Cần có chính sách đảm bảo bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp

Cập nhật: 24-01-2016 | 10:23:10

Các đại biểu tham dự Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã ghi nhận "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế" và "tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế."


Bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các đại biểu đánh giá cao định hướng này và cho rằng Nhà nước cần có những chính sách tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong quá trình phát triển đất nước.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nhận định: So với văn kiện Đại hội trước, lần này kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng của đất nước bên cạnh vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Điều này có thể kêu gọi sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân vào nền kinh tế của nước ta.

Nền kinh tế của Việt Nam có nhiều thành phần, trong đó, việc đóng góp của kinh tế tư nhân là hết sức quan trọng trong tổng thể chung để phát triển đất nước. Nhà nước cần tạo điều kiện, đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong quá trình phát triển cho sự phát triển của loại hình kinh tế tư nhân.

Đồng quan điểm, đại biểu Nghiêm Xuân Thành (Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương) nhấn mạnh: Một trong những trọng tâm để phát triển kinh tế đó là dựa vào nền tảng của kinh tế tư nhân; điều này thực sự quan trọng. Hệ thống kinh tế quốc gia có hạt nhân quan trọng là kinh tế tư nhân.

Đại biểu đánh giá tập trung cho kinh tế tư nhân là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần này, và hết sức phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước ta hiện nay.

Khẳng định trong các thành phần kinh tế, Đảng lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là rất "đúng" và "trúng", đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Hải Dương) khẳng định: Đây là nguồn tiềm năng lớn để thúc đẩy, phát triển nền kinh tế-xã hội của nước nhà.

Trong 30 năm đổi mới vừa qua, kinh tế tư nhân đã khẳng định vị thế của mình; vì vậy, Đảng và Nhà nước đang thúc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, để khơi dậy động lực của từng cá nhân, tổ chức, góp phần cung cấp trí tuệ nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Bởi, kinh tế tư nhân đã khẳng định được vai trò của mình trong sự phát triển của nhiều nước trên thế giới.

Để kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm, điều kiện đầu tiên Đảng, Nhà nước cần làm là tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách, để kinh tế tư nhân phát triển như các thành phần kinh tế khác.

Đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc (Tây Ninh) nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân tại dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa hơn chủ trương, đường lối của những Đại hội nhiệm kỳ trước. Đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần có định hướng rõ ràng hơn, cụ thể hóa các chính sách đồng bộ, hiệu quả hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển hơn nữa.

Các doanh nghiệp tư nhân luôn mong muốn các chính sách của Đảng, Nhà nước cần cụ thể, phù hợp yêu cầu, điều kiện của phát triển, tạo được sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp.

Giải pháp để nền kinh tế công bằng, ổn định là đưa ra các cơ chế ưu đãi mà các thành phần kinh tế đều có thể lựa chọn một cách thích hợp nhất, từ đó hoạch định phương hướng kinh doanh của mình. Các cơ chế, chính sách phải nắm bắt kịp thời với yêu cầu, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần cung cấp đầy đủ thông tin, nhất là thông tin về hội nhập quốc tế cho hệ thống doanh nghiệp. Vai trò của thông tin trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng, nhất là những thông tin chính thống từ phía Nhà nước - đại biểu Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=790
Quay lên trên