Nhờ có định hướng rõ ràng, xuyên suốt từ các thế hệ lãnh đạo tỉnh, các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh liên tục được đầu tư phát triển, mở rộng. Qua đó đã tạo nền tảng vững chắc để tỉnh phát triển mạnh về mọi mặt.
Những chiến lược đúng đắn
Mốc son đầu tiên trong phát triển các khu, cụm công nghiệp được đánh dấu bằng việc tỉnh nhanh chóng huy động nguồn lực để phát triển khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần vào tháng 9-1995. Đây được xem là bước phát triển đột phá, bởi trước đó Bình Dương là tỉnh nông nghiệp, dựa vào ngân sách của Trung ương và chưa có kinh nghiệm phát triển công nghiệp. Tiếp theo đó, Bình Dương đã đầu tư phát triển KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) trên cơ sở liên doanh giữa Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Serm Corp (Singapore). Từ những thành công bước đầu này, đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN với diện tích hơn 10.560 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt mức cao và 10 cụm công nghiệp với diện tích 707,8 ha. Dự kiến, đến năm 2020, Bình Dương sẽ hình thành 34 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Dương thu hút mạnh vốn đầu tư phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị trong thời gian tới.
Những năm qua, các KCN đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của Bình Dương. Trong ảnh: KCN VSIP - KCN kiểu mẫu hàng đầu trong cả nước hiện nay. Ảnh: P.V
Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển các KCN, tỉnh Bình Dương đã hình thành hệ thống các KCN dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và một đội ngũ doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN có năng lực tài chính, có uy tín và kinh nghiệm. Không những thế, theo các chuyên gia, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi rót vào Bình Dương chủ yếu tập trung vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao như linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, dược phẩm… nên có khả năng cạnh tranh lớn. Có được điều này là nhờ các KCN trên địa bàn tỉnh có hạ tầng tốt, bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi và phát triển bền vững nên mời gọi được các nhà đầu tư uy tín đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến đầu tư làm ăn.
Sau thành công của KCN VSIP, Bình Dương chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh, một mặt tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho các địa phương khu vực này, mặt khác nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo cho người dân ở vùng nông thôn. Thực hiện chủ trương này, các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 lần lượt ra đời đã tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế địa phương. Sau 12 năm đi vào hoạt động, các KCN Mỹ Phước đã thu hút hơn 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn tập trung vào đây như Kraff Vina, Kumho… Đây chính là nguồn lực góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ
Trong những năm qua, Bình Dương đã từng bước chọn lọc và tập trung thu hút các dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao. Hầu hết vốn đầu tư vào Bình Dương tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, điều này cho thấy sức phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành mũi nhọn này. Nhờ đó ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo chiều sâu, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ - thương mại trên địa bàn.
Có thể nói, nhờ công tác quản lý quy hoạch và xây dựng các KCN trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt đã góp phần cho tỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư vào các KCN. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những năm qua Bình Dương đã tập trung đầu tư hạ tầng các KCN cùng hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, tạo cho môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng tốt hơn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Nhờ đó đã góp phần cho tỉnh thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư.
Thống kế mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Bình Dương đứng thứ ba về thu hút vốn FDI trong quý I-2018 với tổng số vốn đăng ký 565 triệu USD, xếp sau TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Tính đến nay, Bình Dương đã thu hút được 3.037 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 28,47 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước sau TP.Hồ Chí Minh. Điểm nhấn đáng chú ý là đa số vốn FDI vào tỉnh được rót vào các KCN, với 1.878 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 19,52 tỷ USD, chiếm 68,5% số vốn FDI vào tỉnh. Điều này cho thấy, vai trò rất lớn của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc thu hút FDI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để có sự phát triển vượt bậc như hôm nay, ngoài việc thực hiện nghiêm túc những chủ trương, đường lối của Đảng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, việc phát triển thành công các KCN còn nhờ Bình Dương đã huy động được mọi nguồn lực phát triển từ trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong quá trình phát triển hạ tầng các KCN, Bình Dương không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước mà huy động từ nhiều nguồn lực khác. Thực tế cho thấy, trong các KCN đã thành lập trên địa bàn tỉnh có 2 KCN có vốn đầu tư nước ngoài, các KCN còn lại do các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Để ngành công nghiệp phát triển theo chiều sâu, Bình Dương tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn, chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp; xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đúng lộ trình phát triển các KCN đã có chủ trương của Chính phủ.
Đến nay, Bình Dương đã phát triển được 28 KCN. Trong giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục phát huy kinh nghiệm tích lũy được để phát triển hạ tầng KCN nhằm tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư lớn đến với tỉnh nhà. Điều quan trọng là, khi thu hồi đất để xây dựng các KCN, Bình Dương đã tạo được sự đồng thuận cao giữa chính quyền, người dân và nhà đầu tư trong công tác giải tỏa đền bù để có đất làm KCN. Lãnh đạo Becamex IDC cho biết, quan điểm nhất quán của tỉnh Bình Dương là xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Doanh nghiệp đầu tư KCN luôn xác định rõ, người dân vùng giải tỏa phải có cuộc sống khá hơn trước; nếu bằng hoặc kém hơn thì quy hoạch và phát triển KCN chẳng có ý nghĩa gì. Chính nhờ thế mà Bình Dương đã tạo được hàng ngàn ha đất sạch để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả trong con mắt nhà đầu tư khi đến làm ăn tại tỉnh.
Cũng cần nói thêm, trong quá trình phát triển KCN, Bình Dương không dùng ngân sách để xây dựng, tất cả vốn đầu tư KCN là từ nguồn xã hội hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 19 doanh nghiệp thuộc 5 thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN. Các doanh nghiệp này đã thu hút hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước để xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng KCN, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ.
KHÁNH VINH