Bắt nhịp chuyển đổi số - Kỳ 1

Cập nhật: 02-10-2020 | 07:34:11
LTS: Trong bối cảnh khoa học - công nghệ (KHCN) đang dần thế chỗ cho những phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống, các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ phải sớm đưa ra lựa chọn để phát triển. Thay đổi để thích ứng với xu thế của thị trường hoặc là tiếp tục phương thức cũ để rồi dậm chân tại chỗ, mất dần thị phần? Báo Bình Dương gửi đến quý độc giả loạt bài “ Bắt nhịp chuyển đổi số”.

Kỳ 1: Thay đổi hoặc là “chết”

 Những năm gần đây, sự phát triển của KHCN và việc ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế đã tạo nên sự thay đổi lớn trong các khâu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng KHCN như một đòn bẩy để bứt phá ngoạn mục và gặt hái được nhiều thành công.

 Gần 2.000 sản phẩm thực phẩm tươi sống với nhiều ưu đãi hấp dẫn được bày bán trên trang thương mại điện tử tiki.vn

Thời của thương mại điện tử

Với sự phát triển thần tốc của KHCN và việc ứng dụng KHCN triệt để vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thúc đẩy thị trường với nhiều khởi sắc. Đặc biệt, kể từ khi các “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử (TMĐT) chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam, sự biến hóa và phát triển của thị trường luôn khiến các doanh nghiệp phải thường xuyên thay đổi để thích ứng. Điều này gây ra một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, tạo ra một sân chơi “công bằng” khi các doanh nghiệp phải bước vào một sân chơi minh bạch và hướng đến việc trao giá trị cho khách hàng, đối tác nhiều hơn là chỉ chăm chăm vào lợi nhuận.

Hiện tại, thị trường Việt Nam có hàng ngàn trang TMĐT với hàng triệu gian hàng (shop) đăng ký mở bán sản phẩm, dịch vụ. Sự nở rộ của các trang TMĐT mang đến sự cạnh tranh khốc liệt cho các doanh nghiệp. Cụ thể, biên giới (xuất xứ) hàng hóa đã gần như bị xóa nhòa, thay vào đó là sự so sánh trực tiếp giữa các mặt hàng về tính năng, giá trị sản phẩm, chế độ khuyến mãi, hậu mãi và giá thành sản phẩm. Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Lan (sống tại TP.Thủ Dầu Một), chủ một gian hàng trên trang TMĐT Tiki, cho biết kể từ khi có các trang TMĐT, những sản phẩm không thuộc các thương hiệu đình đám vẫn có chỗ đứng trong thị trường và vẫn bán hàng tốt. Chị Lan cho biết: “Khách hàng quan tâm chỉ có 3 điều, một là giá trị mà sản phẩm mang lại, hai là giá thành, ba là thời hạn sử dụng. Vậy nên chỉ cần đáp ứng được 3 điều trên thì dù sản phẩm của bạn là gì, sản xuất ở đâu cũng đều có một chỗ đứng riêng”.

Đồng quan điển trên, anh Hoàng Huy Lê, chủ một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại TP.Thuận An, cho biết việc bán hàng toàn quốc hay xuyên biên giới đã không còn là vấn đề lớn. Phía chủ gian hàng (shop) chỉ cần đăng ký liên kết giao hàng với sàn TMĐT hoặc một công ty chuyển phát, khi có đơn hàng, nhân viên phía công ty chuyển phát sẽ đến kho hàng của chủ shop để mang đi giao cho khách hàng. “Từ khi đưa hàng lên các trang TMĐT, doanh số của công ty có chiều hướng tăng rõ rệt từng năm. Việc vận chuyển hàng, nhận thanh toán cũng trở nên đơn giản hơn vì đã có đối tác chuyển phát lo”, anh Lê chia sẻ.

“Cá nhanh nuốt cá chậm”

Ở giữa kỷ nguyên số, khái niệm “cá lớn nuốt cá bé” dường như không còn được dùng nhiều nữa, thay vào đó, người ta ưa chuộng câu “cá nhanh nuốt cá chậm” hơn. Theo các chuyên gia, câu này được hiểu theo nghĩa giữa một thị trường liên tục thay đổi, nhiều biến động, việc phát triển và tồn tại của một doanh nghiệp không còn phụ thuộc quá nhiều vào quy mô hay tầm cỡ của doanh nghiệp đó mà phụ thuộc phần lớn vào sự thay đổi, thích ứng của doanh nghiệp trước những biến động của thị trường, sự thay đổi xu hướng mua hàng của người tiêu dùng.

Một ví dụ rõ ràng nhất là hiện nay hầu hết hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng đều đã trưng bày những sản phẩm là thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt cá… lên ứng dụng, website để khách hàng có thể tự do lựa chọn. Sau khi lựa chọn xong, khách hàng chỉ cần xác nhận lại đơn hàng, điền thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ nhận hàng, chỉ 5 - 10 phút sau có nhân viên giao tận nhà.

Dạo một vòng quanh các sạp thịt heo tại chợ Thủ Dầu Một, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy chỉ mới hơn 7 giờ sáng nhưng một số gian hàng đã hết thịt, đang chuẩn bị dọn dẹp để về nhà. Trong khi đó, một số gian hàng khác vẫn còn nguyên. Bật mí về điều này, cô Lê Thị Phượng, chủ sạp thịt heo quy mô lớn tại chợ Thủ Dầu Một, cho biết để không bị tụt hậu với thị trường, nhiều chị em tiểu thương ở các chợ cũng đã bắt đầu đưa hàng hóa của mình lên các “gian hàng online” như Zalo, Facebook để “nhận order” từ khách. “Việc làm này vừa giúp người tiêu dùng mua sắm dễ dàng hơn, đồng thời cũng gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho người bán hàng”, cô Phượng chia sẻ.

Việc thay đổi để thích ứng với sự biến đổi của thị trường được xem là việc làm cấp thiết mà bất cứ doanh nghiệp, ngành nghề nào cũng cần thực hiện ngay. Thời công nghệ, số hóa hiện nay, mọi vấn đề về thị trường đều trở nên minh bạch và sòng phẳng. (Còn tiếp)

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=482
Quay lên trên