Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, để phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần xác định trọng tâm là thúc đẩy hình thành và tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất.
Khu công nghiệp Tân Bình đẩy mạnh thu hút các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, phát triển chuỗi giá trị. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Trung Nam (KCN Tân Bình)
Nhu cầu bức thiết
Trong quý I-2021, bên cạnh các DN hoạt động sản xuất ổn định, có 255 DN công nghiệp mới đi vào hoạt động. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,9%. Đây là ngành đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành, chiếm tỷ trọng 98,9% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, trước tình hình nhập khẩu hàng hóa trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn đặt ra vấn đề hình thành chuỗi liên kết giá trị, nhất là tại các khu công nghiệp (KCN) để thuận lợi cho phát triển sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh trong sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh cho biết, khó khăn của ngành hiện nay là giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao. Cần có nhiều DN nguyên phụ liệu trong nước đủ tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ quy định đối với sản phẩm may mặc.
Là địa phương đóng góp vào tỷ trọng xuất khẩu gỗ lớn thứ hai cả nước, song theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ngành đang rất thiếu mặt bằng để mở rộng sản xuất, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các DN. Nếu có KCN chuyên ngành gỗ thì việc tập hợp, chuyên môn hóa trong sản xuất sẽ được đẩy mạnh, thúc đẩy sản xuất lớn với quy trình được liên kết chặt chẽ… “Quan trọng nhất việc tập trung vào KCN sẽ giúp các DN ngành gỗ đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, phát triển ngành công nghiệp gỗ hiện đại, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển”, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Tân Bình cho biết, nắm rõ được nhu cầu của các DN trong việc chọn lựa các KCN có các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong giai đoạn 2, bên cạnh việc nỗ lực đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, chủ trương của KCN là thu hút các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ đầu cuối, hệ thống vận tải… để thu hút, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tại KCN Tân Bình.
Cơ hội phát triển
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu. Điều này cũng góp phần tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội, các đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Australia... đang tìm kiếm điểm đến an toàn để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc. Với một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam càng có cơ hội được chọn nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho DN Việt Nam, thu hút đầu tư từ các đối tác vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên”.
Với Bình Dương, trong giai đoạn mới tỉnh xác định đẩy mạnh phát triển khu vực công nghiệp hỗ trợ và tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất. Tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm… Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, thời gian tới, ngành công thương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ.
TIỂU MY