Cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ và đô thị, thời gian qua ngành nông nghiệp cũng được huyện Bàu Bàng quan tâm phát triển. Trong giai đoạn 2017-2019, từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKD), trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình với doanh thu đạt từ 500 triệu đồng đến 10 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều mô hình ứng dụng kỹ thuật cao
Đến nay, tổng diện tích ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất trồng trọt của huyện Bàu Bàng đạt 192,7 ha, trong đó có 2,4 ha rau trong nhà kính, ứnh dụng hệ thống tưới nước tự động, 71,6 ha quýt đường, 31,5 ha bưởi da xanh và 87,2 ha cây ăn trái ứng dụng kỹ thuật tưới phun tự động. Toàn huyện hiện có 319 trang trại, trong đó có 101 trang trại, cơ sở công nghệ kỹ thuật cao và 13 trang trại, cơ sở được chứng nhận VietGAP.
Hiện trên địa bàn huyện có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, như trang trại tổng hợp ở xã Long Nguyên và xã Lai Hưng; mô hình chăn nuôi vịt xiêm lai ở xã Lai Hưng; mô hình trồng hoa lan ở xã Tân Hưng và xã Lai Hưng; mô hình chăn nuôi heo ở xã Long Nguyên và xã Cây Trường; mô hình trồng cây có múi ở xã Trừ Văn Thố và xã Cây Trường… Các mô hình này đều áp dụng công nghệ mới được ứng dụng trong nông nghiệp như trại lạnh, hệ thống tưới tiêu tự động… và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP.
Thời gian qua, ngoài mô hình trang trại, các mô hình hộ gia đình cũng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân huyện Bàu Bàng. Trong ảnh: Mô hình nấm bào ngư tại xã Tân Hưng. Ảnh: Khánh Đăng
Tại xã Cây Trường II, mô hình trồng cây cao su của bà Nguyễn Thị Tứ được nhiều người biết đến. Với diện tích 52ha, bên cạnh việc trồng và chăm sóc cao su theo cách truyền thống, bà còn áp dụng các công nghệ tưới nước tự động, phun thuốc tự động để vừa giảm thời gian chăm sóc, vừa giảm chi phí. “Qua việc áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất giúp gia đình tôi giảm chi phí thuê mướn nhân công, việc chăm sóc cây tốt hơn, đồng thời giảm lượng cây mắc bệnh và cho năng suất thu mủ cao”, bà Tứ nói.
Tại các địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp không nhiều trong huyện, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trang trại trồng nấm, trồng lan, nuôi chim yến áp dụng chặt chẽ các quy trình sản xuất VietGAP, kỹ thuật cao. Có thể kể đến như mô hình Tổ hợp tác trồng nấm xã Tân Hưng, mô hình trồng lan mokara của bà Nguyễn Thị Kim Ca ở xã Lai Hưng, mô hình nuôi chim yến của ông Kim Ngọc Việt ở xã Tân Hưng…
Tạo nguồn thu ổn định
Trong giai đoạn 2017-2019, toàn huyện Bàu Bàng có 8.166 lượt hộ đạt danh hiệu NDSXKD giỏi các cấp, trong đó có 52 lượt hộ đạt cấp Trung ương, 425 lượt hộ đạt cấp tỉnh, 1.159 lượt hộ đạt cấp huyện, 6.530 lượt hộ đạt cấp cơ sở. Qua phong trào NDSXKD giỏi, trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm, như mô hình trồng bưởi da xanh của bà Nguyễn Thanh Thủy (xã Long Nguyên) cho thu nhập từ 5 -10 tỷ đồng/ năm; trang trại trồng cây có múi của ông Lê Văn Phấn (xã Trừ Văn Thố) cho thu nhập gần 7 tỷ đồng/năm; trang trại gà lạnh của ông Nguyễn Hữu Thư (xã Trừ Văn Thố) cho thu nhập hơn 5 tỷ đồng/năm…
Ngoài những hộ có thu nhập cao, toàn huyện có hơn 900 hộ nông dân giỏi tiêu biểu có thu nhập trung bình từ 200 - 500 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, từ phong trào NDSXKD, trong toàn huyện đã có nhiều mô hình sản xuất giúp các hộ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống - chủ yếu là các mô hình theo quy mô hộ gia đình. Điểm chung của các mô hình này là có nguồn thu không cao nhưng tạo nguồn thu ổn định, tiêu biểu như mô hình sản xuất rau, hoa, cây cảnh, trồng nấm… có thu nhập trung bình 100 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng, cho biết để nâng cao hiệu quả phong trào NDSXKD, trong thời gian tới huyện sẽ thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm liên kết NDSXKD theo chuyên hoặc đa ngành, lĩnh vực; tạo diễn đàn của nông dân để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao. Hội cũng chú trọng triển khai các đề án, dự án để tăng cường thêm nguồn vốn, tiến bộ kỹ thuật mới phục vụ cho nông dân…
Hiện nay, toàn huyện Bàu Bàng 100% diện tích đất canh tác cây lâu năm được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc; 80% trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống làm mát và sưởi ấm chuồng trại, hệ thống máng ăn, máng uống tự động; 34% đàn gia cầm, 29% gia súc được nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao. |
KHÁNH ĐĂNG