Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017: Bình Dương có nhiều chỉ số quan trọng tăng điểm

Cập nhật: 23-03-2018 | 08:10:02

Sáng 22-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã công bố báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.

 Nhiều chỉ số thành phần tăng điểm

Được xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là bộ chỉ số gồm nhiều chỉ số thành phần như: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động chính quyền địa phương... Đây là năm thứ 13 liên tiếp, báo cáo PCI 2017 được xây dựng, công bố để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Điểm đáng chú ý là khoảng cách giữa các tỉnh đầu bảng và các tỉnh phía sau đang thu hẹp lại. Điểm số ở tỉnh trung vị trong lần xếp hạng này đã đạt 66,4 điểm, cao kỷ lục từ trước đến nay.

 Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2017 với 70,7 điểm. Từng 2 lần dẫn đầu bảng xếp hạng, Đà Nẵng đã tụt xuống vị trí thứ 2 với 70,1 điểm. PCI 2017 ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khi có đến 4 địa phương khu vực này nằm trong tốp 10. Cụ thể, Đồng Tháp đứng thứ 3 trong PCI 2017 với 68,8 điểm, Long An 66,7 điểm, Bến Tre 66,7 điểm, Vĩnh Long 66,1 điểm... Là thành phố kinh tế đứng đầu cả nước nhưng TP.Hồ Chí Minh chỉ xếp thứ 8 với 65,2 điểm, còn Hà Nội chỉ khiêm tốn ở vị trí thứ 13, với 64,71 điểm.

Trong khi đó, dù tăng điểm so với năm trước (64,47 điểm so với 63,57 điểm năm 2016) nhưng Bình Dương vẫn chấp nhận tụt từ hạng 4 xuống hạng 14, nhưng vẫn đứng thứ hai khu vực Đông Nam bộ (sau TP.Hồ Chí Minh). Trong các chỉ số thành phần của Bình Dương, có rất nhiều chỉ số tăng ấn tượng so với năm ngoái như: Tiếp cận đất đai (từ 6,52 điểm lên 6,83 điểm), cạnh tranh bình đẳng (từ 5,08 điểm lên 5,61 điểm)... Đặc biệt là chỉ số về tính năng động của chính quyền tỉnh, tăng từ 5,67 điểm lên 6,04 điểm và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng từ 5,57 điểm lên đến 6,69 điểm. Ngoài ra, chỉ số về thiết chế pháp lý và an ninh trật tự cũng có mức tăng khá cao, từ 5,80 điểm lên đến 6,39 điểm.

Đánh giá về bảng xếp hạng PCI năm nay, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho rằng trong thời gian qua, Bình Dương đã làm hết mình, nỗ lực hết sức để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở việc có đến 6/10 chỉ số thành phần PCI trong năm 2017 đều tăng. Chính vì thế, dù có tụt hạng nhưng Bình Dương vẫn có sự gia tăng về điểm số so với năm 2016.

Duy trì hạng nhất về chất lượng hạ tầng

Trong nỗ lực cải thiện PCI, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1390/ QĐ - UBND phê duyệt Đề án nâng cao PCI. Sau đó, một số đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án của ngành. Thực hiện đề án, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tốt. Cụ thể, tỉnh liên tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin để hiểu rõ các chiến lược, định hướng và kế hoạch phát triển. Chính nhờ điều này, Bình Dương có mức tăng điểm khá ấn tượng ở các chỉ số tính năng động chính quyền tỉnh và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh, cho rằng thang điểm của PCI đã phản ánh đúng những tiện ích, mức độ hài lòng mà cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã được hưởng từ lãnh đạo địa phương trong thời gian qua. “Có thể khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua đã được phục vụ tốt hơn nhờ sự năng động của lãnh đạo địa phương. Điều này chứng tỏ, Bình Dương luôn lắng nghe, đồng cảm và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đây là một điều rất đáng quý”, ông Trọng chia sẻ.

Một điểm sáng khác của PCI 2017 mà Bình Dương có được là vị trí độc tôn về chất lượng cơ sở hạ tầng. Chỉ số cơ sở hạ tầng không được tính vào điểm PCI do những lợi thế vị trí địa lý mang tính tự nhiên, điều kiện hạ tầng ban đầu khác nhau, không nằm trong khả năng kiểm soát của chính quyền địa phương, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai do đòi hỏi nguồn lực lớn, chiến lược phát triển tổng thể cấp Trung ương. Một số tỉnh vùng sâu, vùng xa vì thế sẽ rất khó bắt kịp được với các địa phương khác. Nhưng mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và chất lượng điều hành kinh tế địa phương có sự tương quan. Thường là các địa phương có chất lượng điều hành tốt có xu hướng có cơ sở hạ tầng chất lượng cao hơn.

So với các tỉnh, thành trong cả nước, Bình Dương có hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông... thuộc hàng tốt nhất. Trong khi đó, các khu công nghiệp liên tục chào đón những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhờ hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đủ để làm hài lòng các nhà đầu tư. Đó là lý do vì sao Bình Dương vẫn độc tôn ở vị trí dẫn đầu về chất lượng cơ sở hạ tầng từ khi PCI ra đời cho đến nay…

 Báo cáo PCI 2017 dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.800 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Điều tra PCI 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền các địa phương trên cả nước. So với những năm trước, chính quyền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; chi phí không chính thức có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết cải thiện tích cực là xu hướng chủ đạo trong môi trường kinh doanh của Việt Nam năm vừa qua. Các địa phương đang tích cực vào cuộc, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động áp dụng thực tiễn, kinh nghiệm tốt của những tỉnh dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh của mình. Nhiều chính sách, chỉ đạo quan trọng của Chính phủ như loạt Nghị quyết 19/ NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chỉ thị 20/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17- 5-2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực trên thực tế.

Điều tra PCI năm 2017 cho thấy một tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh. Theo đó, 52% doanh nghiệp dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây; tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%. Cảm nhận tích cực về triển vọng phát triển còn rõ rệt hơn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi có tới 60% doanh nghiệp FDI cho biết có kế hoạch tăng quy mô kinh doanh tại Việt Nam, mức cao nhất kể từ năm 2011. Bên cạnh đó, những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký đối với doanh nghiệp FDI, như bảo hiểm xã hội, thuế, lao động cũng đã được giảm bớt so với những năm trước đó. Các doanh nghiệp mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục duy trìđà cải cách môi trường kinh doanh của năm 2017 trong thời gian tới, cụ thể trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy…

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=664
Quay lên trên