Những nỗ lực của Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TBS) trong hành trình phát triển không chỉ là thành công của một doanh nghiệp (DN), mà đó còn la sự đóng góp rất quan trọng vào thành công của ngành công nghiệp tỉnh nhà.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình
Nỗ lực vươn tầm
Được thành lập từ năm 1992, sau 30 năm sáng tạo và phát triển, TBS đang từng bước khẳng định vị trí trên thị trường với 6 lĩnh vực kinh doanh trụ cột: Da giày, túi xách, đầu tư - kinh doanh - quản lý bất động sản & hạ tầng công nghiệp, cảng & logistics, du lịch, thương mại & dịch vụ. Bắt đầu từ một nhà máy nhỏ tại Bình Dương với vỏn vẹn một xưởng may, một xưởng gò, đến nay TBS đã khẳng định vị thế một DN sản xuất tầm cỡ. TBS có những đối tác lớn như Skechers, Decathon, Wolverine trong ngành giày; hay Coach, Lancaster, Tory Burch trong ngành túi xách và Damco, APL, DHL, Geodis trong lĩnh vực logistics.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT TBS, cho biết để có được thành công đó trước hết là sự nỗ lực hết mình của những người cộng sản chân chính. Tất cả những định hướng phát triển của công ty đều trùng lắp với những phương hướng, nhiệm vụ của chi bộ, Đảng bộ công ty qua từng thời kỳ. Là tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên ở khu vực DN tư nhân trong tỉnh thành lập vào năm 1997, đến nay Đảng bộ TBS luôn phát huy vai trò lãnh đạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ tại đơn vị. Từ đó, góp phần đưa DN trở thành một DN kinh doanh đa ngành có quy mô thuộc top lớn nhất cả nước, với doanh thu hàng năm 1 tỷ USD và lực lượng lao động lên đến 40.000 người. Tất cả đảng viên trong Đảng bộ đều có trình độ cao, tham gia giữ vai trò quản lý trong 11 ban, chuỗi, 10 khu vực và 28 nhà máy trong cả nước. Công tác lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trong đơn vị hoạt động đạt hiệu quả tốt, được các cơ quan hữu quan đánh giá cao. Trong nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ đã phối hợp chặt chẽ với hội đồng quản trị, Ban giám đốc đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người lao động… Nhờ vậy, các ngành sản xuất kinh doanh của đơn vị đều bảo đảm tăng trường cao.
Đối với ngành giày, năm 2015 sản lượng đạt 23,3 triệu đôi, đến cuối năm 2019, sản lượng đạt 34,8 triệu đôi (gấp 1,5 lần); ngành đế giày từ 17,5 triệu sản phẩm lên 26 triệu sản phẩm vào cuối năm 2019, (tăng gấp 1,5 lần); ngành túi xách từ 11,5 triệu sản phẩm lên 18,6 triệu sản phẩm vào cuối năm 2019 (gấp 1,6 lần). Trong giai đoạn 2015-2020, công ty hoàn thành đầu tư 2 cụm công nghiệp sản xuất thời trang với diện tích 34ha, 6 trung tâm phát triển sản phẩm đẳng cấp quốc tế, ngành logistic phát triển mạnh, lĩnh vực thương mại tăng gấp đôi về cơ sở…
Trong giai đoạn 2020-2025, trên nền tảng đã có, TBS phấn đấu đạt sản lượng 60 triệu đôi giày, 30 triệu túi xách, 42 triệu sản phẩm đế giày, đầu tư 1 nhà máy ra nước ngoài, đạt diện tích kho bãi logistic 550.000m2, 2 khách sạn và khu nghĩ dưỡng, phát triển 500.000m2 bất động sản; đồng thời phấn đấu trở thành 1 trong 5 chuỗi cung ứng ngành giày và túi xách lớn nhất thế giới với doanh thu xuất khẩu 1,5 tỷ USD vào năm 2025.
Nội lực vững vàng
Trao đổi với chúng tôi về những thử thách trong chặng đường phía trước khi công nghiệp 4.0 đang đặt ngành thời trang vào “tư thế” phải thay đổi để phát triển, ông Nguyễn Đức Thuấn vẫn bày tỏ niềm tin mãnh liệt về con đường hội nhập và tiềm năng của ngành công nghiệp nước nhà trên thương trường quốc tế. Ông luôn khẳng định rằng “thế giới làm được, ắt ta sẽ làm được”.
Hiện TBS đang tập trung đầu tư và phát triển, hướng đến trở thành công ty đầu tư quốc tế đa ngành uy tín tại Việt Nam và khu vực, từng bước góp phần giúp ngành công nghiệp nước nhà tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong quá trình hoạt động, xây dựng và phát triển theo định hướng đã nêu, mỗi ngành nghề đều có mục tiêu, sứ mệnh riêng, góp phần quan trọng vào sự phát triển vững mạnh của TBS. Trong đó, nguồn nhân lực là niềm tự hào của công ty, là “tài sản” quý giá, là vũ khí lợi hại cho sự phát triển của DN. Đó là “kim chỉ nam” để TBS nỗ lực lớn trong việc duy trì nguồn nhân lực, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Nói về cuộc cách mạng 4.0, lãnh đạo TBS khẳng định đã và đang đẩy mạnh quản trị trên nền tảng số từ những bước cơ bản như đưa tác nghiệp thủ công hàng ngày sang công cụ số, cũng như kết nối, liên thông hệ thống dữ liệu nghiên cứu, sản xuất, bán hàng... “Chúng tôi may mắn là tiếp cận khoa học công nghệ từ lâu rồi. Chúng tôi đã xây dựng được công nghệ học của hệ thống, phân rã các cấu trúc chức năng sâu vào từng bộ máy của mình. Từ đó, đào tạo và tái đào tạo toàn bộ hệ thống để theo kịp tiến trình cách mạng 4.0. Kinh phí đào tạo chiếm từ 2-3% tổng doanh số, tức 5 đến 10 triệu USD”, ông Nguyễn Đức Thuấn chia sẻ.
Về chiến lược lâu dài, TBS mong muốn khuyến khích và hỗ trợ đào tạo để khẳng định trí tuệ Việt trên trường quốc tế. Hiện nay, TBS đang xây dựng quản trị online trên toàn hệ thống. Nếu thành công thì đây sẽ là một bước tiến quan trọng, tối ưu hóa nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN vươn xa ngoài lãnh thổ Việt Nam.
TIỂU MY