Nhà báo tác nghiệp tại buổi họp báo giới thiệu chương trình Chiếc Thìa Vàng 2014. Ảnh: D.CHÍ
Báo chí là cầu nối hiệu quả
“Nguyên liệu của hợp tác xã là những thứ tưởng như bỏ đi như lục bình, bẹ chuối; lao động trong hợp tác xã hầu hết là những người không gia đình, sống lang thang. Nhưng mục đích hướng đến của hợp tác xã là cuộc sống, là cái đẹp nên từ ngày ra đời đến nay hợp tác xã luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ rất mạnh mẽ của báo chí. Chính nhờ sự ủng hộ đó đã giúp hợp tác xã vượt qua khó khăn vươn lên ổn định như hôm nay. Báo chí và DN luôn cùng đồng hành trên con đường chân lý!” (bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ba Nhất, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên).
Bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển của Công ty Sản xuất xe đạp Asama (Khu công nghiệp Sóng Thần 2) được ông Châu Vĩ Chí, Giám đốc Kinh doanh tiếp thị công ty, chia sẻ: “Kiện chống bán phá giá thực chất là cái hàng rào kỹ thuật nên nó rất vô lý, mang tính áp đặt. Không chỉ chiếc xe đạp Asama Việt Nam bị kiện vì “bán phá giá tại thị trường châu Âu” mà rất nhiều sản phẩm, thương hiệu khác cũng bị kiện tại Mỹ như cá tra, cá basa là những điển hình của sự vô lý nhưng phải cam chịu do đó là “luật”! Nhưng cam chịu trong hoàn cảnh này không có nghĩa là buông tay, mà phải tìm cách đấu tranh, chứng minh cho bằng được sự vô lý đó. Việc này nhà DN không làm được, mà có làm được thì cũng khó thuyết phục được nguyên đơn vì yếu tố khách quan. Chỉ có báo chí tìm hiểu, phản ánh về quy trình sản xuất, lý giải sinh động vì sao sản phẩm đó vừa rẻ, vừa đẹp lại có chất lượng so với sản phẩm khác. Có phải do Nhà nước trợ giá, hay là do hiệu quả đầu tư, kinh nghiệm, sự nỗ lực tiết kiệm của nhà DN và hơn thế nữa là sự cần cù, chăm chỉ cộng với bàn tay lao động lành nghề của người thợ Việt Nam đã giúp máy móc phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất sản xuất.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á Nguyễn Thanh Trung nêu vấn đề: “Không ai có thể sống hay làm việc chỉ với một mình, mà phải có cộng đồng. Nhà DN cũng vậy. Do đó, trách nhiệm với cộng đồng luôn được công ty quan tâm và báo chí là chiếc cầu nối rất quan trọng, hiệu quả”.
Cùng góc nhìn trên, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I Lý Ngọc Minh chia sẻ: “Trước đây chúng tôi chỉ nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm có chất lượng để khách hàng tìm đếm mua. Bây giờ mà làm như vậy thì không được; phải giới thiệu, hướng dẫn và mời khách hàng dùng. Công việc này rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan truyền thông báo chí”.
Tin tưởng vào vai trò của báo chí
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc Nguyễn Thanh Nghĩa nói: Hội nhập kinh tế ngoài việc mở ra sân chơi, cơ hội mới còn đặt DN vào tình huống phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Nhưng đâu phải cuộc cạnh tranh nào cũng hợp lý và bình đẳng. Bằng trách nhiệm thông tin được Nhà nước, xã hội giao phó, báo chí đã tìm hiểu, phản ánh, lột tả bản chất nhiều vấn đề, nhiều vụ việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để giành giật thị trường chứ không phải cạnh tranh. Ở một khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Đỗ Thị Kim Loan cho rằng hệ thống văn bản pháp lý của nước ta đang trong giai đoạn hoàn thiện nên không tránh khỏi tình trạng mới ban hành phải sửa đổi hoặc quy định rộng lớn để loại trừ. Cụ thể là giai đoạn chống lạm phát, hạn chế nhập siêu, Tổng cục Hải quan ban hành văn bản nâng thuế nhập khẩu từ 0% lên 10% mà không nói rõ “trừ nguyên liệu tạm nhập tái xuất hoặc nhập khẩu sản xuất để xuất khẩu” khiến cho ngành gỗ và một số ngành khác điêu đứng. Nếu không nhờ báo chí lên tiếng phản ánh thì Hiệp hội Chế biến gỗ cũng như các hiệp hội khác phải mất rất nhiều thời gian, phát sinh hậu quả.
PHÙ SA NGUYỄN