Cấp phép dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Thực hiện đúng chủ trương

Cập nhật: 29-05-2017 | 07:59:56

Trong những năm qua, công tác cấp phép đầu tư dự án sản xuất công nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được các ngành liên quan và địa phương trong tỉnh thực hiện theo đúng chủ trương của tỉnh, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư.

 

 

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tại cơ sở xi mạ Minh Trí, phường Bình Hòa, TX.Thuận An. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Chấp hành tốt quy định

Trong giai đoạn 2012-2016, toàn tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho 927 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 7 tỷ 821 triệu USD. Trong đó, cấp phép cho 683 dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn 5 tỷ 733 triệu USD và 244 dự án đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn 2 tỷ 88 triệu USD.

Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn 2012-2016, việc cấp giấy phép đầu tư cho các dự án sản xuất công nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp được thực hiện đúng chủ trương theo Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đa số các dự án sản xuất công nghiệp được cấp phép sản xuất công nghiệp kỹ thuật cao, ít gây ô nhiễm, công nghiệp hỗ trợ cung cấp nguyên vật liệu bán thành phẩm cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phía Nam của tỉnh... Theo ông Minh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện việc cấp phép đầu tư tuân thủ đúng quy định tạm dừng thu hút đầu tư các dự án xây dựng mới nhà xưởng bên ngoài khu, cụm công nghiệp để cho thuê với mục đích sản xuất công nghiệp tại các địa phương phía Nam của tỉnh (ngoại trừ các dự án công nghiệp hỗ trợ).

Từ năm 2006 đến nay, chủ trương khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp đã được tỉnh thực hiện xuyên suốt, thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong chủ trương, chỉ đạo, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đến thu hút đầu tư đều quán triệt tốt sự chỉ đạo nói trên và thực hiện đúng chủ trương, xuyên suốt trong quá trình xử lý công việc. Đối với UBND tỉnh, thường xuyên chỉ đạo, định hướng công tác thu hút đầu tư tại các cuộc họp định kỳ hàng tháng, các buổi làm việc với các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh.

Quyết định số 181/2006/QĐ-UBND ngày 26-7-2006, tiếp đó là Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ngày 21-11-2011 của UBND tỉnh về việc quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở khi xem xét giải quyết chủ trương đầu tư, giúp các nhà đầu tư có định hướng phù hợp khi lựa chọn địa điểm đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp, góp phần giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất công nghiệp đến môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững. Đối với Quyết định số 49/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 2-11-2015 quy định chi tiết trình tự, thủ tục thẩm định chủ trương đầu tư đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến đầu tư.

Bên cạnh đó, việc ra đời Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 đã cắt giảm những thủ tục không cần thiết liên quan đến đầu tư; theo đó nhà đầu tư đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ trong 3 ngày, sau đó có thể đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động. Trong trường hợp không có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thì nhà đầu tư có thể thuê nhà xưởng để đi vào sản xuất kinh doanh mà không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá, tình hình cấp giấy phép đầu tư dự án sản xuất công nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác hậu kiểm sau khi đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư đối với các doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập; các ngành như Cục Thuế, Cục Thống kê… UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có chức năng quản lý doanh nghiệp, dự án sau khi cấp giấy phép đầu tư nhưng chưa có sự điều phối của một cơ quan đầu mối, dẫn đến thiếu sự thống nhất. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp chưa phù hợp với tình hình thực tế; giá cho thuê đất và chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp ở mức cao nhưng không có cơ chế giám sát khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn khi di dời vào khu, cụm công nghiệp theo đúng chủ trương của tỉnh. Cùng với đó, Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 sau khi đi vào thực hiện đã bộc lộ những nội dung chưa phù hợp, phát sinh các trường hợp không có quy định trong luật, nghị định. Ngoài ra, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về đầu tư, đất đai, xây dựng còn thiếu đồng bộ khiến ngành chức năng gặp nhiều vướng mắc khi xử lý các thủ tục liên quan đến đầu tư...

Ông Minh cho hay, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015 nhưng cho đến tháng 11-2015 mới có nghị định hướng dẫn và thông tư ban hành mẫu biểu hồ sơ. Việc ban hành chậm các văn bản quy phạm pháp luật đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị… chưa đồng bộ đã gây khó khăn cho công tác tổng hợp, tham mưu giải quyết chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế để đôn đốc các cơ quan xử lý hồ sơ bảo đảm thời gian theo quy định. Ngoài ra, khối lượng hồ sơ ngày càng tăng, quy định thời gian giải quyết thủ tục giảm, trong khi nguồn nhân lực của các sở, ngành và địa phương trong tỉnh hiện chưa đáp ứng được khối lượng hồ sơ, khiến việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm trễ.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn chỉnh dự thảo để trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi các luật về đầu tư kinh doanh; kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 49/2015/QĐ-UBND theo đúng quy định Luật Đầu tư và tinh thần Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 6-6-2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh. Sở cũng kiến nghị sửa đổi quy định thủ tục chấp thuận địa điểm thực hiện dự án không được quy định trong Luật Đầu tư với quy trình thích hợp để vừa bảo đảm tuân thủ quy định của luật, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình khởi nghiệp và sản xuất, kinh doanh.

Trong số các dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2016 có 157 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp với tổng vốn đầu tư 236,2 triệu USD. Theo đó, các địa phương phía Nam của tỉnh (TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An và TX.Thuận An) có 54 dự án công nghiệp được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư 77 triệu USD; các địa phương phía Bắc của tỉnh (TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát, huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Bàu Bàng) có 103 dự án công nghiệp được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư 159 triệu USD. TX.Tân Uyên là địa bàn thu hút được nhiều dự án đầu tư ngoài các khu, cụm công nghiệp nhất trong giai đoạn 2012-2016 với 70 dự án, tổng vốn đầu tư 115 triệu USD.

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1252
Quay lên trên