Gia đình là “tế bào xã hội”, đồng thời cũng là nơi hình thành những giá trị đạo đức để xây dựng xã hội. Bởi thế, giữ gìn văn hóa gia đình là việc cần thiết, liên tục để thực sự làm nền tảng cho tổ ấm của mỗi người.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tâm - chị Phạm Thị Nhuận (TX.Tân Uyên) là một điển hình cho gia đình hạnh phúc, anh chị chia sẻ với nhau từ công việc gia đình cũng như kinh doanh phát triển kinh tế. Còn đối với gia đình chị N.T.C. (TX.Thuận An) lại khác. “Mỗi lúc đi làm về hay khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, chồng chị lại tham gia vào những cuộc nhậu nhẹt. Lúc say xỉn, anh đập phá đồ đạc trong nhà, rồi chửi bới vợ thậm tệ. Nhiều lần chứng kiến mẹ bị chửi bới, những đứa con của chị chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Trong gia đình, người chồng nên góp sức trong việc chăm sóc con cái để gia đình hạnh phúc, yên bình
Kể ra như vậy mới thấy giá trị của 4 chữ “hạnh phúc gia đình” là như thế nào. Tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. BLGĐ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp... Những hành vi bạo lực đó gây ra những tiêu cực về mặt xã hội, dẫn đến sự bất ổn trong quá trình phát triển của gia đình và xã hội. Từ lâu nay, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” kéo theo sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Trước đây, người phụ nữ bị hành hạ do sống phụ thuộc chủ yếu vào chồng. Hiện nay, vai trò của phụ nữ có nhiều thay đổi và thậm chí có nhiều người thành đạt hơn chồng nhưng họ vẫn bị chồng ngược đãi.
Xác định quan niệm bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến BLGĐ, Kế hoạch thực hiện Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do UBND tỉnh ban hành hướng dẫn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua chiến dịch truyền thông và các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình” (tháng 6), “Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” (từ ngày 15-11 đến ngày 15-12 hàng năm), “Ngày quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” (ngày 25-11); tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có phòng chống BLGĐ.
Nhằm làm tốt công tác phòng, chống BLGĐ, Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa gia đình (NSVHGĐ), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã làm tốt công tác tập huấn, tuyên truyền đến cơ sở… Các lớp tập huấn về nội dung Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình cũng được tổ chức theo định kỳ. Công tác truyền thông, vận động và phối hợp của các ngành được thực hiện thường xuyên và liên tục… Bằng những việc làm này, vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc ngày càng được quan tâm. Tình trạng bạo lực, bạo hành gia đình cũng giảm dần trong các năm qua.
Việc xóa bỏ BLGĐ không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và quốc gia trong phòng, chống BLGĐ. Chỉ khi nào công tác phòng, chống bạo lực được triển khai có hiệu quả thì lúc đó gia đình mới được coi là chốn yên bình và hạnh phúc của các thành viên trong gia đình và chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và phát triển bền vững.
LÊ HUỲNH