Chiến khu Đ khởi sắc

Cập nhật: 10-04-2015 | 08:02:59

Chiến khu Đ xưa kiên cường, oanh liệt chống giặc ngoại xâm, nay đã trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Không còn nghèo khó, giờ đây cuộc sống của người dân ở Chiến khu Đ trước đây đã vươn lên ấm no và không ngừng phát triển.

 Chiến khu Đ xưa, nay đã đổi khác. Trong ảnh: Một góc phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên hiện nay Ảnh: K.VÂN

 Đổi thay từng ngày

Chúng tôi trở lại chiến trường khốc liệt năm xưa, nơi đã từng đào tạo và che giấu cách mạng. Chiến khu oai hùng từng được chính đồng chí Lê Duẩn, cố Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá: Miền rừng núi Đông Nam bộ và Khu VI đối với Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tương tự như khu căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ trước đây trong kháng chiến chống Pháp.

Chiến khu Đ với vị trí chiến lược quan trọng được coi là trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời và phát triển của các lực lượng vũ trang miền Đông như Tiểu đoàn 800, Trung đoàn 762, Sư đoàn 9, Sư đoàn 5. Cái tên Chiến khu Đ gắn liền với những chiến công vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của quân dân miền Đông, với các chiến thắng Lạc An, Tân Uyên, Phước Thành, Đất Cuốc, Đồng Xoài, Phước Long…

 Thật ấn tượng với sức bật mạnh mẽ của Chiến khu Đ kiên cường năm xưa, nay đã khoác tấm áo mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Rời Chiến khu Đ anh hùng, tôi không sao quên được lời khẳng định chắc nịch của ông Nguyễn Thành Phương, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận tiện cho giao thông là tiền đề kết nối vùng và phát triển mạnh giao thương, công nghiệp hóa. Đầu tư xây dựng cơ bản tốt sẽ giúp cho Chiến khu Đ phát triển nhanh, mạnh hơn nữa trong thời gian tới”.

Chiến khu Đ đã ghi thành bài ca hùng tráng cách mạng về phương diện chính trị, tinh thần trong suốt hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chiến khu Đ tồn tại và đứng vững như một biểu tượng của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng; là nguồn hy vọng, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và người dân suốt những năm tháng dài gian khổ.

Đứng giữa chiến khu xưa hôm nay, không khỏi bồi hồi bao cảm xúc khi nhớ lại những vầng thơ hào sảng của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: “Tên chiến khu bất khuất/ Đồng Nai hay Đất Cuốc/ Rốt cuộc Chiến khu Đ/ Đã bao mùa lá vàng rơi từ ấy/ Chiến khu Đ vẫn đỏ máu quân thù”.

Chiến khu Đ trên quê hương thi tướng Huỳnh Văn Nghệ giờ đã khác xưa rất nhiều. Bóng dáng một đô thị văn minh, hiện đại đã hiện hữu ngay trước mắt người dân Tân Uyên kiên cường. Khu công nghiệp Nam Tân Uyên với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại như một hấp lực lớn mời gọi nhà đầu tư tìm về làm ăn, phát triển trên mảnh đất bị cày nát bởi bom đạn năm xưa.

Trò chuyện với bác Huỳnh Văn Sáng, người đã gắn bó với chiến khu xưa từ trong những ngày đỏ lửa trên vùng đất cách mạng, tôi chợt hỏi: “Thưa chú, có phải ý chí và niềm tin kiên định từ trong khói lửa chiến tranh đã tạo nên sức mạnh âm ỉ đẩy cao quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển quê hương Tân Uyên anh hùng hôm nay?”. Ông Sáng không vội trả lời, mắt ánh lên niềm vui tươi rồi nói: “Ừ thì chính xác là vậy! Chính bản thân tôi cũng nuôi dưỡng niềm tin sắt đá từ trong kháng chiến chống giặc ở rừng Chiến khu Đ đi ra đây. Bây giờ, trên mảnh đất anh hùng này không khó để nhận ra những sự thay da đổi thịt từng ngày. Chiến khu Đ kiên cường trong chiến tranh khói lửa, nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” cho nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Phát triển vượt bậc

