Champasack gọi mời...

Cập nhật: 22-10-2019 | 09:31:00

Lần đầu đặt chân đến Champasack, thủ phủ phía Nam của đất nước triệu voi, Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp của một vùng đất thanh bình, hiền hòa với những con người dễ mến, gần gũi...


Chiều muộn tại TP.Pakse, tỉnh Champasak, Lào

Vùng đất yên bình

Tôi có dịp may mắn tháp tùng đoàn công tác của MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương công du đến tỉnh Champasak Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào trong những ngày cuối thu. Trước khi lên đường vào sáng sớm, một thành viên là cán bộ Mặt trận tỉnh hóm hỉnh nói vui: “Chú cứ an tâm: Sáng Bình Long, chiều Stungtreng, chiều Pakse là sẽ đến nơi...”. Quả thật vậy, trong lộ trình hơn 500km đường bộ, qua bữa sáng tại TX.Bình Long của tỉnh Bình Phước, bữa trưa tại tỉnh Stungtreng, Vương quốc Campuchia, khi nhá nhem tối, chúng tôi đến Pakse, trung tâm tỉnh lỵ của Champasak.

Khác với hình ảnh đèn đuốc sáng trưng tại các đô thị, TP.Pakse dường như đã chìm vào giấc ngủ sâu, dù lúc này đồng hồ mới chỉ 18 giờ 30 phút. Suốt tuyến đường trục chính đi qua Pakse, chỉ còn lèo tèo vài hàng quán còn chong đèn, chủ yếu là các cửa hàng ăn uống. Trên các tuyến đường, phương tiện di chuyển chậm rãi và thưa thớt.

Sáng sớm thức dậy tại Packse rất yên bình. Một cảm giác nhẹ nhàng, thủng thẳng, êm ả bao phủ Pakse cả ngày. Người Lào không vội vã. Dù đã hơn 7 giờ sáng nhưng nhiều cửa hàng dọc các tuyến phố vẫn “cửa đóng, then cài”. Dõi mắt nhìn suốt tuyến đường trung tâm của Pakse không nhìn thấy cảnh kẹt xe; hầu như không có xe tải di chuyển, rất ít còi xe vang lên. Người Lào tham gia giao thông rất có “lớp lang”. Với ý thức chấp hành luật giao thông rất cao, người Lào di chuyển rất từ tốn, nhẹ nhàng, không có chuyện chen lấn, chặn đầu, tạt ngang, lạng lách...

Lân la qua các tuyến đường Pakse, điểm gây ấn tượng nhất với tôi về hệ thống giao thông tại đây là khi thấy vạch đường cho người đi bộ qua đường được kẻ khá xa các ngã ba, ngã tư hay vòng xoay. Khi đến giữa 2 làn đường, “con lươn” được hạ thấp xuống cách mặt đất chỉ khoảng nửa gang tay để bảo đảm cho người đi bộ di chuyển thuận lợi, đồng thời ngăn các phương tiện giao thông khác chiếm dụng. Sak Phimmasenh, anh bạn người Lào đi cùng chúng tôi tự hào nói bằng tiếng Việt bập bẹ pha lẫn tiếng Anh: “Hệ thống chỉ dẫn giao thông của Lào rất rõ ràng, đầy đủ, chính xác với biển báo, biển hiệu cùng với ý thức nhường nhịn nhau nên tỷ lệ tai nạn giao thông tại đây rất thấp. Mọi người đều bình đẳng khi đi trên đường”.

Trời chiều tầm 15 giờ, khu chợ tại trung tâm Pakse đông đúc người qua, kẻ lại. Nghĩ đến chợ nhiều người sẽ nghĩ đến khung cảnh ồn ào, náo nhiệt, người xe chen lấn nhưng chợ tại Pakse nhẹ nhàng đến lạ. Các tuyến đường vào chợ không có cảnh chen lấn. Các gian hàng tại các lối đi trong chợ được bày biện, sắp xếp gọn gàng để người qua lại dễ dàng. Mỗi khi chúng tôi đi qua các gian hàng, lời mời chào lại vang lên nhưng nghe êm tai, dịu nhẹ chứ không phải chèo kéo, dễ tạo thiện cảm cho du khách khi lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây.

Người ta cũng sống bên Lào...!

Những ngày lưu trú tại Champasak chúng tôi may mắn được Sak giới thiệu nhiều nét văn hóa của Lào và Champasak. Qua sự nhiệt tình của Sak, chúng tôi càng cảm nhận được tính cách chân thành, cởi mở, nhiệt tình của người dân Lào. Tôi không biết tiếng Lào nhưng cũng không sợ đi lạc mỗi khi dạo quanh các tuyến đường Pakse vì ở đây có nhiều người Việt sinh sống cũng như có nhiều người Lào biết nói tiếng Việt.


