Chăm lo cho người lao động bị tai nạn

Cập nhật: 25-03-2011 | 00:00:00

Những công nhân đang trong tuổi thanh xuân nhưng chỉ trong một giây bất cẩn bị tai nạn lao động (TNLĐ) họ phải mang tật suốt đời để lại những hậu quả thật đau lòng, người lao động (NLĐ) phải đối diện với muôn vàn khó khăn...

Nhân dịp Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 13 năm 2011, đại diện Ban chỉ đạo đã thăm và tặng quà cho công nhân bị TNLĐ có tỷ lệ thương tật từ 75% trở lên với số tiền mặt từ 2 - 3 triệu đồng (tùy trường hợp). Dịp này, Công ty Nhựa Hừng Sáng cũng đã ủng hộ 20 chiếc xe lăn, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cùng một số doanh nghiệp có công nhân bị TNLĐ cũng đi thăm và tặng tiền.

Những nỗi đau

Trong những ngày tháng 3, chúng tôi tìm đến căn phòng trọ ở khu phố Tây A, phường Đông Hòa, TX. Dĩ An đó là nơi cư ngụ của gia đình anh Võ Văn Thành (SN 1971), công nhân Công ty Unieastern. Tiếp chúng tôi, người đàn ông bị cụt 2 tay, mắt kém, chân trái đi lại khó khăn, mất phải lỗ tai trái do bị điện giật vào năm 2006 làm bỏng toàn thân nên anh Thành phải mang thương tật 91% suốt đời. Nhớ lại, anh Thành kể: “Năm 2006 không may TNLĐ điện phóng làm bỏng toàn thân tưởng chừng như anh đã chết. Sau 12 tháng điều trị, hậu quả để lại cho anh phải mang tật suốt đời. Từ khi anh bị thương tật, cuộc sống gia đình rất khó khăn (vợ làm công nhân) giờ phải nuôi 2 con ăn học, bản thân anh mỗi tháng nhận trợ cấp BHXH hơn 1 triệu đồng chẳng đáng là bao”. Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, từ năm 2006 đến nay, khi xuất viện trở về gia đình, anh Thành đã trải qua 17 lần phẫu thuật. Còn trường hợp của anh Lê Đình Minh, SN 1985 (công nhân CTCS Phước Hòa) ở xã Tân Hưng, Bến Cát bị tai nạn trong lúc đi tuần tra lô bị cây cao su ngã đè đã khiến cho anh phải mang tật 97%. Hiện người mẹ trực tiếp chăm sóc do anh chưa chủ động được trong sinh hoạt. Còn nhiều trường hợp TNLĐ thương tâm. Danh sách số công nhân bị TNLĐ, trong đó có những trường hợp là lao động nữ cũng phải cùng chung gánh chịu những nỗi đau chung. Các chị công nhân như Lê Thị Hà, Lê Thị Nga bị TNLĐ phải cắt cụt bàn tay trái và phải. Với những số phận bất hạnh này, cuộc sống của họ quá đỗi khó khăn.

Đồng cảm và chia sẻ!

Bị TNLĐ là chuyện ngoài ý muốn nhưng với sự chăm lo của xã hội dành cho những công nhân kém may mắn để họ có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, vươn lên cuộc sống. Mỗi năm Bình Dương xảy ra hàng chục vụ TNLĐ, trong số đó có những vụ TNLĐ nghiêm trọng đã để lại những hậu quả mà NLĐ phải gánh chịu thương tật suốt đời như: Cụt tay, chân, liệt tứ chi... “Đa số CNLĐ đang làm việc tại doanh nghiệp khi bị TNLĐ, họ là những lao động chính trong gia đình. Vì vậy, nếu không may bị TNLĐ, tai nạn rủi ro thì bản thân và gia đình họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rất cần sự chia sẻ, trợ giúp kịp thời”, anh Võ Văn Thành tâm sự. Sau những vụ TNLĐ, số người có tỷ lệ thương tật nhẹ được một số công ty nhận vào bố trí công việc làm phù hợp.

