Bình Dương đi đầu phát triển nhà ở xã hội - Kỳ 1

Cập nhật: 29-05-2015 | 11:16:16

Kỳ 1: Từ một chủ trương đúng đắn

 

 Thực hiện Chương trình phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2015, với sự đồng thuận cao và quyết tâm lớn của các cấp chính quyền và người dân, Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

 

Chương trình phát triển NƠXH của Tỉnh ủy đã phát huy tác dụng, tạo ra hàng ngàn mái ấm cho người có nhu cầu. Trong ảnh: Khu NƠXH Becamex (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: K.VINH

 Quyết sách hợp lòng dân

Chương trình phát triển NƠXH tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2011-2015. Đây được xem là giải pháp hợp thời điểm, không chỉ thực hiện việc phát triển NƠXH cho người lao động mà còn từng bước góp phần chỉnh trang và nâng cấp đô thị phù hợp với định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của Tỉnh ủy đề ra.

Bình Dương là một trong những tỉnh, thành có tốc độ phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, có sự biến động dân số cơ học lớn, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở dành cho người lao động từ khắp nơi đổ về. Chính vì thế, sự ra đời của Chương trình hành động số 27 của Tỉnh ủy về phát triển NƠXH (Chương trình 27 của Tỉnh ủy) đã nhanh chóng thể hiện vai trò đúng đắn, phát huy tác dụng rất lớn trong thời gian qua.

Chương trình này đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 tỉnh sẽ xây dựng khoảng 1,75 triệu m2 sàn NƠXH, đáp ứng cho khoảng 175.200 người. Sau 5 năm thực hiện chương trình này, trên địa bàn tỉnh có 82 dự án NƠXH ra đời với tổng diện tích sàn lên đến gần 3,9 triệu m2, đáp ứng nhu cầu cho 238.300 người, tổng mức đầu tư lên đến hơn 19.000 tỷ đồng. Trong số này có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư.

Không chỉ ấn tượng ở những con số, đến nay Chương trình phát triển NƠXH tỉnh Bình Dương đã mang lại những mái ấm thực sự cho người lao động từ khắp nới đến làm việc và sinh sống. Đến nay đã có 22 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích sàn lên đến 420.000m2, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho 36.800 người. Ngoài ra, tính đến tháng 6-2015, có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có đầu tư, xây nhà ở cho người lao động với tổng diện tích sàn là 269.900m2, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 47.000 người.

Như vậy, sau 5 năm triển khai, Chương trình 27 của Tỉnh ủy đã thể hiện tính đúng đắn và phù hợp với tiến trình phát triển của tỉnh trong thời đại mới. Thực hiện chương trình đã phát triển hơn 1,3 triệu m2 sàn NƠXH, đáp ứng 119.900 người có nhu cầu an cư trên đất mới để vững tâm lao động, gắn bó với tỉnh.

Toàn xã hội tham gia

Tính đúng đắn của Chương trình 27 của Tỉnh ủy không chỉ thể hiện qua kết quả đạt được mà còn ở chỗ đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển nhiều loại hình nhà ở cho nhiều giới, nhiều ngành khác nhau. Chính điều này đã làm cho chương trình này thành công ngoài mong đợi, góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của tỉnh.

Đối với việc phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tỉnh đã chấp thuận đầu tư 2 dự án, đáp ứng nhu cầu của 1.200 người. Đến nay 1 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng được 50% nhu cầu. Việc phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên cũng được quan tâm đúng mức với 5 dự án, hiện có hơn 18.000m2 đã đưa vào sử dụng.

Với một tỉnh công nghiệp phát triển như Bình Dương, việc đầu tư nhà ở cho công nhân lao động là vấn đề rất lớn và cần thực hiện quyết liệt, xuyên suốt. Trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 20 dự án, đến nay đã có 13 dự án đi vào hoạt động, bàn giao nhà ở cho công nhân lao động. Ngoài ra, hàng trăm doanh nghiệp đã và đang đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân lao động ngay trong chính khuôn viên nhà máy, xí nghiệp của mình. Đối với người có thu nhập thấp, có nguyện vọng gắn bó lâu dài với Bình Dương, tỉnh cũng đã có sự quan tâm rất lớn, chấp thuận cho 12 dự án NƠXH nhằm đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Có thể nói, Bình Dương đã và đang thực hiện đúng chủ trương tạo nhà ở cho người lao động, góp phần chăm lo cuộc sống của người lao động gắn bó với sự phát triển chung của tỉnh. Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sở dĩ trong thời gian qua Bình Dương gặt hái được nhiều thành công trong việc phát triển NƠXH chính là nhờ có sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị các cấp, sự hưởng ứng tích cực của toàn dân; trong đó các cấp ủy Đảng và chính quyền là trung tâm, doanh nghiệp và nhân dân là nòng cốt, các ban, ngành là cầu nối quan trọng.

Những thành công bước đầu trong việc phát triển NƠXH giai đoạn 2011-2015 chính là tiền đề quan trọng để tỉnh ổn định an sinh xã hội, phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ bền vững hơn trong thời gian tới; đưa Bình Dương tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư và người lao động trong và ngoài nước.

 

 Điểm sáng nhà trọ

 Trong quá trình Bình Dương thực hiện công nghiệp hóa, một lượng lớn người lao động tìm về làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp nhưng chưa đủ khả năng tài chính để mua nhà; trong khi đó doanh nghiệp cũng không thể kham nổi việc xây nhà cho người lao động của mình. Chính vì thế, nhà trọ được xem là giải pháp hữu hiệu cho cả chính quyền, doanh nghiệp lẫn người lao động.

Trong 5 năm qua, các gia đình và cá nhân đã tích cực phát triển nhà trọ cho người lao động. Nhà trọ cho công nhân, sinh viên, người lao động làm thuê vãng lai đến nay đã phát triển lên 3 triệu m2 sàn. Như vậy, so với diện tích nhà trọ được xây dựng đến thời điểm cuối năm 2011 là 1,8 triệu m2 sàn, mỗi năm Bình Dương phát triển mới đến 0,3 triệu m2 sàn là con số rất lớn. Các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng nhà trọ đã đóng góp rất lớn trong việc giải quyết chỗ ở cho công nhân, người lao động từ các tỉnh, thành về làm việc tại Bình Dương thời kỳ đầu và đến nay vẫn phát huy hiệu quả rất lớn.

Không chỉ phát triển mạnh về số lượng nhà trọ bình dân, nhiều gia đình còn đầu tư xây dựng nhà trọ dạng kiên cố từ 2 - 3 tầng, mỗi phòng có gác xếp, diện tích mỗi phòng từ 15 - 20m2; hàng ngày tại các dãy nhà trọ đều có nhân viên quét dọn, thu gom rác. Hiện nay Bình Dương có chính sách hỗ trợ cho công nhân, người lao động ở nhà trọ về cấp điện, nước sinh hoạt theo định mức tiêu thụ 100kW và 20m3 nước được tính theo quy định chung.

Có thể nói, việc các gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trọ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần giải quyết một khối lượng lớn về nhà ở cho công nhân lao động, học sinh, sinh viên… Từ kết quả này, có thể thấy sự phát triển của Bình Dương như ngày hôm nay có sự đóng góp quan trọng của việc phát triển nhà trọ tư nhân. Nhà trọ không chỉ mang lại nguồn thu cho chủ đầu tư mà còn góp phần giúp tỉnh lo nơi ăn, chốn ở cho người lao động.

 

Kỳ 2: Niềm vui an cư

 KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=964
Quay lên trên