Bộ GD-ĐT đối thoại với Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Chưa có sự thống nhất

Cập nhật: 03-01-2020 | 19:47:00

 

Phụ huynh xem bảng giá niêm yết sách giáo khoa tại cửa hàng thuộc hệ thống phân phối chính thức của NXB Giáo dục Việt Nam. (Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chủ trì cuộc đối thoại với nhóm biên soạn sách giáo khoa Công nghệ giáo dục. 

Về phía chương trình Công nghệ giáo dục có giáo sư, tiến sỹ khoa học Hồ Ngọc Đại; phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Kế Hào cùng các cộng sự tham gia hoàn thiện sách giáo khoa theo phương pháp Công nghệ giáo dục. 

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thông tin tóm tắt về quá trình thẩm định sách giáo khoa.

Theo đó, quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa; việc thành lập hội đồng thẩm định quốc gia; quá trình thẩm định sách giáo khoa đã diễn ra đúng quy định. 

Thành viên hội đồng thẩm định có 15 ngày nghiên cứu sách giáo khoa độc lập, sau đó có các buổi làm việc chung, nghe đối thoại của tác giả sách giáo khoa đăng ký thẩm định.

Cuối cùng, các thành viên tiếp tục làm việc độc lập và tiến hành bỏ phiếu. Hội đồng sẽ gặp gỡ, thông báo cho tác giả ý kiến đánh giá của hội đồng.

Như vậy, trong quá trình thẩm định đã có 2 lần tác giả được gặp nghe ý kiến, đối thoại với hội đồng thẩm định. 

Trong đợt thẩm định đầu tiên, có 49 bản thảo sách giáo khoa đăng ký, trong đó 38 bản thảo được hội đồng đánh giá đạt, 11 bản thảo không đạt ở cả vòng 1 và 2.

Những sách giáo khoa đạt tiếp tục được rà soát, tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. 

Hiện nay, 32 sách giáo khoa đã được phê duyệt. Trong số 11 sách giáo khoa không đạt, có những cuốn được tác giả sửa chữa để thẩm định lại, có sách được tác giả bảo lưu quan điểm nên không gửi thẩm định. 

Về "Chương trình thực nghiệm" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, ông Thái Văn Tài cho biết, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập hội đồng thẩm định theo 2 vòng. Hội đồng gồm 13 thành viên do Viện Khoa học Giáo dục thành lập.

Hội đồng đã trình Bộ trưởng kết quả đánh giá vòng 1 "Chương trình thực nghiệm" phù hợp với chương trình hiện hành và cho phép thực hiện 1 năm trước khi Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai.

Ở vòng 2, Hội đồng cũng khẳng định có một số ý kiến góp ý từ vòng 1 đã được tác giả sửa chữa, nhưng còn một số nội dung chưa sửa chữa. 

Tại buổi đối thoại, giáo sư Hồ Ngọc Đại chia sẻ ông đến cuộc đối thoại này với mong muốn bộ sách Công nghệ giáo dục được xác nhận sử dụng cho năm học mới. Bộ sách này đã được ông nghiên cứu, thực nghiệm 40 năm.

Trong khoảng thời gian đó, sách Công nghệ giáo dục luôn được duy trì giảng dạy trong nhiều nhà trường.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định tiểu học là bậc học vô cùng quan trọng. Từ những gì nghiên cứu, thực nghiệm, ông chịu trách nhiệm với những gì ông viết ra và không thể sửa chữa. 

Đề cập đến chương trình Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Kế Hào dẫn chứng kết quả cụ thể triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố.

Trong đó, tại những tỉnh miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phản hồi của cán bộ quản lý, giáo viên ở các địa phương về Tiếng Việt Công nghệ là rất tốt.

Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào cho rằng, khi chỉ đạo việc thẩm định sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng quan điểm chưa linh hoạt, mềm dẻo, không nên loại một bộ sách đã được thực tế kiểm nghiệm và đạt hiệu quả tốt. 

Cách xử lý vấn đề này không khó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn dựa vào các hội đồng thẩm định và có thể giao cho hội đồng làm việc theo tinh thần đổi mới, cởi mở hơn.

Việc đánh giá vẫn theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, nhưng các chỉ báo cần được vận dụng linh hoạt hơn để giữ bản sắc riêng cho mỗi bộ sách.

Điều căn bản là cần thực hiện được mục tiêu và chuẩn đầu ra của từng lớp, từng cấp học, chú trọng đánh giá qua thực tiễn. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên coi việc thẩm định sách giáo khoa chỉ là một bước, tiếp theo cần đưa các sách giáo khoa đã qua thẩm định dạy thử nghiệm một thời gian. 

Chia sẻ tại buổi đối thoại, phó giáo sư Trần Kiều, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Toán cho biết không phải mọi kết luận của hội đồng thẩm định đều được tất cả các chủ biên tán thành nhưng đó là ý kiến xác đáng.

Hội đồng thẩm định biết việc viết sách lớp 1 là khó nhất nên cũng rất linh hoạt. Hội đồng thẩm định đã làm việc nghiêm túc, với thái độ khách quan, đổi mới về tư duy. 

Về kiến nghị thẩm định bộ sách Công nghệ giáo dục, phó giáo sư Trần Kiều bày tỏ quan điểm khi xây dựng một chương trình mới sẽ có những sách giáo khoa mới phù hợp với chương trình. Vì vậy, có những cuốn sách giáo khoa đang được triển khai trên thực tế rất hay nhưng vẫn phải ngừng.

Nếu vì bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại đặc biệt, phải thẩm định đặc biệt, nếu không cẩn thận, các nhóm tác giả sách giáo khoa khác sẽ phản ứng.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết đã nghiên cứu rất kỹ sách Toán của Công nghệ giáo dục các thời kỳ và sách giáo khoa đã đưa thẩm định mới đây.

Sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại thoạt nhìn thấy khó nhưng khi xem thiết kế sách cho giáo viên và nhìn vào thực tiễn tập huấn giáo viên là rất tốt.

Phó giáo sư Lê Anh Vinh cho rằng, sách chỉ là tài liệu, quan trọng vẫn là người thầy dạy như thế nào. Điểm mạnh của sách Công nghệ giáo dục là tập huấn giáo viên rất kỹ, cách thiết kế tổ chức dạy học giúp cho học sinh được học tích cực.

Cách tiếp cận của giáo sư Hồ Ngọc Đại khi viết sách Toán khá hay nhưng nếu giáo sư có thể điều chỉnh để trẻ tiếp cận trực quan hơn, sẽ có nhiều học sinh tiếp cận hơn. 

Kết luận buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trong quy định thẩm định sách giáo khoa, hồ sơ sách giáo khoa gửi lên thẩm định đã phải được thực nghiệm. Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu rõ việc cho sách Công nghệ giáo dục một cách thẩm định khác là khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ sách giáo khoa. Vì vậy, nếu được, giáo sư Hồ Ngọc Đại nghiên cứu phương án điều chỉnh sách giáo khoa để đảm bảo yêu cầu.

Một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ sách giáo khoa đa dạng sử dụng trong các nhà trường. 

Tuy nhiên, trước ý kiến của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Kế Hào cho biết, sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên. Bởi chương trình Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại không phải chương trình cải cách giáo dục năm 1981, cũng không phải chương trình giáo dục hiện hành, là nghiên cứu trong một quá trình với việc thực nghiệm nghiêm túc, rộng rãi.

"Chúng tôi không chống lại chương trình mới mà dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới" - phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Kế Hào nói./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1616
Quay lên trên
X