Kết quả bước đầu
Để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện một số chương trình, đề án, dự án lồng ghép đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn từ nhiều nguồn vốn, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và tạo việc làm; Chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; chương trình Nước sạch nông thôn; chương trình hành động số 77/Ctr-TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn… Việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án này đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng phát triển; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn.
“Khảo sát tại 5 xã điểm xây dựng NTM gồm An Sơn, Bạch Đằng, Thanh An, Tân Long và Chánh Phú Hòa, trong số 19 TC của chương trình, hiện có 2 xã đạt 11 TC, 2 xã đạt 10 TC và 1 xã đạt 8 TC. Cấp huyện, thị cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại 5 xã điểm xây dựng NTM này. Còn tính chung trong số 60 xã xây dựng NTM, hiện có 9 xã đạt dưới 5 TC (chiếm 15%); 32 xã đạt từ 5 - 8 TC (chiếm 53,3%); 18 xã đạt từ 9 -13 TC (chiếm 30%)… Các TC có nhiều xã cùng đạt là thủy lợi, bưu điện, y tế, an ninh trật tự. Các TC có nhiều xã chưa đạt là quy hoạch, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, môi trường. ”
Nhờ thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án mà giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định bình quân 4,7%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đến cuối năm 2011 đạt 70 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 20,25 triệu đồng/người/ năm. Nhờ đó, số hộ nghèo tại khu vực nông thôn theo tiêu chí (TC) mới chỉ còn 1,25%. Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển nhất định. Nhiều nông hộ, trang trại đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, như: canh tác trong nhà lưới, trồng rau thủy canh, sử dụng hệ thống chuồng lạnh trong chăn nuôi… góp phần giảm chi phí lao động, hạn chế dịch bệnh.
Kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Các thành phần kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định và khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng.
Toàn tỉnh hiện có 1.351 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 27.670 thành viên; 14 hợp tác xã nông nghiệp với 501 thành viên và 938 trang trại theo tiêu chí mới với tổng số lao động thường xuyên là 5.251 người, tổng diện tích đất sản xuất là 10.302 ha. Công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh cũng được mở rộng, hàng năm đào tạo và giải quyết việc làm cho khoảng 46.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%, trong đó lao động nông thôn chiếm 45%.
Nhận thức thay đổi
Một trong những kết quả rõ nét nhất đạt được trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM thời gian qua chính là thay đổi ý thức, nhận thức cho người dân. Bằng nhiều hình thức, các địa phương đã làm cho người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của chương trình này và vai trò, vị trí của người dân trong quá trình thực hiện chương trình. Tại các xã điểm xây dựng NTM như xã Bạch Đằng (Tân Uyên); An Sơn (TX. Thuận An) và Thanh An (Dầu Tiếng), nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, người dân tại các địa phương này đã tham gia với chính quyền địa phương đẩy mạnh quá trình xây dựng NTM.
Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng (Tân Uyên), cho biết Ban Quản lý xã và Ban phát triển ấp và các đoàn thể đã tập trung tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện chương trình xây dựng NTM sâu rộng trong nhân dân. Người dân hiểu được mục đích tốt đẹp của chương trình nên đã cùng nhau thực hiện. Còn theo ông Nguyễn Tấn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, nhờ được tuyên truyền sâu rộng nên ý thức, nhận thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, từ đó có những chuyển biến tích cực, dễ đi đến sự đồng thuận trong việc thực hiện chương trình.
Đẩy nhanh tiến độ
Theo khảo sát, đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), điều dễ dàng nhận thấy trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM tại nhiều địa phương là một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nên số tiêu chí còn đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Chính những tiêu chí chưa phù hợp này đã làm cho nhiều địa phương lúng túng, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, với lộ trình rõ ràng và quyết tâm của các cấp chính quyền và nhân dân, chương trình xây dựng NTM đang tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ theo đúng kế hoạch đã đề ra. Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập đoàn giám sát thực tế tại 5 xã điểm xây dựng NTM và Sở NN-PTNT. Tại các cuộc giám sát, nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại đã được đưa ra để cùng phân tích, tháo gỡ nhằm giúp các xã xây dựng NTM có hướng đi đúng. Từ thực tế khảo sát, bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng đoàn giám sát, đánh giá cao những cố gắng của các địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua, đồng thời đề nghị các địa phương cần lưu ý một số vấn đề để làm tốt hơn trong thời gian tới, như: Công tác tuyên truyền tại nhiều xã còn thiếu linh hoạt, nặng tính truyền thống; nhiều địa phương còn trông chờ ỷ lại vào nguồn lực bên ngoài; công tác tập huấn chưa nhiều, chưa sâu; cần tập trung công tác quy hoạch cho các xã chưa thực hiện, các xã đã thực hiện thì triển khai công tác xây dựng đề án…
CAO SƠN