Dịp cuối năm là cao điểm hoạt động của các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp… Do vậy, các đơn vị này cần có sự chuẩn bị chu đáo về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống máy móc, hệ thống điện, hệ thống PCCC, hệ thống cấp nước chữa cháy, hệ thống đèn hướng dẫn thoát nạn, lối thoát nạn... góp phần ngăn ngừa, xử lý hiệu quả sự cố từ khi mới phát sinh.
Những bài học đắt giá
Ngày 15-11 vừa qua, trước 300 học viên là thành viên đội PCCC cơ sở thuộc các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, xã, ấp, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ kết hợp tuyên truyền PC&CC, Thượng tá Trương Văn Khâu, Phó Trưởng Công an huyện Bắc Tân Uyên - phụ trách công tác PC&CC, đã nhiều lần nhắc nhở các học viên thời điểm cuối năm là cao điểm của sản xuất, cao điểm của công việc nên rất dễ xảy ra sự cố về cháy. Ông cũng nhấn mạnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của phương châm “4 tại chỗ” (Lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong công tác PCCC, cũng như bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, nơi làm việc.
Đầu tháng 11-2016, vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 khách hát karaoke chết ngạt chỉ vì nguyên nhân cuối năm chủ quán trang trí lại mặt tiền phục vụ khách nhưng lại không bảo đảm các yêu cầu về an toàn PCCC: Trong lúc hàn điện, vẫy hàn đã bắn vào các tấm mốp cách nhiệt ốp trần gây cháy. Bài học được rút ra từ vụ này là người chủ, người đứng đầu cơ sở đã xem thường nguy hiểm, mạng sống con người khi đồng ý cho thợ sửa chữa, làm việc trong khi cơ sở vẫn hoạt động, khách vẫn ra vào vui chơi. Kế đến là, chủ cơ sở đã dùng vật dễ cháy để trang trí phòng karaoke, không đúng quy định về an toàn PCCC.
Thiết bị chiếu sáng trong nhà xưởng sản xuất của một công ty trên địa bàn tỉnh được bảo vệ theo tiêu chuẩn an toàn PCCC. Ảnh: DUY CHÍ
Đã hơn 7 năm trôi qua nhưng nhiều người vẫn không quên ngày “định mệnh” 29-7-2011, khi 13 công nhân tử vong trong vụ cháy xưởng may ở xã Tân Dân, huyện An Lão, TP.Hải Phòng. Buổi chiều hôm đó, thợ hàn mang theo máy hàn, dây điện, cột thu lôi đến xưởng may để hàn cột thu lôi; tia lửa hàn bắn vào các sản phẩm đồ da khiến ngọn lửa bùng cháy. Phát hiện đám khói lớn bùng phát từ cửa ra vào, toàn bộ số công nhân đang có mặt đều sợ hãi lui về phía cuối nhà xưởng kêu cứu, nhưng ngôi nhà hình ống này chỉ có duy nhất một cửa phía trước, sau lưng các nạn nhân là bức tường. Không còn lối thoát, 13 công nhân đã bị chết ngạt; 20 người khác có sức khỏe liều mình băng ra ngoài khi ngọn lửa vừa bùng phát đã bị bỏng nặng. Chủ xưởng, người thợ hàn xưởng may đã phải nhận những bản án nghiêm khắc. Có thể thấy, vụ việc đã qua hơn 7 năm nhưng những vết thương trên cơ thể cũng như những mất mát về sinh mạng từ vụ việc luôn là nỗi ám ảnh, dày vò tâm trí nhiều người.
