lực của Bình Dương, hàng năm các DN tiêu tốn hàng trăm triệu USD để mua nguyên phụ liệu phục vụ ngành gỗ. Điều đáng nói, nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng khá cao trong giá thành sản phẩm gỗ (từ 20 - 30%). Nếu các nguyên phụ liệu gỗ được sản xuất trong nước, các DN sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí. Trong khi đó, đối với ngành dệt may, phần lớn nguyên phụ liệu các DN trên địa bàn tỉnh phải nhập khẩu, nên giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Bình Dương, hiện nay các đối tác nước ngoài khi làm việc với DN trong nước luôn đặt ra tiêu chuẩn về chất lượng rất khắt khe. Trong khi đó, khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa các DN trong nước và DN nước ngoài khá lớn, vì vậy nhiều DN không tìm kiếm được thông tin về khả năng giao thầu của DN lớn, nhất là DN nước ngoài…

Gỡ khó về vốn

Ông Phạm Chí Thắng, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Nam Thiên Trường (TX.Dĩ An), chia sẻ đối với ngành cơ điện, muốn cung cấp sản phẩm CNHT thì DN phải đầu tư lớn vào máy móc, lao động có trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của ngành này. Chính vì vậy, nhà nước cần có những cơ chế thông thoáng hơn nữa để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn mua sắm máy móc hiện đại, đầu tư nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động...

Theo lãnh đạo nhiều DN, Nhà nước cần sớm nghiên cứu giải pháp hỗ trợ tín dụng, thời hạn vay linh hoạt và hạn mức vay phù hợp với điều kiện của DN; nới lỏng quy định về tài sản thế chấp... để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn khi cần. Bên cạnh đó, cần thành lập quỹ tài chính dành riêng cho các DN CNHT và là quỹ mở để thu hút mọi nguồn lực tài trợ trong nước và quốc tế…

Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đã tiến hành khảo sát DN hoạt động về CNHT trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu thực trạng, các rào cản phát triển CNHT, từ đó đề xuất lên cấp có thẩm quyền hướng tháo gỡ. Sở cũng chia sẻ với các DN CNHT thiếu vốn đầu tư, gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Tuy nhiên, mô hình quỹ nào muốn hoạt động cũng phải dựa trên quy định của pháp luật. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Hy vọng, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho DN CNHT.

Để góp phần hỗ trợ DN sản xuất, Sở Công thương đã triển khai Đề án phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó tập trung xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút và hỗ trợ đầu tư để phát triển CNHT. Sở Công thương cũng đang nghiên cứu đềxuất với UBND tỉnh giải pháp hỗtrợtạo mặt bằng sản xuất với quy mô diện tích vàgiáthuê phùhợp cho DN CNHT trong các khu công nghiệp. Khi phân khu này hình thành sẽ tạo điều kiện cho các DN CNHT dễ dàng có mặt bằng sản xuất, gắn kết với nhau và đặc biệt là liên kết với các DN đầu tư nước ngoài; đồng thời từng bước hình thành mạng lưới sản xuất CNHT…

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=200
Quay lên trên