Bộ trưởng Giao thông: Dự án đường sắt Bắc-Nam cần được thông qua

Cập nhật: 04-06-2018 | 15:07:10

 

Tuyến đường sắt Bắc-Nam đã được thông tuyến vào khoảng 14 giờ ngày 24/5 sau vụ tai nạn ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về sự yếu kém của ngành đường sắt và hướng phát triển đối với phương tiện giao thông đặc thù này.

Cần phát triển ngành đường sắt

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chất lượng đường sắt hiện nay quá tệ; đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng đường sắt và giảm tối đa tai nạn đường sắt.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ giao thông đường sắt, đặc biệt đường sắt Bắc-Nam là tuyến đường hết sức quan trọng. Nếu giải quyết tốt với ngành đường sắt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều và không cần đầu tư nhiều tiền phát triển hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, thời gian qua, chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc-Nam đảm bảo đúng yêu cầu. Theo Bộ trưởng, đường sắt Bắc-Nam hiện nay rất lạc hậu, có những đoạn đường sắt đã hình thành 70-80 năm mà chưa có giải pháp nâng cấp. Bộ trưởng nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu, nâng cao chất lượng đường sắt.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay có 5.719 đường giao cắt với đường sắt, trong đó 1.519 đường giao cắt do Tổng Công ty đường sắt tổ chức ở những đường cắt ngang lớn có nhiều phương tiện qua lại, 4.200 đường giao cắt dân sinh còn lại là đường nhỏ kết nối các khu cụm dân cư, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Với những đường giao cắt có tổ chức, ngành quản lý tương đối tốt. Những đường giao cắt nhỏ lẻ đều có biển báo, hay các biện pháp làm gờ giảm tốc. Tuy nhiên việc chấp hành, tham gia giao thông thời gian qua không được nghiêm, dù có hiệu lệnh, biển báo, nhưng không ít trường hợp người dân không quan sát, vượt qua dẫn đến tai nạn.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng Công ty đường sắt, tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, cam kết với các địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý, trách nhiệm nào của Bộ Giao thông Vận tải hay của địa phương, tăng cường tự động hóa hoặc đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tốt hơn. Về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị Đề án xây dựng tuyến đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao và chuẩn bị trình Quốc hội.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Bích Châu tranh luận trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải chỉ có ba dòng nói về giao thông đường sắt và chỉ nói về những định hướng. Vấn đề ở đây là cần đặt ra giải pháp cụ thể vì những ngày vừa qua liên tục có tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng.

Trả lời tranh luận của đại biểu Bích Châu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Thật ra chúng tôi rất quan tâm đến ngành đường sắt. Trong báo cáo gửi Quốc hội không có nhiều đoạn cho ngành đường sắt, nhưng trong mấy ngày vừa qua, khi xảy ra các vụ tai nạn thì bản thân lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân. Chúng tôi cũng thành thật xin lỗi người dân bị tai nạn liên quan đến đường sắt, chứng tỏ rằng chúng tôi cũng xác định trách nhiệm rất cao của mình và sự yếu kém của hệ thống đường sắt... Chúng tôi đang triển khai những giải pháp cấp bách để chấn chỉnh lại tình hình tai nạn giao thông.”

Phương tiện công cộng cần được ưu tiên

Đặt vấn đề đường sắt là phương tiện công cộng cần được ưu tiên, là giá trị được thừa kế từ năm 1936, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết: “Trước đây Việt Nam đã có hệ thống đường sắt hoàn thiện nhất châu Á, để đường sắt trong tình trạng như hiện nay là do nhận thức của chúng ta. Cách đây 8 năm Quốc hội đã thẩm định và không tán thành xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam nhưng vẫn khẳng định cần sớm có tuyến đường sắt hoàn thiện. Tuy nhiên, những năm qua đường sắt dậm chân tại chỗ. Phải chăng đầu tư làm đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn trong khi đường sắt thì đầu tư lớn?”

