Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư. Tỉnh cũng sẽ phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và phát triển công nghiệp, đô thị. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết như thế tại hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư Nhật Bản diễn ra hôm qua (15-10).
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Takako Việt Nam (100% vốn Nhật Bản). Ảnh: TIỂU MY
Doanh nghiệp hài lòng
Tại hội nghị, ông Kawaue Junichi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, đã cảm ơn UBND tỉnh, các ban, ngành đã hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua. Ông cho biết hiện nay, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trong số 64 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương, với 304 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký hơn 5,65 tỷ USD, chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ, sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chip điện tử, lắp ráp ô tô…
Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng các hội nghị đối thoại như thế này là vô cùng cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, cũng như tăng cường sự gắn kết, tin tưởng giữa các nhà đầu tư với chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh Bình Dương. Theo ông, sở dĩ Bình Dương được chọn làm điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản vì gần TP.Hồ Chí Minh, nơi có cảng, sân bay… Điều quan trọng hơn, cơ sở hạ tầng của tỉnh, đặc biệt là đường sá và hạ tầng các khu công nghiệp rất tốt so với cả nước. Một yếu tố nữa là môi trường đầu tư của Bình Dương rất tốt.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm trân trọng ghi nhận những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, hiệp hội, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Ông bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đồng hành cùng chính quyền các cấp, kịp thời đề xuất giải pháp giải quyết khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Nhà đầu tư chú ý đề án thành phố thông minh
Ông Okada Hideyuki cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến việc triển khai Đề án thành phố thông minh Bình Dương. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đến đây đầu tư. Ông đề xuất trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, tỉnh cần hoàn thiện chính sách dành cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các thủ tục như thuế, hải quan…
“Việc thường xuyên tổ chức đối thoại với các nhà đầu tư theo tôi cũng là một chính sách thông minh mà Bình Dương đã thực hiện trong suốt thời gian qua và nên duy trì trong thời gian tới. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, trong thời gian tới tôi sẽ nỗ lực tổ chức các hoạt động tăng cường sự kết nối giữa chính quyền tỉnh Bình Dương với nhà đầu tư Nhật Bản để ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp Nhật Bản đến kinh doanh tại đây”, ông Okada Hideyuki nói.
Theo ông Atsusi Kitabayasi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Omron Heathcare Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapoer II), việc triển khai Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian qua cho thấy sự nỗ lực rất lớn của tỉnh. Việc triển khai đề án này sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây và tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư, nguồn lao động có chất lượng đến đây làm việc, sinh sống.
Ông Liêm khẳng định các chiến lược hướng tới thành phố thông minh của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quảtốt đẹp. Nổi bật là Bình Dương đã chính thức gia nhập Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Vùng thông minh Bình Dương là khu vực đầu tiên của Việt Nam được ICF vinh danh là 1 trong 21 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới năm 2019.
Hiện tỉnh đang tập trung nghiên cứu kế hoạch phát triển phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, xúc tiến xây dựng tuyến metro nối với TP.Hồ Chí Minh. Vềđường thủy, tỉnh đang tiếp tục cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống cảng phục vụ vận chuyển hàng hóa theo quy hoạch. Tỉnh cũng đang triển khai Chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; vừa tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống vừa xúc tiến mở thêm thị trường mới.
Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia…
TIỂU MY