Lễ hội té nước luôn th
u hút sự tham gia của đông đảo người dân Lào

Do yếu tố lịch sự quan hệ truyền thống lâu đời Việt Nam - Lào, cũng như nét quyến rũ từ vẻ đẹp sông núi và nét bình yên của Champasak đã thu hút nhiều người Việt đến đây sinh sống, chọn làm quê hương thứ hai. Với đức tính cần cù, chịu khó, hầu hết người Việt tại Champasak đều có cuộc sống ổn định. Hiện nay, nhiều người Việt tại Champasak đã là thế hệ thứ tư, thứ năm của người Việt tại nơi đây. Số người Việt tại Champasak hiện nay là gần 4.000 nhân khẩu, sống hòa đồng cùng cộng đồng người Lào. Ông Cao Đình Hạnh, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Champasak cho hay, cộng đồng người Việt đa số buôn bán tại chợ Đào Hương - khu chợ lớn tại Pakse do người Việt lập nên, một số hộ khác thì làm nghề thợ mộc, thợ hồ và cơ khí. Chính nhờ tinh thần chịu thương, chịu khó, cộng đồng người Việt tại Champasak đều có cuộc sống ổn định và luôn hướng về Tổ quốc.

Với mối quan hệ truyền thống lâu đời và nhiều nét tương đồng trong văn hóa, cộng đồng người Việt dễ dàng hòa đồng cùng cộng đồng người Lào tại nơi đây. Chúng tôi ghé thăm gian hàng buôn bán giày dép của chị Nga, Việt kiều Lào, tỉnh Champasak tại chợ Đào Hương - khu chợ nổi tiếng của người Việt tại tỉnh Champasak. Vừa thoăn thoắt giải thích giá đôi dép cho khách hàng bằng tiếng Lào, quay lại phía chúng tôi, bằng chất giọng Huế quen thuộc, chị Nga cho hay: “Buôn bán với người Lào cũng nhẹ nhàng, thoải mái. Có lẽ vì tính cách truyền thống nhẹ nhàng vì vậy, khi mua hàng họ đã “ưng” món hàng nào là không kỳ kèo, mặc cả mà trả tiền mua ngay. Hiểu tính cách của họ nên tôi không nói thách mà buôn bán với giá cả hợp lý”. Chị Nga tâm sự thêm: “Người Việt buôn bán tại chợ Đào Hương rất đông, đa số thành đạt. Bà con người Việt tại đây luôn gắn bó, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, sống hòa đồng cùng cộng đồng người Lào”.

Hôm chúng tôi đến, may mắn được cảm nhận không khí rộn ràng của khu chợ Đào Hương, chứ nếu hôm khác đến thì sẽ rất ít người, vì người Lào còn đi tham dự lễ hội đua thuyền trên sông. Thế mới thấy, người Lào rất thích lễ hội. Lễ hội đua thuyền trên sông của người Lào đã thu hút sự tham dự của nhiều đoàn khách du lịch từ các nước lân cận đến tham gia. Trong ngày hội, cộng đồng người Lào và du khách cùng hòa mình vào những điệu nhảy truyền thống của người Lào, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống Lào. Khoảng cách địa lý giữa người và người dường như bị thu hẹp từ sự chân thành, cởi mở của người Lào.

Món ăn của người Lào cũng rất phong phú, đa dạng và ngon miệng với những món ăn đặc trưng như: Lạp, canh cá, lạp xưởng, gà, nộm... Tuy nguyên liệu đơn sơ nhưng qua cách chế biến khéo léo, những món ăn này trở thành đặc trưng trong ẩm thực người Lào. Người Lào cũng rất tự hào với loại bia do họ sản xuất. Ngồi bên bờ sông Sê Pôn êm đềm, thưởng thức bia Lào và cảm nhận ẩm thực Lào mang đến cho chúng tôi cảm giác gần gũi, ấm áp.

Qua tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận thấy, ngoài vẻ hiền lành, chất phác, người Lào cũng rất tự tôn, trọng danh dự và luôn tự hào khi nói về truyền thống của đất nước. Anh bạn Sak cho biết, anh rất tự hào về vùng đất Champasak, bởi đây là một lãnh địa thuộc vương quốc Lan Xang - quốc gia đầu tiên của người Lào được thành lập vào thế kỷ thứ 14. Chính vì vậy, người Lào luôn có ý thức tôn trọng và giữ gìn những nét truyền thống của văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, theo Sack, người Lào rất thích ca múa. Sak nói vui: “Nước Lào chỉ có hơn 7 triệu dân nhưng trong đó có hơn hơn 3 triệu là nghệ sĩ”. Quả thật như vậy, người Lào rất thích ca múa, đặc biệt là yêu thích các điệu múa truyền thống. Múa Lăm Vông là điệu múa phổ biến nhất của đất nước Lào. Đêm cuối ở Pakse, chúng tôi may mắn được đoàn bạn tổ chức buổi giao lưu trước khi lên đường về nước. Đêm giao lưu không thể thiếu tiết mục múa Lăm Vông. Điệu Lăm Vông uyển chuyển, nhịp nhàng đã làm say đắm lòng người và càng thắt chặt tình cảm giữa hai nước Việt - Lào.

Một lần đến Champasak để lại cho chúng tôi ấn tượng không phai về vùng đất hiền hòa, thanh bình cùng những con người gần gũi, thân thiện. Cái cảm giác nhẹ nhàng đó vấn vương mãi trong tôi trên suốt chặng đường về lại Bình Dương. Champasak như lời mời gọi, khiến tôi phải nghĩ rằng: Tôi sẽ quay lại vùng đất yên bình này thêm lần nữa...

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=768
Quay lên trên