Các dịp nghỉ lễ thường kích cầu mua sắm, du lịch. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Tại buổi họp báo thông tin kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 2/7, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết chưa có phương án cho việc bổ sung một ngàynghỉ lễ trong năm.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ vào dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi do số ngày nghỉ của Việt Nam ít hơn nhiều so với nhiều nước lân cận. Bên cạnh đó, các ngày nghỉ lễ của Việt Nam chưa đồng đều trong các năm, hiện nay từ tháng 5 tới tháng 9, người lao động không có ngày nghỉ lễ nào.
Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14, khi cho ý kiến về vấn đề bổ sung một ngày nghỉlễ trong năm vào 27/7, nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung ngày nghỉ lễ vào dự luật nhưng không nên lấy ngày 27/7. Các đại biểu đề xuất có thể bổ sung ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) hoặc ngày Gia đình Việt Nam (28/6) trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9.
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, có ý kiến chỉ ủng hộ tăng thêm ngày nghỉ đối với công nhân, còn công chức, viên chức thì không nên nghỉ vì còn rất nhiều người lao động tự do, lao động tự làm việc, người nội trợ, nông dân mà việc nghỉ lại không phụ thuộc vào quy định chung này, do đó cần phải xem xét kỹ lưỡng có nên quy định tăng thêm một ngày nghỉ lễ hay không.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã xin rút lại đề xuất đưa thêm ngày nghỉ vào dự luật. Theo yêu cầu của Quốc hội, khi có đề xuất mới cần có sự trưng cầu ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động đầy đủ. Trong khi đó, thời gian từ nay tới khi tổ chức Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 (tháng 10) không còn nhiều.
“Chính vì thế, Ban soạn thảo hiện chưa có đề xuất mới nào để thay thế cho đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ là ngày 27/7 đã được rút lại,”ông Doãn Mậu Diệp nói./.
Theo TTXVN