Bày tỏ đồng tình cao với chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc, Bộ trưởng cho rằng, đường sắt phải quản lý như đường cao tốc, đây là loại hình vận tải đặc biệt, không có tuyến đường thứ hai để tránh do đó cần phải được quản lý chặt chẽ để tránh đường giao cắt, tránh việc xâm phạm phạm vi an toàn dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta chưa có những giải pháp đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối cho vấn đề này. Thừa nhận tuyến đường sắt lạc hậu, Bộ trưởng cho rằng, trước mắt cần có giải pháp cấp bách đảm bảo an toàn đối với hoạt động của ngành đường sắt. Về lâu dài, Bộ đang tập trung xây dựng đề án tuyến đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao để báo cáo Quốc hội.

“Về dự án đường sắt cách đây 8 năm trình Quốc hội và Quốc hội chưa thông qua, trách nhiệm lớn thuộc về Bộ Giao thông Vận tải. Khi không được Quốc hội thông qua mà cảm thấy dự án này là cần thiết cho xã hội thì phải kiên trì đề xuất,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Cần thông qua dự án đường sắt Bắc-Nam

Không tán thành với lý do tham mưu kém của ngành đường sắt, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, ngành đường sắt Việt Nam gần như bị “bỏ rơi.” Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn vì có thể cắt nhỏ ra nhiều hợp đồng... còn đường sắt thì không những đầu tư lớn mà chúng ta phải làm tổng thể, cho nên đó là lý do chúng ta ít quan tâm đến đường sắt vì không mang lại lợi ích cho những “nhóm lợi ích?”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đường sắt cần đầu tư rất lớn. Các dự án có thể lên tới cả chục tỷ USD. Sau khi đưa ra bàn, Quốc hội cũng rất đắn đo vì đây là nguồn kinh phí lớn; nếu làm thì phải làm đường song hành chứ không thể chắp vá, sửa đường độc đạo hiện nay. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, nếu Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ chỉ đạo thì thực hiện các dự án đường sắt, nhưng đáng tiếc trong thời gian vừa qua, chưa có dự án đường sắt làm mới nào được thông qua.

Về bình luận đầu tư đường bộ nhiều hơn vì có lợi ích nhóm, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm cá nhân, là người làm giao thông rất mong muốn phát triển hài hòa các loại hình vận tải trong đó có đường sắt.

“Cá nhân tôi cho rằng, làm dự án đường sắt, làm dự án đường bộ đều như nhau vì bản thân tôi lấy cái tâm ra để làm. Nếu tôi có vi phạm tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định đã đến lúc dự án đường sắt Bắc-Nam cần được thông qua. Không có tuyến đường sắt Bắc-Nam sẽ là hạn chế rất lớn cho hoạt động vận tải cũng như phát triển kinh tế, xã hội.

Cùng nội dung chất vấn về vấn đề đường sắt, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, hiện đại hóa hệ thống đường sắt Bắc-Nam và nâng cấp hệ thống giao thông thủy nội địa ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long là 2 trong số 5 trật tự ưu tiên được đề cập trong Nghị quyết 13 của Quốc hội. Nhưng vừa rồi, Bộ trưởng mới nói là tới đây sẽ xây dựng đề án. Đại biểu đặt câu hỏi: Hơn một nhiệm kỳ qua, tại sao chủ trương đúng đắn của Đảng lại không được triển khai?

Về ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, do kinh phí đầu tư đường sắt rất lớn, khi thực hiện phải có chủ trương từ Quốc hội, Chính phủ mới triển khai được.

Với đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là một trong những giải pháp tốt để giảm chi phí vận tải, đỡ gánh nặng cho đường bộ. Hiện tại, Bộ đang chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa tổng kết và tham mưu Chính phủ một cơ chế mới, ưu tiên hơn, cố gắng cung cấp nguồn tín dụng để doanh nghiệp mua phương tiện, tổ chức hoạt động vận tải thủy nội địa./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=297
Quay lên trên