Chiều 12-11, tại Hà Nội, Bộ KH-CN tổ chức Hội thảo báo cáo một số kết quả nghiên cứu về xác định nguyên nhân và giải pháp phòng chống cháy nổ ô tô, xe máy do Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì.
Theo nhóm nghiên cứu, nguy cơ gây cháy nổ ô tô, xe máy có thể bắt nguồn từ kết cấu, đặc tính một số hệ thống của phương tiện không bảo đảm gây ra. Qua khảo sát tại 52 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng trên ở khắp cả nước, phần lớn số vụ cháy do chập điện. Về nguy cơ gây cháy, nổ từ nhiên liệu và phụ gia cho thấy, nhiên liệu chính ngạch có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam và không phải là nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô, xe máy.
Nhiên liệu pha chế với mục đích gian lận thương mại bằng cách lạm dụng phụ gia tăng RON đối với xăng (xăng A83 pha chế phụ gia để gian lận thành A92, A95); phối trộn diesel 0,05S chất lượng tốt (hàm lượng lưu huỳnh thực tế nhỏ hơn 500ppm) với diesel 0,25S (2.500 ppm) hoặc với phân đoạn diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao (thu được từ quá trình tái chế dầu biến thế thải, dầu nhờn, cặn dầu) có thể làm trương nở hoặc phá hủy các chi tiết bằng vật liệu polymer; tạo nên các hợp chất trung gian không có lợi như: các màng polymer làm kẹt bơm xăng, vòi phun; các oxit kim loại làm hỏng bugi, bộ chuyển đổi xúc tác, sensor oxy; hình thành các hợp chất FeS tự bắt cháy.
Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, chủ nhiệm đề tài, kiến nghị nên xóa bỏ xăng A83 trên thị trường; tăng cường kiểm soát chất lượng nhiên liệu trong việc sử dụng phụ gia tăng RON để pha chế xăng nhiên liệu và quá trình chế biến dầu nhờn thải, dầu biến thế thải, cặn dầu thành phân đoạn DO (hàm lượng lưu huỳnh rất cao, đồng thời không ổn định) để pha chế thành nhiên liệu dầu DO đạt tiêu chuẩn thương phẩm...
Theo SGGP