Dù mới chỉ thành lập được một năm nhưng nay, TX.Tân Uyên đã có nhiều bước phát triển đột phá trong qua trình thay đổi diện mạo đô thị, chăm lo cho đời sống nhân dân. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã có 2 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.900 ha được đầu tư hạ tầng bài bản, đồng bộ sẵn sàng đón nhà đầu tư. Hiện thị xã có đến 440 doanh nghiệp trong nước và 303 dự án đầu tư nước ngoài, chủ yếu tập trung tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và vùng nội ô TX.Tân Uyên.

 Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của huyện Tân Uyên trước đây, TX.Tân Uyên hiện nay Ảnh: T.BÌNH

Từ một vùng đất hoang hóa, bị tàn phá khốc liệt bởi chiến tranh, TX.Tân Uyên, trung tâm của Chiến khu Đ khi xưa giờ đã bừng sáng bức tranh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ sau một năm được thành lập, TX.Tân Uyên đã cho thấy nội lực mạnh mẽ của mình. Trong năm 2014, UBND TX.Tân Uyên mạnh dạn đề ra con số tăng trưởng cho công nghiệp là 12%. Đến nay, thị xã đã có cơ cấu kinh tế cơ bản là công nghiệp (công nghiệp 67,62%, thương mại - dịch vụ 29,6%, nông nghiệp gần 3%); thu nhập bình quân đầu người lên đến 45 triệu đồng/năm. Có thể thấy rõ, TX.Tân Uyên đang thay da đổi thịt từng ngày.

Rời TX.Tân Uyên, chúng tôi lại rảo xe đi về huyện Bắc Tân Uyên với địa danh Đất Cuốc gắn liền với bao chiến công hiển hách của nhân dân Chiến khu Đ anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Giờ thì Bắc Tân Uyên đâu chỉ có nông nghiệp, đâu chỉ có những vườn cây cao su rợp bóng mát; huyện đã có đến 4 khu, cụm công nghiệp với diện tích 828,79 ha đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư gồm: Khu công nghiệp Đất Cuốc, Khu công nghiệp - đô thị Tân Uyên, Khu công nghiệp Tân Bình, Cụm công nghiệp Tân Mỹ; trong đó Khu công nghiệp Đất Cuốc đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đạt 47,4%.

Bắc Tân Uyên là thủ phủ của vùng chuyên canh cây có múi của tỉnh. Đến nay, hàng trăm ha cam, bưởi cho năng suất và chất lượng cao đã phát triển ổn định, mang lại nguồn thu lớn cho nhân dân. Dù có đôi chút chậm chân công nghiệp hóa, phát triển thương mại, dịch vụ nhưng hiện nay Bắc Tân Uyên vẫn có những lợi thế và tiềm năng rất lớn. Huyện cũng đang tập trung thực hiện thành công Chương trình hành động của Huyện ủy về phát triển công nghiệp - dịch vụ theo hướng tập trung bền vững giai đoạn 2014-2015. Huyện cũng đã lên kế hoạch duy trì, giữ vững và đẩy mạnh mức tăng trưởng công nghiệp với tốc độ tăng trưởng từ 11 - 13% trong những năm tiếp theo, coi đây là vấn đề sống còn đưa huyện đi lên công nghiệp hóa. Để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp, trong năm 2015, huyện tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng, đồng thời khuyến khích đầu tư vào ngành nghề có công nghệ cao…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Phúc, người dân phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên tâm tình: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chiến khu Đ này, tôi thật tự hào khi quê hương đổi mới từng ngày. Chiến khu Đ anh hùng trước đây giờ đã trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh của tỉnh. Thật không uổng bao mồ hôi, máu và nước mắt đã rơi xuống đất này để đổi lại hòa bình, độc lập cho hôm nay”.

Chia tay Chiến khu Đ, chúng tôi luôn ấn tượng trước những bước phát triển vượt bậc của TX.Tân Uyên, của huyện Bắc Tân Uyên hôm nay.

 LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2281
Quay lên trên