Mỗi khi có sự cố xảy ra, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân cũng chung tay giải quyết. Sự đồng lòng từ các cấp, các ngành cùng với người dân luôn mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong khi mọi người đang cố gắng giải quyết vấn đề theo hướng cố gắng kéo giảm thiệt hại thì một số người, vì mục đích cá nhân lại có những phát ngôn, thông tin không đúng sự thật, gây nhiễu loạn thông tin. Gần đây nhất là thông tin về công tác cứu trợ ở các tỉnh miền Trung do ảnh hưởng của trận lũ lịch sử. Trước đó nữa là thông tin về dịch bệnh Covid-19...
Trong khi cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu và có những hành động thiết thực, cụ thể; trong khi các cơ quan chức năng ra sức chống chọi bão lũ và cứu người gặp nạn thì nhiều đối tượng lên mạng “phán” như kiểu “dạy đời”. Thậm chí có người còn chế lại các hình ảnh không rõ nguồn gốc dẫn lại các thông tin không chính xác để phê phán người khác nhằm mục đích trục lợi cá nhân cho mình. Trong bài biết đăng trên báo Công an Nhân dân online ngày 29-10, tác giả Phạm Duy đã gọi đây là “Những kẻ “ký sinh” trên nỗi đau đồng bào”. Theo tác giả, “Theo dõi suốt quá trình vừa qua, có thể thấy từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát và được đẩy lùi cho đến nay là tình trạng mưa lũ kéo dài nhưng không hề thấy một đối tượng nào nêu trên thể hiện hành động có ý nghĩa thiết thực dù nhỏ nhất để giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào vượt qua hoạn nạn, khó khăn. Ngược lại là những lời ngụy tạo, nói xấu, bôi nhọ chính quyền các cấp cùng các lực lượng phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn...”.
Những ngày qua, các cơ quan báo chí đã nói nhiều đến tin tức giả. Tuy nhiên, chúng vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Trước đó, nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý nạn tin giả trên mạng xã hội, Nghị định 15/2020/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử đã ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2020. Tại khoản 1, Điều 101 của nghị định quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc...
Sau khi nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2020, các cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Riêng tại Bình Dương, một số người đăng thông tin, dẫn thông tin sai trên mạng xã hội, sau khi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc đều cho rằng do mình không hiểu luật; mục đích đăng là để “câu like”. Vì vậy, trước rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng, đặc biệt là hiện nay, mỗi người nên tạo cho mình một bộ lọc thông tin để không bị các thông tin giả dẫn dắt rồi vô tình vi phạm pháp luật.
L.T.PHƯƠNG