TX.Thuận An:

Chất lượng nước ở sông, rạch ngày càng cải thiện

Cập nhật: 27-11-2017 | 10:16:15

Thời gian qua, TX.Thuận An đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống ô nhiễm nước ở các sông, rạch. Kết quả là tại nhiều sông, rạch chất lượng nước ngày càng được cải thiện.

Nhiều giải pháp

Hiện nay trên địa bàn TX.Thuận An có mạng lưới sông, rạch dày đặc nhưng phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các xã, phường giáp sông Sài Gòn như Vĩnh Phú, Lái Thiêu, An Sơn… Trong đó, các rạch như Lái Thiêu, Vàm Búng, Bà Lụa, kênh D… có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới cho nông nghiệp và tiêu thoát nước đô thị. Tuy nhiên, nhiều sông, rạch đã và đang bị “bức tử”.


Với những biện pháp đồng bộ được thực hiện, nay rạch Lái Thiêu (phường Lái Thiêu) đã được “hồi sinh”

Lý giải nguyên nhân, ông Phan Thái Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TX.Thuận An, cho rằng, với dân số gần 500.000 người, hàng ngày, toàn thị xã thải ra khoảng 45.000m3 nước thải và trên 300 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đó nước thải chủ yếu được xử lý bằng bể tự hoại và thoát trực tiếp ra cống thoát nước mưa, thải trực tiếp vào các kênh, rạch trên địa bàn. Cùng với trên 1.500 doanh nghiệp nằm rải rác ngoài khu, cụm công nghiệp đã gây khó khăn rất lớn cho việc kiểm soát ô nhiễm. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của thị xã thì đang được đầu tư xây dựng. Tình trạng không ký hợp đồng thu gom rác ở một số hộ dân vẫn còn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đúng quy định. Hoạt động chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ xen kẽ trong dân cư đã làm phát sinh nước thải, gây ô nhiễm nước mặt và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng”.

Trước tình trạng trên, TX.Thuận An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm “hồi sinh” lại các sông, rạch trên. Nói về điều này, ông Phan Thái Sơn, cho biết: “Thời gian qua, phòng thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước, nhất là ở các sông, rạch cho người dân và doanh nghiệp. Phòng còn tổ chức các lớp tập huấn để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho các cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước và môi trường ở các xã, phường. Cùng với đó là thực hiện công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, kiểm tra, cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào sông, rạch.

Bên cạnh đó, phòng còn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp xả thải chưa qua xử lý ra sông, rạch. Trong thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND TX.Thuận An ra quyết định xử phạt hành chính 64 trường hợp trong lĩnh vực môi trường với tổng số tiền phạt hơn 3,4 tỷ đồng, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị vi phạm khắc phục hậu quả. Phòng còn yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, TX.Thuận An đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nạo vét sông rạch, khai thông cống rãnh, góp phần “hồi sinh” sông, rạch trên địa bàn”.

Ngày càng cải thiện

Mặc dù trong những năm gần đây chất lượng nước mặt tại nhiều sông, rạch trên địa bàn TX.Thuận An đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn ô nhiễm và hết khả năng chịu tải nước thải. Qua kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại rạch Cây Trâm (Hưng Định) và Suối Cát (An Thạnh) chỉ được 5,75 (bị ô nhiễm nặng). Còn một số rạch như Vàm Búng, Bà Hai, kênh D…  tình hình ô nhiễm nước đã giảm trong thời gian gần đây nhưng nước chỉ có thể sử dụng cho giao thông đường thủy.

Cùng với các giải pháp trên, Phòng TN-MT còn phối hợp với các cơ quan chức năng khác triển khai chương trình quan trắc chất lượng nước mặt nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng nước. Chương trình đã giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Qua kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại 15 vị trí trên tất cả kênh, rạch nhỏ từ năm 2012 đến nay có chuyển biến, chỉ còn một số điểm bị ô nhiễm nặng, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ.

Cụ thể theo kết quả quan trắc chất lượng nước của rạch Ông Bố vào năm 2012 có chỉ số WQI (chỉ số đánh giá chất lượng nước) là 11,5. Với chỉ số này, nước rạch đã bị ô nhiễm nặng và cần có biện pháp xử lý. Mới đây, kết quả quan trắc chất lượng nước ở rạch Ông Bố đã được cải thiện lên 55,3. Kết quả này cho thấy nước của rạch Ông Bố có thể sử dụng cho tưới tiêu. Tương tự, các rạch như Lái Thiêu, Bà Lụa, Bình Nhâm… có chỉ số WQI tăng cao từng năm và từ nước bị ô nhiễm nặng đã có thể sử dụng được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ phường Vĩnh Phú) có vườn cây ăn trái sử dụng nước tưới từ rạch Vĩnh Bình, chia sẻ: “Những năm trước đây, nước rạch Vĩnh Bình đen kịt, bốc mùi hôi thối. Chúng tôi không dám sử dụng để tưới cây vì sợ sâu bệnh. Chúng tôi phải sử dụng nước giếng. Gần đây, chúng tôi thấy nước rạch đã sạch hơn và tưới được cho cây. Một số loài cá như rô phi, chép… cũng xuất hiện trở lại sau nhiều năm không thấy xuất hiện”. Tương tự, người dân sống dọc rạch Bình Nhâm cũng cảm nhận được môi trường nước đã sạch hơn so với trước đây. Nói về điều này, bà Phan Thị Hải Yến (ngụ phường Bình Nhâm) cho biết: “Hiện giờ chúng tôi đã an tâm sử dụng nước rạch Bình Nhâm để tưới cho hơn 1.000m2 vườn cây. Lúc trước thì chúng tôi không dám sử dụng vì nguồn nước ô nhiễm nặng. Từ khi chính quyền địa phương quyết liệt xử lý các hộ chăn nuôi heo dọc rạch Bình Nhâm, nước rạch mới sạch được như thế này”.

Xử phạt nhiều trường hợp xả nước thải ra sông, rạch

Theo ông Phan Thái Sơn, Trưởng phòng TN-MT TX.Thuận An, một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng chống ô nhiễm nước mặt trên sông, rạch trên địa bàn là tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý hoạt động xả thải. Trong thời gian qua, phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định về xả thải. Chỉ riêng từ tháng 10-2016 đến tháng 10-2017, phòng đã tham mưu UBND TX.Thuận An ra quyết định xử phạt hành chính 64 cơ sở sản xuất vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền phạt hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó, có những doanh nghiệp xả nước thải không đạt tiêu chuẩn bị phạt hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như Công ty CP Ph. (KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao) bị phạt hành chính gần 439 triệu đồng đối với hành vi “Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước từ 20m3/ngày đến 40m3/ngày” (quy định tại điểm d, khoản 6, điều 13 và khoản 1, điều 5, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường). Đáng nói, theo quyết định xử phạt, kết quả lấy mẫu xét nghiệm của Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN-MT (Sở TN-MT) cho thấy các chỉ số hóa sinh của nước thải Công ty CP Ph. khi bị cơ quan chức năng lập biên bản đều có các chỉ số vượt quy chuẩn cho phép (QCVN 40:2011/BTNMT) nhiều lần. Cụ thể, chỉ số BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa trong 5 ngày) và COD (chỉ số nhu cầu oxy hóa học) đều vượt đến 12,6 lần. Ngoài ra, các thông số về chất lơ lửng (SS) và ni-tơ đều vượt quy định.

 

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1564
Quay lên trên