Tại Bình Dương, mọi người vẫn không quên vụ cháy xưởng sản xuất nệm mút, cũng là nhà ở của gia đình tại TX.Thuận An. Xảy ra cháy, khi lực lượng chức năng phá cửa dập tắt đám cháy đã phát hiện hình ảnh rất đau lòng: Người mẹ ôm chặt con gái vào lòng, trên tay còn cầm xâu chìa khóa để mở cửa thoát nạn. Vụ cháy gây thiệt hại về tài sản không lớn nhưng mất mát đối với gia đình này thì quá lớn chỉ vì nguyên nhân chập điện. Sau vụ việc, cùng với sự tiếc thương, nhiều người rút ra bài học không để nhiều vật dễ cháy trong nhà…
Chủ động phòng cháy, tích cực chữa cháy
Thượng tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh: Luôn đề cao cảnh giác, bảo đảm an toàn PCCC Tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ loại hình nào. Từ cơ sở, doanh nghiệp, nhà ở đến cơ quan công sở đều có thể xảy ra cháy nếu nơi đó chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC. Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn PCCC từ nay đến cuối năm, tập trung vào cao điểm Tết Nguyên đán và lễ hội Rằm tháng giêng, cũng như các hoạt động khác - nơi tập trung đông người như khu vui chơi, giải trí, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học... nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. |
Nhằm bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”, hiện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 5.095 Đội PCCC cơ sở với 103.477 thành viên, 149 Đội PCCC dân phòng với 2.150 thành viên, 12 Đội PCCC chuyên ngành được trang bị 17 xe chữa cháy. Trong năm 2018, Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 1.712 cơ sở, có trên 46.340 người tham gia; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho cán bộ, công nhân viên chức, giáo viên, học sinh, các cơ sở kinh doanh nhà trọ, dịch vụ cầm đồ cho trên 3.660 người và huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 18 cán bộ thuộc Ban Quản lý tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh.
Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã tổ chức tuyên truyền về an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở xã hội, có 225 người tham gia; tiếp tục hướng dẫn thành lập, củng cố lực lượng PCCC dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chỉ tính trong 9 tháng năm 2018, lực lượng PCCC tại chỗ và quần chúng nhân dân đã kịp thời dập tắt 65 vụ cháy, không để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Đơn vị cũng kiểm tra an toàn PCCC 9.601 lượt cơ sở, lập 9.601 biên bản, kiến nghị 37.682 thiếu sót về an toàn PCCC; quyết định xử phạt vi phạm hành chính 108 trường hợp, số tiền nộp ngân sách Nhà nước là 534.2 triệu đồng; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kiến nghị 554 cơ sở trọng điểm trong các khu công nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn PCCC trong thời gian nghỉ lễ, tết.
Cùng với đó, đơn vị đã thực hiện hoàn thành phối hợp liên ngành kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động trước khi có Luật PCCC năm 2001, theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, đơn vị đã kiểm tra 324/324 cơ sở, trong đó có 56 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kiểm tra chuyên đề an toàn PCCC đối với các trụ sở công an trong toàn tỉnh. Kết quả cho thấy, có 25 trụ sở trên địa bàn TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng được kiểm tra bảo đảm an toàn PCCC; thẩm duyệt thiết kế an toàn PCCC 650 hạng mục công trình xây dựng, nghiệm thu toàn PCCC 396 hạng mục công trình. Đơn vị cũng tổ chức kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC cho 43 cơ sở; cấp 240 giấy phép vận chuyển chất hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Đơn vị còn lập 2.091 phương án chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PC&CC; tiến hành thực tập 715 phương án chữa cháy và thực tập 7 phương án chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng tại các cơ sở; hướng dẫn cho cơ sở xây dựng 4.249 phương án và hướng dẫn cơ sở tự tổ chức thực 124 phương án.
Trạm xăng dầu Tân Uyên (TX.Tân Uyên): Từ chối phục vụ nếu khách hàng không bảo đảm an toàn
Trạm xăng dầu Tân Uyên, ngã ba Đất Cuốc, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên mỗi ngày hoạt động từ 5 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Tại trạm xăng dầu này, nhân viên phục vụ được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ PCCC. Cơ sở được trang bị thiết bị chữa cháy xách tay cùng với quả cầu chữa cháy nhằm bảo đảm an toàn PCCC, cùng với hệ thống bảng hướng dẫn, bảng cấm...
Ông Nguyễn Đình Phong, quản lý trạm xăng, cho biết với khách hàng thường xuyên là các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị vận tải khi ký hợp đồng trạm đều yêu cầu phải tuân thủ quy định về PCCC cũng như bảo đảm các điều kiện an toàn. Nếu khách hàng không bảo đảm các yêu cầu này nhân viên của trạm sẽ hỗ trợ và yêu cầu khắc phục; nhân viên sẽ từ chối phục vụ các trường hợp phương tiện không bảo đảm an toàn về PCCC hoặc khách hàng không hợp tác, không chấp hành các quy định về an toàn PCCC như bật lửa, hút thuốc, nghe điện thoại... trong khu vực cấm, nhằm bảo đảm an toàn cho mọi người và cho cơ sở.
DUY CHÍ