GIÁO SƯ - TIẾN SĨ TRẦN ĐÌNH THIÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG:

Bình Dương có phẩm chất khai phá, tiến vượt

Cập nhật: 26-01-2017 | 21:35:45

Năm 2017, Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng sẽ gặp nhiều thách thức trong phát triển kinh tế, cũng như tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhân dịp năm mới Đinh Dậu 2017, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương về vấn đề này.

 - Thưa GS-TS Trần Đình Thiên, ông dự đoán như thế nào về mức tăng trưởng của cả nước trong năm 2017. Chúng ta sẽ gặp thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình hội nhập?

- Tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể là khó khăn hơn những năm trước. Việc Chính phủ đặt mức tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 và đã được Quốc hội thông qua phản ánh quyết tâm vượt qua khó khăn để khôi phục lại đà tăng trưởng trong những điều kiện khó khăn. Đó là điều rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, dù sao đó cũng chỉ là một con số thể hiện mong muốn và mang tính dự báo.

Sang năm, đa số các dự báo đều cho rằng nền kinh tế thế giới có nhiều yếu tố tác động bất lợi; xu hướng tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn khá ảm đạm. Hai trung tâm kinh tế lớn của thế giới là Trung Quốc và Liên minh châu Âu vẫn trong xu thế bất ổn, bất định nhưng hướng giảm sút tốc độ tăng trưởng là rất rõ; trong đó Trung Quốc đóng góp hơn 30% tăng trưởng GDP toàn cầu chưa thoát khỏi “bóng ma” hạ cánh “cứng”. Nên lưu ý rằng, hai trung tâm kinh tế này đang có tác động trực tiếp rất mạnh đến nền kinh tế nước ta. Trong khi đó, việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ cũng đang làm cho tính bất định trong các xu hướng của kinh tế thế giới tăng cao. Không ai biết được liệu có xảy ra cuộc chiến tranh thương mại và chiến tranh tiền tệ Mỹ - Trung hay không. Cùng với đó, số phận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang rất khó đoán. Rồi còn tình hình kinh tế Hàn Quốc - vốn là đối tác đầu tư và thương mại lớn bậc nhất của Việt Nam - có xu hướng xấu đi rõ rệt sau sự kiện tổng thống bị luận tội.

Trong bối cảnh như vậy, xu thế giá cả hàng hóa nói chung, giá dầu lửa nói riêng sẽ ra sao, các tỷ giá hối đoái và các thị trường chứng khoán sẽ “co giật” như thế nào, thật sự đang là những vấn đề đặc biệt tù mù, chưa ai dám đoán. Một nền kinh tế có độ mở cửa cao nhưng sức cạnh tranh và thực lực còn yếu như của Việt Nam, trong hoàn cảnh như vậy, chắc mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nữa. Cần phải tính thật kỹ, thật sát những diễn biến này để có giải pháp ứng phó kịp thời. Đó là cách tốt nhất để đứng vững. Tôi nghĩ tăng trưởng kinh tế của nước ta sang năm có đạt 6 - 6,3% cũng là điểm sáng trên thế giới rồi, không có gì phải phàn nàn; miễn là đứng vững và tái cơ cấu được đẩy mạnh.

- Xin ông cho biết ý kiến của mình về TPP, khi Mỹ đã không còn mặn mà với hiệp định này?

- Thứ nhất, tôi nghĩ ông Donald Trump có thể không mặn mà với TPP theo một cách nào đó, nhưng nước Mỹ vẫn tiếp tục coi khu vực châu Á - Thái Bình Dương, địa bàn của TPP, có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu. Thứ hai, sẽ có một số khả năng cho TPP. Đó là, chuyện Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP, hay chí ít là gác lại (đây là một khả năng không nhỏ) là điều hầu như chắc chắn xảy ra. Không có Mỹ thì hiệu ứng phát triển toàn cầu của hiệp định mang tính dẫn dắt này sẽ giảm mạnh, kéo theo sự giảm sút đáng kể lợi ích mà nó mang lại cho các nước thành viên. Khi đó, khả năng 11 nước tham gia đàm phán TPP còn lại sẽ tiếp tục “cuộc chơi”.

