Thấm nhuần lời dạy của Bác “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, năm 2011, Đề án “Đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn” được ra đời. Đây là bước đột phácủa Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 trong việc nâng cao chất lượng cán bộ công chức cơ sở cấp xã, phường, thị trấn và chuẩn bị nguồn cán bộ có chất lượng cho hệ thống chính trị của tỉnh trong những năm tới.
Đồng chí Nguyễn Phúc Lâm (thứ 6 từ trái sang), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trao bằng tốt nghiệp lớp đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn khóa 2
Đào tạo những cán bộ nguồn
Năm 2010, anh Huỳnh Quốc Kiệt tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp rồi làm kỹ sư điều hành cho Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Bình Dương. Gắn bó với nghề kỹ sư được 2 năm, anh Kiệt nộp hồ sơ đăng ký tham gia lớp đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn khóa I năm 2012.
Hội tụ đủ các điều kiện, tiêu chuẩn (như tốt nghiệp đại học chính quy, tuổi từ 25, gia đình và bản thân có lý lịch rõ ràng, có hộ khẩu thường trú tại Bình Dương từ 3 năm trở lên…) anh Kiệt trúng tuyển và ký hợp đồng cam kết chấp hành sự phân công của cấp thẩm quyền, làm việc ít nhất 5 năm liên tục kể từ sau khi hoàn thành khóa học. Sau khi tốt nghiệp, anh Kiệt được bố trí công tác là công chức địa chính xây dựng đô thị và môi trường phường Phú Thọ, TP.ThủDầu Một.
Với sự đào tạo bài bản của khóa học, anh Kiệt đãluôn vận dụng tốt vào trong quá trình công tác. Công việc chính của anh Kiệt là phụ trách lĩnh vực xây dựng và chỉnh trang đô thị, thi công các tuyến đường, hệ thống điện chiếu sáng, các công trình bờ bao, thủy lợi, nông nghiệp. Ở bất kỳ công việc nào được cơ quan, đơn vị giao, anh Kiệt cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hơn 2 năm nhận nhiệm vụ, anh Kiệt đã tham mưu cho UBND phường xây dựng được 5 công trình bờ bao với tổng chiều dài hơn 11,6km, kinh phí khoảng 14 tỷ đồng; 6 công trình giao thông nông thôn ở các khu phố với tổng chiều dài gần 3km, tổng kinh phí gần 11,7 tỷ đồng, trong đó, anh Kiệt đã huy động sức dân đóng góp gần 2 tỷ đồng gồm đất, công trình phụ, cây trái, hoa màu. Các tuyến đường này được trải bê tông xi măng hoặc bê tông nhựa nóng và có hệ thống cống thoát nước. Hiện nay, anh Kiệt đang tiến hành khảo sát để xây dựng thêm 3 tuyến đường giao thông nông thôn ở khu phố 2, khu phố 7, khu phố 3 và 1 văn phòng khu phố 6.
Ngoài ra, anh Kiệt còn chủ động phối hợp với Phòng Quản lý đô thị TP.ThủDầu Một khảo sát xin chủ trương nạo vét 2 tuyến suối là Mọi Cầu và Hố Sâu, nằm giáp ranh giữa 2 phường Phú Thọ và An Thạnh (TX.Thuận An) bảo đảm công tác thoát nước thông suốt. Anh Kiệt cho biết: “Với kiến thức, chuyên môn đã được đào tạo bài bản cùng sự quan tâm của địa phương, tôi mong muốn được tiếp tục làm việc và cống hiến lâu dài”.
Còn anh Trần Hà Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, TP.ThủDầu Một cũng là một cán bộ điển hình. Năm 2012, anh được phường Hiệp Thành cử đi học lớp “Đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn”.
Khi đó, anh Hải là thư ký Đảng ủy phường, sau 12 tháng theo học, tốt nghiệp, anh Hải trở về tiếp tục công tác tại địa phương với chức danh là cán bộ văn phòng UBND phường. Nói về khóa học, anh Hải cho biết: “Đây là khóa học rất thiết thực nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, tạo điều kiện cho tri thức trẻ đóng góp công sức, trí tuệ vào việc xây dựng chính quyền cấp cơ sở”. Trong suốt thời gian công tác, anh Hải được Đảng ủy, UBND phường Hiệp Thành đánh giá là cán bộ trẻ, năng động, ham học hỏi, gần dân, sát dân, luôn tận tụy với những việc của dân và luôn được mọi người tín nhiệm. Mặc dù khối lượng công việc nhiều nhưng anh Hải luôn là người tham mưu, giúp việc xuất sắc cho chủ tịch UBND phường.
Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, anh Hải mong muốn bản thân cố gắng học tập, công tác tốt, cống hiến sức trẻ giúp giải quyết công việc tốt hơn.
Tháng 7-2015, anh Hải được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường. Với vịtrícông tác mới, anh Hải xây dựng kế hoạch thực hiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn; thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ cho thanh niên công nhân nhà trọ.
Đặc biệt, anh Hải đã duy trì lớp học tình thương tại Trung tâm học tập cộng đồng của phường với 50 em học sinh. Lớp học được tổ chức học 3 buổi/tuần.
Nhận thấy hầu hết các em học sinh là những trẻ em bán vé số dạo, con em công nhân, trẻ lang thang cơ nhỡ, anh Hải không ngại khó, vận động các nhàhảo tâm ủng hộ 150 suất ăn/tuần cho các em học sinh tham gia lớp học. Được đi học lại được ăn cơm miễn phí nên các em học sinh càng hăng hái tham gia và cố gắng học tập tốt.
Hiệu quả từ đề án
Trước yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo chức danh công việc, năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn”.
Theo các thành viên trong Ban chỉ đạo đề án, việc thực hiện đề án nhằm tiến tới xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất và năng lực để tổ chức và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tâm, thạo việc, tận tụy với nhân dân, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, tạo nguồn cán bộ cho các cấp trong tỉnh.
Hơn nữa, đây cũng là nguồn bổ sung lực lượng để đáp ứng yêu cầu thành lập, phát triển các đơn vị hành chính mới theo Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 20-7-2011 của Tỉnh ủy (khóa IX) về phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020.
Mặt khác, đề án cũng nhằm chuẩn hóa và chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; khắc phục và hạn chế tối đa việc phải tiếp tục đào tạo sau khi đã bổ nhiệm, bố trí chức danh chủ chốt, dẫn đến tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu nhân sự thực thi nhiệm vụ.
Với chương trình đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, đề án phấn đấu trong nhiệm kỳ cấp ủy xã 2015-2020 và nhiệm kỳ của HĐND, UBND 2016-2021 có trên 70% số tạo nguồn của 2 khóa này được bố trí, giới thiệu, ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp xã.
Một thực tế đáng ghi nhận là các học viên ra trường đều đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính, được bồi dưỡng các kỹ năng của cán bộ chủ chốt cấp xã, am hiểu hệ thống chính trị cơ sở, ngoại ngữ đạt mức tối thiểu IELTS 3.5 trở lên.
Ông Nguyễn Chí Trung, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, thực hiện các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy về đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đề án “Đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn” ra đời theo Quyết định số 2868/QĐ-UBND ngày 7-10- 2011 của UBND tỉnh
. Đây là bước đột phá trong quá trình nâng cao chất lượng cán bộ công chức cơ sở cấp xã, phường, thị trấn và chuẩn bị nguồn cán bộ có chất lượng cho hệ thống chính trị của tỉnh nhà trong những năm tới; đồng thời góp phần khắc phục những tồn tại về công tác cán bộ ở cơ sở.
Trong nhiệm kỳ qua, công tác cán bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo thường xuyên, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình nên đã có sự chuyển biến tích cực và khá rõ nét, nhất là việc tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII).
Công tác quy hoạch cán bộ sát với thực tiễn, chú trọng chất lượng, khắc phục dần tình trạng hụt hẫng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ chủ chốt của ngành, địa phương. Tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, đề án về đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã cử 11.518 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị.
Đặc biệt, Tỉnh ủy đã tổ chức được 2 lớp bồi dưỡng cho 133 cán bộ dự nguồn lãnh đạo quản lý của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo; đồng thời cử nhiều lượt cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo các đề án và chương trình do Trung ương tổ chức. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được đào tạo đạt tiêu chuẩn chức danh đang đảm nhiệm và chức danh được quy hoạch.
Các cấp ủy Đảng đã kết hợp tốt công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển cán bộ, bố trí sử dụng cán bộ và qua thực tiễn công tác, đội ngũ cán bộ của tỉnh tiếp tục thể hiện được sự trưởng thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ năng lực, kinh nghiệm thực tiễn được nâng lên, có phẩm chất đạo đức tốt.
P.V
KIM HÀ