Nhiều đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ nước ngoài nhưng không dán tem nhãn, chứa nhiều hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe vẫn đang được bày bán nhiều nơi trong tỉnh.
Hàng không tem nhãn được bày bán nhiều
Ghi nhận của phóng viên tại một cửa hàng đồ chơi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Thủ Dầu Một cho thấy, phần lớn sản phẩm đồ chơi được trưng bày do Trung Quốc sản xuất, có hình thức bắt mắt, giá phải chăng. Khi chúng tôi tỏ ý muốn mua sản phẩm đồ chơi trong nước, có chứng nhận hợp quy và dán tem hợp quy (CR) thì chủ cửa hàng nói đồ chơi sản xuất trong nước giá cao, hàng bán chậm nên chị không nhập hàng về bán. Trước đây, người bỏ sỉ hàng hóa có đưa cho chị xấp tem CR nhưng chị chưa kịp dán vì quá bận rộn; với lại người mua cũng ít khi hỏi đến việc dán tem, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nên chị không dán.
Lực lượng chức năng của tỉnh thu giữ nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu. Ảnh: T.HUỲNH
Đến một cửa hàng bán đồ chơi trên đường Hùng Vương, TP.Thủ Dầu Một, chúng tôi thấy sản phẩm đồ chơi cho trẻ em ở đây rất đa dạng về chủng loại, màu sắc và giá cả; giá từ vài ngàn đồng đến vài triệu đồng/ sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều món đồ chơi tại đây không tem nhãn hoặc nếu có tem nhãn thì chỉ là những miếng giấy phô tô kích thước 2 x 3cm, không có tên doanh nghiệp nhập khẩu, nhà sản xuất, con dấu mờ nhạt.
Khi được hỏi về độ tin cậy, nguồn gốc của những con tem cũng như những sản phẩm không dán tem, nhãn, chủ cửa hàng này nói, người giao hàng đưa thế nào thì nhận như vậy. Hơn nữa, nhiều khách hàng không lưu tâm đến đồ chơi sản xuất trong nước hay nước ngoài nên việc dán tem hợp quy hay không cũng không sao…
Cảnh giác đồ chơi “3 không”
Ông Trần Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, đồ chơi trẻ em nhập lậu được bày bán trên thị trường có chiều hướng gia tăng. Chỉ riêng trong tháng 12-2017, ngành QLTT tỉnh đã phát hiện 3 vụ vi phạm với gần 30.000 đơn vị sản phẩm đồ chơi, trong đó có 2 vụ vi phạm về hàng nhập lậu, 1 vụ vi phạm về hàng nhập khẩu không dán nhãn phụ, dấu hợp quy CR.
Cái khó đối với ngành chức năng là các đối tượng tàng trữ, phân phối, vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam trên các toa tàu với số lượng lớn, sau đó phân phối lại cho các chợ, điểm bán lẻ. Hầu hết hàng hóa đồ chơi này đều không có dán nhãn phụ và không dấu hợp quy nên ngành QLTT không thể truy tìm chủ sở hữu hàng hóa, khi chỉ có người nhận hàng (bằng số điện thoại) thông qua cách ký gửi hàng hóa mà không có địa chỉ người gửi cụ thể. Còn trường hợp sản phẩm đồ chơi có dán tem, nhãn phụ, dấu hợp quy, địa chỉ nhà sản xuất… thì cũng chưa biết đó là tem, nhãn thật hay giả vì phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xác minh thông tin. Do vậy, muốn biết sản phẩm có chất lượng, an toàn hay không lại phải đi kiểm nghiệm, còn nhìn bằng cảm quan thì không thể kết luận được. Đối với sản phẩm không nguy hại, sản phẩm đó phải có dấu hợp quy thật.
Cũng theo ông Tùng, theo quy định, các loại đồ chơi khi bán ra thị trường đều phải thực hiện các quy trình tuân thủ theo QCVN 3:2009/BKHCN, tức là trước khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận quacert, sau đó sẽ được chứng nhận cấp CR. Tiếp nữa, doanh nghiệp tự in tem CR, công bố thông tin hợp quy, gắn dấu hợp quy, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và phải tự chịu trách nhiệm về con tem của mình. Do vậy, người tiêu dùng cần cảnh giác đối với đồ chơi nhập lậu “3 không”: không hóa đơn chứng từ, không dấu hợp quy và không nhãn phụ. Ông Tùng khẳng định, đồ chơi trẻ em không có dấu hợp quy là không được lưu hành trên thị trường. Tới đây, ngành QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
TRÚC HUỲNH