 

 Đại lộ Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: XUÂN THI

Nên nhớ rằng, khởi xướng TPP ban đầu chỉ có 4 nền kinh tế nhỏ là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Bây giờ vẫn còn 11 nền kinh tế, tuy không có Mỹ nhưng vẫn còn Nhật Bản, Canada, Autralia..., không quá nhỏ để tiếp tục “cuộc chơi” hợp với xu thế thời đại.

Song song với triển vọng đó, tôi nghĩ rằng nước Mỹ không đơn giản thoát ra khỏi xu hướng hội nhập quốc tế theo cách như vậy. Hội nhập là xu hướng thời đại, mang tính tất yếu, trong đó Mỹ là nền kinh tế đóng vai trò dẫn dắt. Lợi ích của Mỹ là rất lớn, do vậy Mỹ có thể rút khỏi TPP nhưng không thể rút khỏi hội nhập, dứt khoát quay về xu hướng đóng cửa, biệt lập. Thực tế cho thấy, Mỹ rút đến đâu, Trung Quốc lấn đến đó. Thậm chí Mỹ chưa rút, Trung Quốc đã lấn tới rồi. Liệu Mỹ với ông Trump là tổng thống có chịu lùi để bị lấn mãi như vậy không?

Theo logic đó, tuy Mỹ có thể rút khỏi TPP song có thể sẽ tiếp cận với các đối tác TPP riêng lẻ, với những cam kết song phương không thua kém về đẳng cấp so với cam kết TPP. Chính ông Trump cũng đã đề cập đến khả năng này rồi. Tôi nghĩ Việt Nam và các nền kinh tế TPP nên tính đến khả năng - triển vọng này, coi nó như một cơ hội mới và lớn cần tranh thủ tối đa.

- Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã có hiệu lực, nhưng dường như doanh nghiệp (DN) cả nước vẫn chậm chạp so với các nước trong khu vực? Tương lai nào cho các DN Bình Dương tại thị trường tiềm năng này, thưa GS?

- Cả nước đúng là chậm hơn so với một số nước trong AEC, nhưng Bình Dương thì không chậm như vậy, thậm chí có những điểm không thua kém, mà còn vượt trội. Nhiều DN của Bình Dương đã kết nối vào các chuỗi sản xuất toàn cầu, gắn với Nhật Bản, Hàn Quốc...; nghĩa là vượt ra ngoài phạm vi khu vực AEC rồi, nên tiếp tục xu hướng này mạnh hơn nữa. Các DN của Bình Dương, so với các DN trong AEC, vẫn giữ được lợi thế chi phí lao động rẻ. Do vậy, cần tận dụng cho tốt lợi thế này.

Thêm vào đó, Việt Nam đi sau, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà Bình Dương là một bộ phận, đang đứng trước tiềm năng đột phá và bùng nổ. Với cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp xây dựng, TP.Hồ Chí Minh là hạt nhân, vùng này có triển vọng trở thành một trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực. Một khi tổ chức liên kết vùng tốt sẽ tăng sức cạnh tranh của các DN trong vùng lên đáng kể. Đó là chưa kể sức tác động tích cực đặc biệt mạnh mẽ của hành lang kinh tế phía Nam nối từ Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh sang Phnom Penh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan) và siêu cảng Dawei của Myanma.

Một tiềm năng lớn khác phải kể đến là dư địa để phát triển lực lượng DN của Việt Nam nói chung, DN Bình Dương nói riêng. DN của nước ta đang yếu và thấp, do đó dư địa vươn lên hiện đại là rất lớn. Chính phủ lại đang nỗ lực mạnh mẽ cho công cuộc này, đặc biệt là cho Chương trình khởi nghiệp quốc gia.

Tổ hợp tất cả những yếu tố đó, khả năng vượt lên trong cạnh tranh khu vực của các DN Bình Dương sẽ biến thành hiện thực.

- Thưa ông, Bình Dương đang có chiến lược phát triển các khu công nghiệp ra các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Điều này sẽ khiến Bình Dương gặp những thuận lợi và thách thức ra sao?

