Góp phần xây dựng hình ảnh, tác phong cán bộ Đoàn theo hướng “Gương mẫu, sáng tạo, trách nhiệm, sâu sát cơ sở”, Tỉnh đoàn đã thực hiện mô hình đi cơ sở 91 xã, phường, thị trấn, các cán bộ Đoàn cấp tỉnh, huyện đã tăng cường những chuyến công tác về với cơ sở để gần cơ sở, lắng nghe cơ sở, hiểu cơ sở, giúp đỡ cơ sở kịp thời…
Chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân (giữa), Bí thư Tỉnh đoàn trong chuyến đi về cơ sở tại Phường đoàn Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một)
Chủ trương 1 + 2
Những buổi sinh hoạt hè cho thiếu nhi do chi đoàn khu phố tổ chức, buổi ra mắt chi đoàn doanh nghiệp ngoài Nhà nước của Phường đoàn, hay những buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội của công nhân tại nhà trọ… có sự hiện diện của đại diện Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, trực tiếp là các bí thư, phó bí thư tham dự. Điều này tại Bình Dương là việc làm phổ biến, thường xuyên bởi nhờ thực hiện hiệu quả chủ trương “1+2” (mỗi cán bộ Đoàn đi cơ sở ít nhất 2 tháng/năm) theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn và mô hình đi cơ sở 91 xã, phường, thị trấn của Tỉnh đoàn. Theo đó, cán bộ Đoàn chuyên trách cấp tỉnh, huyện đã tích cực đi cơ sở, đặc biệt là các cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư. Hàng tuần cán bộ Đoàn sẽ đăng ký lịch công tác tuần của cơ quan, đi cơ sở một ngày trong tuần, bên cạnh đó, linh động và tranh thủ thời gian đi công tác cơ sở vào các ngày cuối tuần để dự sinh hoạt chi đoàn, chi hội thanh niên công nhân (TNCN) vào các buổi tối.
Là huyện vùng xa của tỉnh, Phú Giáo với đặc điểm địa bàn rộng, vị trí các xã trên địa bàn cách xa nhau, thế nhưng không ngại khó khăn, vất vả chị Đoàn Thị Thúy Phượng, Bí thư Huyện đoàn Phú Giáo luôn sắp xếp lịch đi công tác ở cơ sở thường xuyên. Tính riêng trong năm nay, chị đã đi hết 11 cơ sở Đoàn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Chị Phượng cho biết: “Có đi về cơ sở mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của anh chị em cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) để từ đó có cách giải quyết, hỗ trợ kịp thời. Vì thế trong năm, tôi lồng ghép đi thăm cơ sở trong các hoạt động theo các kế hoạch, chương trình hoặc có thể đi đột xuất. Đồng thời, mỗi quý tôi sẽ sắp xếp dự sinh hoạt Đoàn của các cụm Đoàn, để gặp gỡ Bí thư, phó bí thư các xã đoàn…”.
Không riêng chị Phượng, nhiều cán bộ Đoàn cấp tỉnh, cấp huyện đã tích cực có mặt ở cơ sở tham dự các hoạt động Đoàn dù là nhỏ nhất. Điển hình như chị Huỳnh Thị Thu Thủy, Bí thư Thành đoàn Thuận An hay anh Nguyễn Lê Hữu Bảo, Bí thư Thị đoàn Tân Uyên, anh Nguyễn Huỳnh Nguyên Vỹ, Bí thư Huyện đoàn Bàu Bàng… đã tích cực đến tham dự các chương trình ở cơ sở, đặc biệt là tại các chi đoàn, chi hội TNCN để nắm bắt tình hình tư tưởng ĐVTN, TNCN nhà trọ, lắng nghe họ và giúp đỡ ngay khi họ cần.
Đi cơ sở là việc làm thường xuyên
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh đoàn, thực hiện công tác thanh vận là phải “Gần thanh niên, sát thanh niên”. Vì thế, thông qua việc đi công tác cơ sở để có thể trực tiếp quan sát, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị, phản ánh của cơ sở Đoàn, của ĐVTN, sinh viên, đội viên và nhân dân về công tác Đoàn, Hội, Đội và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương, đơn vị; kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các cấp bộ Đoàn, học tập kinh nghiệm những đơn vị hiệu quả, động viên, tiếp sức những đơn vị còn chưa hiệu quả. Ngày nay, cán bộ Đoàn học tập và làm theo phong cách gần dân, trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng phải cần thiết và tăng cường đi công tác cơ sở. Đi công tác phải được xem là công việc được làm thường xuyên và đi công tác cơ sở địa bàn dân cư, 91 xã, phường, trị trấn là việc cần làm ngay.
Cũng theo chị Xuân hình thức làm việc theo mô hình đi cơ sở đó là tham dự chương trình cơ sở Đoàn tổ chức; hỏi đáp nhanh với bí thư, phó bí thư, cán bộ Đề án Đoàn kết TNCN tại Văn phòng Đoàn của các xã, phường, thị trấn. Việc trao đổi diễn ra trong không khí cởi mở, chân tình, lắng nghe, các vấn đề phải được phản hồi, giải quyết ngay với cơ sở; các vấn đề kiến nghị cấp ủy, chính quyền, ban ngành các cấp được ghi nhận và có ý kiến trao đổi với cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, đi cơ sở còn để kiểm tra việc triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch, Điều lệ Đoàn, Quy chế làm việc của cấp bộ Đoàn… Theo đó, các nội dung thực hiện tốt sẽ biểu dương, các nội dung chưa thực hiện đúng hoặc còn lúng túng trong thực hiện sẽ hướng dẫn cụ thể. Qua các chuyến công tác cơ sở, có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ Đoàn chủ chốt để có chất liệu làm việc cùng thường trực cấp ủy cấp huyện, xã về công tác cán bộ Đoàn. Đặc biệt, về cơ sở cũng có thể nắm bắt tư tưởng, tình hình TNCN trước các vấn đề quan trọng của đất nước để cùng các cán bộ Đoàn chuyên trách cấp tỉnh đi về các địa bàn có diễn biến phức tạp về tình hình công nhân, các khu, cụm công nghiệp, công ty, nhà máy có biểu hiện đình, lãn công, kịp thời nắm thông tin báo cáo cấp có thẩm quyền...
Có thể nói công tác cơ sở 91 xã, phường, thị trấn là mô hình mang tính đột phá, là giải pháp quan trọng giúp Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư. Mô hình được Trung ương Đoàn cũng như cấp ủy Đảng địa phương và cơ sở Đoàn đánh giá cao về tính hiệu quả, tính mới trong thực hiện.
Hiện nay, nhiều cơ sở đã chủ động đăng ký để cán bộ Đoàn cấp tỉnh về địa phương mình đi cơ sở, qua đó thể hiện sự đồng tình của các cấp bộ Đoàn trong tỉnh về thực hiện chủ trương quan trọng trong nâng cao chất lượng công tác cán bộ Đoàn…
NGỌC NHƯ