Bình Dương: Phát triển doanh nghiệp đúng định hướng

Cập nhật: 29-12-2017 | 08:14:06

Trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký mới trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh. Bên cạnh đó, cơ cấu lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

 Vốn đăng ký đầu tư tăng 45,6%

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch - Đầu tư, từ đầu năm đến ngày 27-11, toàn tỉnh có thêm 5.114 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 27.094 tỷ đồng, tăng 17,1% về số doanh nghiệp và tăng 45,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Đến nay, toàn tỉnh có trên 30.710 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn đăng ký khoảng 236.000 tỷ đồng.

 Năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tại Bình Dương tăng mạnh. Trong ảnh: Cá nhân, đại diện doanh nghiệp thực hiện các thủ tục tại Sở Kế hoạch - Đầu tư

Đến nay, Bình Dương đã thực hiện đạt 76% số lượng và hơn 94% vốn Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5- 2016 của Chính phủ ban hành kèm Quyết định số 1923/QĐ- UBND ngày 26-7-2016 của UBND tỉnh (theo đó phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 35.000 - 40.000 doanh nghiệp, số vốn đăng ký khoảng 248.000 tỷ đồng). Với tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp như hiện nay, dự báo Bình Dương sẽ hoàn thành kế hoạch trước thời hạn. Tuy nhiên, so với chỉ đạo của UBND tỉnh về việc quán triệt thực hiện nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh từ đầu năm, Bình Dương phấn đấu đến năm 2020 đạt 50.000 doanh nghiệp. Theo kế hoạch này, đến nay tỉnh đã đạt 61% số lượng doanh nghiệp.

Năm 2017, các địa phương có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với năm 2016, gồm: TP.Thủ Dầu Một tăng 30,59%, huyện Bàu Bàng tăng 23,44%, TX.Tân Uyên tăng 20,81%, TX.Thuận An tăng 19,49%, TX.Dĩ An tăng 18,39%, huyện Dầu Tiếng tăng 11,9%, TX.Bến Cát tăng 8,12%.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Theo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian xử lý hồ sơ trung bình của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch - Đầu tư là 1,64 ngày, ít hơn so với quy định, rút ngắn đáng kể so với năm 2015 (4,24 ngày) và năm 2016 (2,89 ngày). Năm 2017, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã đăng ký qua mạng điện tử cho 4.952 doanh nghiệp, tăng 43 lần so với năm 2016.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay thời gian giải quyết hồ sơ doanh nghiệp giảm đáng kể, nhưng do tỷ lệ doanh nghiệp nhận được kết quả ngay lần đầu mà không phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ còn thấp, nên trên thực tế vẫn còn không ít doanh nghiệp phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ lần hai. Trên thực tế, mặc dù tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tăng nhanh trong những tháng cuối năm, tuy nhiên người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: Hệ thống đăng ký doanh nghiệp trực tuyến hiện tại còn chưa thân thiện, phức tạp trong quá trình ký xác thực, kết nối chữ ký số, yêu cầu tài khoản… gây khó khăn trong quá trình thao tác, xử lý. Do đó, nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng chưa thực sự hấp dẫn đối với người dân và doanh nghiệp. Nguyên nhân một phần do khả năng tiếp cận và xử lý thông tin qua mạng điện tử của người dân, doanh nghiệp chưa tốt, cùng với đó việc sử dụng dịch vụ hành chính điện tử chưa trở thành thói quen. Bên cạnh đó, mặc dù lệ phí đăng ký doanh nghiệp được miễn phí khi đăng ký qua mạng nhưng chi phí để đầu tư và duy trì chữ ký số công cộng là khá lớn, không phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trong thời gian tới tăng cường công tác phối hợp nhằm đồng bộ hóa việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo hướng đẩy mạnh áp dụng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Về phía Sở Kế hoạch - Đầu tư, cũng còn gặp nhiều thách thức, như: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp chưa thiết kế tối ưu cho việc đăng ký qua mạng điện tử nên phát sinh thêm các quy trình, nghiệp vụ khác so với xử lý hồ sơ bằng bản giấy, ảnh hưởng hiệu quả xử lý hồ sơ. Cùng với đó, một số quy định trong việc đăng ký hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trực tuyến chưa rõ ràng, thống nhất dẫn đến rủi ro về mặt pháp lý cho cơ quan đăng ký kinh doanh, làm chậm quá trình giải quyết hồ sơ doanh nghiệp. Việc nộp hồ sơ qua mạng được thực hiện tại bất kỳ thời điểm nào (24 giờ/ngày, 7 ngày/ tuần) và tại bất kỳ địa điểm nào có kết nối mạng internet dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm nhất định.

Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, năm 2018 sở tiếp tục thực hiện các cam kết của UBND tỉnh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, cùng với đó đẩy mạnh đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử… Sở cũng sẽ tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn, tuyên truyền đăng ký doanh nghiệp qua mạng, trao đổi và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn doanh nghiệp còn gặp phải; đồng thời lồng ghép vào các chương trình tuyên truyền và giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp…

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=801
Quay lên trên