- Cách mở nhiều Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore theo hướng “Bắc tiến” như mấy năm qua của Bình Dương có vẻ chưa gặp khó khăn, trở ngại gì, được các địa phương miền Trung (Quảng Ngãi, Nghệ An) và miền Bắc (Bắc Ninh, Hải Phòng) hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên tôi cho rằng với xu hướng này, Bình Dương và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex) cần lưu ý hai điều. Một là phải kiểm soát tốc độ, thậm chí phải tính đến khả năng quá tải đầu tư, dàn mỏng thực lực quá mức.

Thứ hai là việc mở rộng quy mô (số lượng) khu công nghiệp, theo thời gian phải gắn liền với việc nâng cấp chất lượng, trình độ và đẳng cấp đầu tư. Bên cạnh đó, các vấn đề về chu kỳ đổi mới công nghệ, về môi trường phải được tính rất kỹ. Đó là chưa kể đến những xu hướng mới, ví dụ như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ ập đến và diễn ra rất nhanh, tác động rất mạnh và sẽ gây hậu quả tiêu cực khó lường. Bình Dương có phẩm chất khai phá, tiến vượt. Mong rằng phẩm chất này tiếp tục được tỉnh phát huy tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông!

TIẾN SĨ THÂN NGỌC ANH, HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC II: Bình Dương cần phát triển kinh tế tri thức

Công nghệ thông tin đã tạo ra nền kinh tế tri thức, đang chiếm dần vị trí chủ đạo trong kinh tế - xã hội và phát triển ngày càng bao trùm trên phạm vi toàn cầu, với sự kết hợp hữu cơ giữa 3 bộ phận: máy tính, truyền thông và thông tin. Công nghệ thông tin sẽ tạo nên bước chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và sử dụng tri thức là chủ yếu. Toàn cầu hóa kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng, kinh tế tăng trưởng cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Là một tỉnh nằm trong tứ giác kinh tế trọng điểm, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ là cơ hội tốt cho Bình Dương đi tắt đón đầu, tiếp thu những thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; kể cả việc học tập cách tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh từ các tập đoàn kinh tế lớn. Bình Dương có cơ hội thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ hoặc đưa nguồn nhân lực của tỉnh ra nước ngoài đào tạo trở về phục vụ đất nước. Trước đây, tỉnh Gyeongsang (Hàn Quốc), thành phố Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc)… cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội để phát triển; những tỉnh, thành này đã góp phần đưa Hàn Quốc và Đài Loan trở thành những nước, vùng lãnh thổ công nghiệp mới như ngày nay. Bình Dương cũng phải học tập cách làm của họ để phát triển kinh tế tri thức.

 THẠC SĨ LÊ TUẤN ANH, GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT: Bình Dương cải cách hành chính rất tốt

Tại Bình Dương, công tác cải cách hành chính luôn được coi trọng và thực hiện quyết liệt. Bình Dương đã xác lập 3 đầu mối tiếp nhận: Trong khu công nghiệp (KCN) thuộc thẩm quyền xét duyệt của Ban Quản lý các KCN; Ban Quản lý KCN Việt Nam - Singapore và bên ngoài KCN được giao cho Sở Kế hoạch - Đầu tư làm đầu mối tiếp nhận.

Tỉnh Bình Dương còn thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thể chế, cụ thể hóa các thể chế từ trên vào điều kiện cụ thể ở địa phương. Trên lĩnh vực cấp phép đầu tư, thời hạn trả lời kết quả dự án đầu tư bình thường đã được tỉnh rút ngắn xuống còn 1 ngày; dự án lớn là 3 ngày; dự án có văn bản thỏa thuận của bộ, ngành Trung ương là 15 ngày; dự án đầu tư trong nước là 7 ngày, đã giảm được 1/3 thời gian so với quy định của Trung ương. Ngoài ra, Bình Dương còn thực hiện nhiều giải pháp tích cực trong việc khai thác nguồn lực đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo lợi thế cạnh tranh, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đầu tư hiệu quả các công trình trọng điểm, tạo sự tin tưởng của các doanh nghiệp.

XUÂN VĨ (lược ghi)

XUÂN VĨ (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=675
Quay lên trên