Cần xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề

Cập nhật: 07-11-2011 | 00:00:00

Sáng nay, 7-11, Quốc hội đã nghe ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Vấn đề này sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường trong cả ngày làm việc hôm nay.

 Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phát biểu trong phiên họp Quốc hội sáng nay

Báo cáo cho biết, hiện nay ở nước ta có 3 loại hình Khu kinh tế: Khu kinh tế ven biển, Khu kinh tế cửa khẩu và Khu kinh tế quốc phòng. Đợt giám sát này tập trung vào 15 Khu kinh tế ven biển đã được Thủ tướng quyết định thành lập cho đến năm 2010.

Qua giám sát, có thể thấy việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường ở hầu hết các Khu kinh tế hiện nay là rất chậm. Với sự phát triển của các Khu kinh tế trong tương lai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý ô nhiễm sẽ rất tốn kém và vô cùng khó khăn.

Đoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt vấn đề này. Về làng nghề, Báo cáo nhìn nhận, ô nhiễm môi trường làng nghề là một trong những thách thức lớn và rất khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả. Nhiều làng nghề rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, tỷ lệ người mắc bệnh có xu hướng tăng cao.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng lo ngại của môi trường Khu kinh tế, làng nghề hiện nay, theo bản Báo cáo, là do những bất cập trong mô hình Ban Quản lý các Khu kinh tế – một cấp quản lý được UBND cấp tỉnh ủy quyền với nhiều chức năng quản lý nhà nước. Báo cáo kiến nghị, tới đây cần nghiên cứu điều chỉnh các quy định về chức năng quản lý nhà nước của Ban Quản lý Khu kinh tế phù hợp với hệ thống phân cấp quản lý nhà nước hiện hành, hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Ban Quản lý Khu kinh tế phù hợp với pháp luật hiện hành về thanh tra, xử lý vi phạm hành chính.

Về làng nghề, các nội dung kiến nghị bao gồm tăng cường quản lý nhà nước (nên chăng tập trung quản lý làng nghề vào một đầu mối thống nhất); có chính sách đầu tư phát triển phù hợp; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của làng nghề truyền thống, tăng cường xúc tiến thương mại, thu hút du lịch, giảm dần hoạt động gia công. Trước mắt, cần xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giám sát, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) nhấn mạnh nguyên nhân từ năng lực cán bộ quản lý Khu kinh tế, làng nghề còn non kém, việc xử lý vi phạm còn nương tay. Đại biểu yêu cầu sửa các thông tư liên quan trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường 2005.

Một mặt ghi nhận những đóng góp của các Khu kinh tế, làng nghề, mặt khác, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bày tỏ nỗi lo lắng về thực trạng môi trường của các Khu kinh tế, làng nghề, khi “việc đấu tranh với các đối tượng vi phạm thường chỉ quyết liệt theo vụ việc”. Đại biểu đề nghị tăng kinh phí cho bảo vệ môi trường lên 2% ngân sách và tán thành với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật quan trắc, đánh giá ô nhiễm môi trường. Ông Tiến cho rằng việc đánh giá hiện nay chưa toàn diện, do đó chưa phản ánh được chính xác hiện trạng môi trường. “Cần có những quy chuẩn khác nhau khi đánh giá tác động môi trường của từng nhóm ngành nghề trong Khu kinh tế, từng lĩnh vực hoạt động khác nhau của các làng nghề, cụ thể như về thời điểm lấy mẫu, phương pháp bảo quản mẫu chuẩn, các chỉ tiêu cần đánh giá. Lấy mẫu từ 54 làng nghề (bằng trên 1,6% tổng số làng nghề) để phân tích thì chưa thể có bức tranh toàn diện về môi trường làng nghề được”, ông Tiến nhận xét thẳng thắn.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở rất nhiều làng nghề là một thực trạng hiển nhiên. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói, theo quan sát của bà, nước thải ở làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh) đặc quánh đến như có thể đi qua được! Hệ lụy của tình trạng ô nhiễm này là tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến môi trường gia tăng trông thấy, ngày càng xuất hiện nhiều “bệnh lạ”. Công nghệ trong làng nghề rất lạc hậu, ô nhiễm không tránh được". Bà kể: "Tôi về làng nghề Đa Hội cùng một người bạn nước ngoài, khi thấy công nghệ sản xuất thép ở đây, người bạn này nói, công nghệ sản xuất giống thời thế kỷ 16-17 ở nước họ (!). Chưa biết nhận xét này chính xác đến đâu, nhưng rõ ràng chúng ta không thể không xem xét”.

Bà An cũng nêu kiến nghị, với những làng nghề quá ô nhiễm, khó có thể khắc phục, nhà nước cần giải quyết dứt điểm và có sự hỗ trợ cho các hộ dân ổn định cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Đặng Thành Tâm (TPHCM). Ông Tâm cảnh báo: “Đã là ô nhiễm thì cần được xử lý công bằng như nhau, không thể nói vì là làng nghề nên nhẹ tay. Có thể có những doanh nghiệp “ẩn” sản xuất ô nhiễm của mình vào làng nghề và kiếm lợi nhuận bất chính từ việc tránh được nghĩa vụ về môi trường”. Đại biểu Tâm nhắc thêm: “Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chỉ tập trung vào nước thải và có một phần nội dung về chất thải rắn, nhưng chưa đề cập đến ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn”.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=318
Quay lên trên