  Phó Giám đốc Sở LĐ- TB & XH Huỳnh Thị Hồng Thu thăm CNLĐ bị TNLĐ  Trong những năm qua, các sở ngành luôn quan tâm đến công tác ATVSLĐ-PCCN nhằm để hạn chế và giảm số vụ TNLĐ nhưng thực tế mỗi năm số vụ TNLĐ xảy ra còn quá nhiều. Nguyên nhân do người lao động khi được tuyển dụng chưa được tổ chức huấn luyện về an toàn lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ các kiến thức cơ bản, chưa được trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân; nhiều trường hợp người lao động chưa ý thức cao trong lao động, làm việc còn mang tính tự phát, chưa có tính tự giác, vẫn còn bất cẩn, chủ quan trong quá trình lao động, chưa tuân thủ triệt để các nội quy an toàn lao động của doanh nghiệp.. Ý thức trách nhiệm và nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo hộ lao động của một số người sử dụng lao động chưa cao, việc chấp hành các văn bản pháp luật về ATVSLĐ-PCCN chưa nghiêm; việc tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ thực hiện chưa tốt, còn mang tính hình thức; chưa xây dựng và hướng dẫn người lao động thực hiện các quy trình an toàn khi vận hành các thiết bị, máy móc và các biện pháp an toàn tại nơi làm việc. Không thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên, cán bộ quản lý thiếu kiểm tra giám sát trong thi công. Để chia sẻ những mất mát đau thương của CNLĐ bị TNLĐ, trong những năm qua Bình Dương cũng đã nhận được sự đóng góp, chia sẻ. Cụ thể, nhân dịp Tuần lễ phát động ATVSLĐ-PCCN, hàng năm BCĐ tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà để động viên CN bị TNLĐ. Tại Công đoàn các KCN tỉnh cũng đã thành lập Quỹ Tương thân tương ái từ năm 2004 nhằm trợ giúp những trường hợp đoàn viên công đoàn, CNLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Từ nguồn quỹ này, Ban Thường vụ công đoàn các KCN tỉnh đã nhận được sự chia sẻ đóng góp của hàng trăm lượt cá nhân, đơn vị để kịp thời thăm hỏi và hỗ trợ cho hàng trăm lượt công nhân bị TNLĐ nặng và những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, hàng năm Công đoàn các KCN tỉnh còn tổ chức những hoạt động như họp mặt và tổ chức tham quan nghỉ dưỡng sức cho các trường hợp ĐVCĐ, CNLĐ bị TNLĐ nặng, bệnh nghề nghiệp. Đối với những trường hợp bị TNLĐ nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ban Thường vụ Công đoàn các KCN tiến hành làm các thủ tục đề nghị Quỹ tấm lòng vàng báo Lao Động xét hỗ trợ, trao học bổng cho con công nhân bị TNLĐ nặng có thành tích học tập xuất sắc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: Tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành

Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng việc giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ trong năm 2010 vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Chúng ta vẫn phải tiếp tục đối đầu với xu hướng gia tăng TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ. Số vụ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ còn ở mức cao, còn nhiều trường hợp TNLĐ nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người... Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác ATVSLĐ-PCCN, đòi hỏi mọi người lao động, mọi người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có ý thức chấp hành nội quy, quy trình ATVSLĐ, tiêu lệnh, phương án PCCC tại chỗ, chấp hành nghiêm Luật Lao động, bảo vệ môi trường, luôn tự kiểm tra nhắc nhở lẫn nhau, kịp thời phát hiện và khắc phục thiếu sót về ATVSLĐ-PCCN. Đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin tuyên truyền cho mọi người lao động, mọi doanh nghiệp hiểu rõ nhiệm vụ của mình trong việc bảo đảm ATVSLĐ, biết cách phòng chống, ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ.

 

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=443
Quay lên trên