Chiến khu xưa nay là vùng đất hứa... Bài 1

Cập nhật: 21-08-2018 | 06:12:12

LTS: Tiếp nối tinh thần Cách mạng Tháng Tám 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều tên đất, tên làng của Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương đã đi vào sử sách với những chiến công hiển hách, góp phần cùng quân và dân cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa, vùng đất năm xưa bom cày, đạn xới giờ đã là những khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ văn minh, hiện đại, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc. Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương với những chiến khu xưa nay đã trở thành vùng đất hứa...

Bài 1: Sức sống mới ở “Làng kháng chiến”

 Vùng đất Thuận An nằm bên bờ sông Sài Gòn, giáp ranh TP.Hồ Chí Minh là cửa ngõ phía nam của tỉnh. Nơi đây không chỉ được biết đến với vườn cây trái Lái Thiêu ngọt lành và nghề làm gốm nổi tiếng mà còn là vùng “đất lửa” với Làng kháng chiến kiểu mẫu Bình Hòa, Chiến khu Thuận An Hòa, Chiến khu An Sơn cùng nhiều địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc. Ngày nay, những địa danh hào hùng ấy lại tiếp tục viết tiếp những chiến công trong công cuộc dựng xây, phát triển quê hương đất nước.

 TX.Thuận An đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động. Ảnh: Đ.H

 Tự hào truyền thống

Trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất Thuận An có hai địa danh đi vào lịch sử trở thành niềm tự hào của quê hương đó là Bình Nhâm và Bình Hòa. Nếu Bình Nhâm là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ vào tháng 8-1930 thì Bình Hòa là Làng kháng chiến kiểu mẫu được Bác Hồ khen ngợi. Nguyên văn lời khen tặng của Bác là: “Nên khen thưởng du kích Chi Lăng, Đình Bảng và Làng kháng chiến kiểu mẫu Bình Hòa ở Thủ Dầu Một, Nam bộ”.

Xã Bình Hòa, huyện Thuận An nay là phường Bình Hòa, TX.Thuận An nằm ở phía đông nam và cách TP.Thủ Dầu Một khoảng 10km, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 15km. Bình Hòa sớm chịu ảnh hưởng của phong trào Thiên địa hội chống Pháp do ông Phan Xích Long đề xướng từ năm 1914-1916. Khi Chi bộ Cộng sản Đề-pô xe lửa Dĩ An thành lập (1-1930) và Chi bộ xã Bình Nhâm Lái Thiêu (8- 1930) ra đời, nhân dân xã Bình Hòa đã tập hợp xung quanh Đảng Cộng sản Đông Dương, thể hiện rõ khí phách cách mạng kiên cường, sẵn sàng hy sinh xương máu, công sức của mình để che chở, đùm bọc cán bộ và trực tiếp tham gia chống giặc ngoại xâm.

Năm 1944, tại xã Bình Hòa có phong trào thanh niên hướng đạo và Hội Ái hữu do đồng chí Võ Thuận Kiều lãnh đạo, đã bí mật tiếp xúc với Mặt trận Việt minh và được quần chúng hưởng ứng, tham gia đông đảo các đoàn thể cứu quốc: Thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân, phụ lão... Đoàn thanh niên tiền phong đã phát triển rộng khắp trong xã. Đến tháng 7-1945, tại ấp Đồng An đã có hàng trăm đoàn viên thanh niên tiền phong. Ủy ban khởi nghĩa sớm thành lập do đồng chí Võ Thuận Kiều làm Tổng thư ký, đồng chí Lưu Văn Dựa chỉ huy dân quân du kích, ráo riết chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa; du kích lập kế hỏa công, tưới xăng đốt một phần kho vũ khí của Nhật, buộc chúng tập trung cứu chữa, tạo điều kiện cho dân quân xã Bình Hòa và các xã bạn xông vào cướp hơn 60 súng các loại để trang bị cho lực lượng ta trong Tổng khởi nghĩa.

Do vị trí chiến lược lại nằm sát nách trung tâm đầu não quân thù nên bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bình Hòa tiếp tục trở thành địa bàn vô cùng ác liệt. Giặc Mỹ với sức mạnh quân sự và vũ khí chiến tranh hiện đại, đã âm mưu hủy diệt xóm làng, diệt tận gốc phong trào cách mạng nơi này. Tuy nhiên, với ý chí cách mạng kiên cường, lòng dũng cảm, phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Hòa chẳng những không bị dập tắt mà từng bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều người con ưu tú đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh để góp phần giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Những cái tên cầu Bưng Bố (hay còn gọi là cầu Ông Bố), Bình Đáng, Bình Đức, Giếng Đá, Truông Cối, Rừng Thơm... đã mãi đi vào lịch sử, ghi đậm trên bản đồ chiến tích của TX.Thuận An.

Thuận An hôm nay

Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng năm xưa, sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Bình Hòa tiếp tục đoàn kết, khai thác lợi thế đất đai, lao động để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đến nay trên địa bàn phường có 2 khu công nghiệp là Đồng An I và một phần Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I. Ngoài ra, trên địa bàn còn có hàng trăm công ty, xí nghiệp ngoài khu công nghiệp đang hoạt động. Công nghiệp phát triển tác động mạnh đến các mặt đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều loại hình dịch vụ - thương mại phát triển mạnh. Đời sống nhân dân trong phường nhờ vậy ngày càng được nâng lên. Bên cạnh phát triển kinh tế, các mặt đời sống văn hóa, xã hội được phường quan tâm đầu tư, nhất là chính sách đền ơn đáp nghĩa.

 Chiến khu Thuận An Hòa xưa nay đã hình thành các khu, cụm công nghiệp và các trung tâm thương mại - dịch vụ. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I. Ảnh: X.THI

Hơn 43 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX.Thuận An đã luôn đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đặc biệt, trong những năm qua, TX.Thuận An đã khai thác, tận dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình để vươn lên trở thành địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Nhìn những con đường rộng thênh thang, những khu công nghiệp, khu dân cư mới và phố xá tấp nập của TX.Thuận An hôm nay ít ai có thể hình dung được trên mảnh đất này từng là nơi bom cày, đạn xới trong những năm tháng chiến tranh. Các phường Bình Hòa, Thuận Giao, An Phú và nhiều phường khác của TX.Thuận An vốn là chiến khu xưa đang dần “thay áo mới” với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Đời sống vật chất tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện và phát triển. Hiện trên địa bàn TX.Thuận An có 3 khu công nghiệp (VSIP I, Việt Hương và Đồng An) và một số cụm công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động. Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, luôn giữ mức tăng bình quân cao, giữ vai trò là ngành kinh tế quan trọng của thị xã, đồng thời là động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển. Nhiều loại hình dịch vụ chất lượng cao phát triển nhanh chóng và đa dạng như ngân hàng, bưu chính viễn thông, thương mại, vận tải, kho bãi, bảo hiểm… Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội trên địa bàn TX.Thuận An không ngừng được quan tâm chăm lo và từng bước phát triển. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Thị xã thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc gia đình có công cách mạng, đền ơn đáp nghĩa… Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Ông Lê Quang Vinh, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thuận An, cho biết với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành cấp tỉnh, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã đã kế thừa truyền thống cách mạng và phát huy kết quả đạt được của những nhiệm kỳ trước, tiếp tục lãnh đạo và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm; chủ động tích cực triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả thiết thực nhiều nhiệm vụ quan trọng do thực tiễn đặt ra, nhất là công tác chỉnh trang, lập lại trật tự đô thị, xây dựng Thuận An trở thành đô thị văn minh, hiện đại. (còn tiếp)

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên