Bài 4: Bàu Bàng vững bước đi lên
Bàu Bàng là một “địa chỉ đỏ” cho những ai muốn tìm về quá khứ vinh quang với Chiến khu Long Nguyên, trận đánh ấp Đồng Sổ, Bia chiến thắng Bàu Bàng… Phát huy truyền thống đó, Bàu Bàng hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bàu Bàng đang tập trung đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa để đưa huyện nhà phát triển vững mạnh, toàn diện, sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị của tỉnh.
Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng, niềm tự hào của người dân Bàu Bàng
Rực rỡ chiến công
Theo dòng lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước; cùng với Chiến khu Đ, Thuận An Hòa, Chiến khu Long Nguyên đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang của vùng đất Bàu Bàng và Dầu Tiếng.
Theo ông Nguyễn Văn Dùm, một cựu chiến binh ở xã Long Nguyên, Chiến khu Long Nguyên trước kia bao gồm một vùng rộng lớn, thuộc các xã Long Nguyên (huyện Bàu Bàng) và xã Long Tân, Long Hòa huyện Dầu Tiếng ngày nay. Do có vị trí chiến lược, suốt trong hai cuộc kháng chiến, Chiến khu Long Nguyên từng là nơi trú đóng của cơ quan đầu não cách mạng. Mỗi địa danh của Chiến khu Long Nguyên đều gắn liền với những trận chiến oanh liệt, kiên cường bất khuất của nhân dân và quân giải phóng. Trên mảnh đất Long Nguyên đã thấm đỏ máu và mồ hôi của hàng ngàn cán bộ và chiến sĩ từ mọi miền đất nước về đây chiến đấu, góp một phần công sức vào thắng lợi vĩ đại của đất nước.
Không chỉ nổi danh với Chiến khu Long Nguyên; cái tên “Bàu Bàng” đã xuất hiện những câu thơ trong Thư chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi miền Nam năm 1966, trở thành một trong những địa danh lịch sử đi vào huyền thoại của những câu chuyện làm nên chiến công hiển hách của dân tộc:
“Mừng miền Nam rực rỡ chiến công
Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plây- me, Đà Nẵng”
Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng là nơi ghi dấu trận đánh ác liệt ngày 12-11-1965, giữa Sư đoàn 9 và Sư đoàn 1 bộ binh, mệnh danh “Anh cả đỏ” của Mỹ - một sư đoàn trong lịch sử không có từ chiến bại. Trận đánh được ví là “quả đấm thép” trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Không chỉ làm thay đổi cục diện chiến trường mà còn hình thành một phương án tác chiến mới đối với quân đội Mỹ, đó là “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”. Bàu Bàng đã viết nên những câu chuyện, góp phần làm nên chiến công hiển hách của dân tộc. Và hôm nay đây, Tượng đài chiến thắng Bàu Bàng dũng mãnh đã trở thành niềm kiêu hãnh của người dân Bàu Bàng, là “địa chỉ đỏ” cho thế hệ hôm nay hướng về với cội nguồn dân tộc.
Tung cánh trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Năm tháng đi qua, chiến tranh lùi sâu vào ký ức của mỗi người dân đất Việt. Trở lại vùng đất chiến khu xưa, về với ấp Đồng Sổ, Lai Uyên… mấy ai có thể hình dung được đây là vùng đất của một thời kỳ chiến tranh ác liệt. Từ một vùng hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh giờ đây mảnh đất ấy đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Bàu Bàng năm xưa kiên cường bất khuất, Bàu Bàng hôm nay lại làm nên kỳ tích. Vùng đất đầy bom đạn năm xưa giờ đang tràn ngập sức sống mới, sức sống của sự chuyển mình, tiến lên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đến với Bàu Bàng hôm nay sẽ nhận thấy một sự thay đổi nhanh chóng. Bàu Bàng khoác lên mình chiếc áo mới với bạt ngàn cao su, công ty, xí nghiệp mọc lên san sát, hệ thống trường học đang dần hoàn thiện đường sá thông thoáng...
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng, phấn khởi cho biết, ngày 1-4-2014, huyện Bàu Bàng được thành lập và chính thức đi vào hoạt động theo Nghị quyết số 136/ NQ-CP ngày 29-12-2013 của Chính phủ. Từ đây, Bàu Bàng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị của tỉnh.
Từ xuất phát điểm là huyện mới, kinh tế còn nhiều khó khăn…, Bàu Bàng đã vượt khó đi lên. Tình hình kinh tế - xã hội của huyện Bàu Bàng tiếp tục phát triển đúng hướng, với mức tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân gần 17%. Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện có 92 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn trên 2,3 tỷ đồng; 509 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 25.000 tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư từng bước hoàn thiện. Tổng chi đầu tư phát triển bằng ngân sách đạt gần 792 tỷ đồng. Hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, nhất là các xã xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện hiện có 6/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. ..
Đặc biệt, cụ thể hóa 4 Chương trình đột phá của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Bàu Bàng đã xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể gắn với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, Huyện ủy Bàu Bàng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy trong công việc, vì nhân dân phục vụ gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động; huy động các nguồn lực vào những lĩnh vực quan trọng có tính đột phá, như: Đầu tư công, điều hành ngân sách, xây dựng nông thôn mới, hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ và hiện đại; đẩy mạnh đầu tư dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng, cho biết với những kết quả đạt được nửa nhiệm kỳ qua, cho thấy Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đoàn kết, thống nhất lãnh đạo hệ thống chính trị huyện Bàu Bàng đi đúng định hướng mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém ảnh hưởng đến việc thực hiện nghị quyết. Vì vậy, để đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Bàu Bàng cũng đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo bước chuyển trong các chương trình đột phá trên lĩnh vực kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp ổn định, bền vững. Theo đó, có 9 nhóm giải pháp mà huyện tập trung thực hiện. Đó là rà soát, bổ sung quy hoạch hiện có và xây dựng kế hoạch hàng năm; về vốn đầu tư; công nghệ; đất đai; phát triển cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; phát triển thị trường; bảo vệ môi trường; và cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư để đạt mục tiêu “Sớm trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị của tỉnh”.
Song song đó, huyện tập trung phát triển các lĩnh vực hạ tầng then chốt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển vùng và địa phương, có phân kỳ đầu tư, ưu tiên các dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn để tập trung đầu tư. Huyện sẽ tập trung huy động và sử dụng các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng; đồng thời tăng cường quản lý và giám sát chất lượng công trình và quản lý khai thác sử dụng sau đầu tư, thực hiện tốt việc duy tu bảo dưỡng, bảo trì công trình xây dựng để phát huy tính năng sử dụng, duy trì độ bền vững cho công trình.
Đặc biệt, huyện Bàu Bàng tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tập trung khai thác tối ưu nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện huyện đang tập trung mọi nguồn lực để xã Trừ Văn Thố đạt chuẩn NTM vào năm 2018, nâng tổng số 7/7 xã đạt chuẩn NTM. Song hành với mục tiêu đó là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ văn hóa của người dân khu vực nông thôn gắn với thực hiện các nhiệm vụ về môi trường, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp ven đô thị kết hợp du lịch sinh thái vào năm 2020 và phấn đấu đạt chuẩn NTM theo hướng đô thị vào năm 2019.
Với những định hướng đã đề ra, trong tương lai không xa Bàu Bàng sẽ đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị của tỉnh. (còn tiếp)
THU THẢO