Cần cái “bắt tay” đồng cảm…

Cập nhật: 22-05-2020 | 08:02:41

 Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Bình Dương, trong khó khăn dịch bệnh, các DN ngành dệt may nhận được sự quan tâm rất lớn của UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương. Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Đầu tư phát triển, Sở Tài chính… đã hỗ trợ cho DN tiếp cận với các gói hỗ trợ không lãi suất để chuyển sang sản xuất khẩu trang, duy trì sản xuất trong đại dịch. “Trong hoạn nạn mới thấu hiểu lòng nhau”, các DN vô cùng cảm kích trước sự quan tâm của các cấp chính quyền sở tại. Đó là động lực, là niềm tin để DN giữ được “ngọn lửa” kinh doanh và ý thức hơn nữa về trách nhiệm với cộng đồng, mà gần nhất là người lao động của chính DN.

Tuy nhiên, về chính sách vĩ mô, đa phần DN cho rằng khi cố gồng gánh để duy trì sản xuất thì họ càng rất khó khăn để tiếp cận với các gói hỗ trợ. Trong khi đó, để tiếp cận được các gói hỗ trợ thì điều kiện được đưa ra gần như DN bị tê liệt hoàn toàn sản xuất. Từ điều này, vô tình đẩy DN vào thế buông tay với người lao động, tạo thêm áp lực cho xã hội, địa phương. Và các gói hỗ trợ không còn mang ý nghĩa vực dậy sản xuất. Bên cạnh đó, ngành dệt may đa phần là DN vừa và nhỏ, nên việc tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng cũng gặp rào cản lớn bởi các ngân hàng thương mại đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh, vẫn yêu cầu tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động…

Về phía ngân hàng thương mại vẫn rất nhiều khó khăn, thử thách. Việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà còn là thách thức không nhỏ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn. Từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Để giải bài toán này thực sự là câu chuyện không dễ khi các bên đều có cái khó của riêng mình. Đây chính là áp lực rất lớn cho các ngân hàng và cả DN để bảo đảm nhiều mục tiêu giải quyết cùng lúc, vừa hỗ trợ DN vừa hạn chế tối đa các rủi ro. Vì thế, trong bối cảnh này, các bên cần ngồi lại tìm kiếm giải pháp hợp lý, cùng kề vai sát cánh trên cơ sở bảo đảm lợi ích chung, giảm thiểu rủi ro, cùng vượt qua khó khăn.

 MY PHAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=350
Quay lên trên