Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi bằng vàng

Cập nhật: 07-05-2018 | 08:55:37

Từ Hà Nội theo quốc lộ 6 qua Sơn La, Thuận Châu, vượt đèo Pha Ðin sang Tuần Giáo rồi rẽ theo quốc lộ 279 là vào đến Ðiện Biên. Thung lũng Ðiện Biên bốn bề là núi bao bọc với nhiều ngọn đồi ở phía đông và cánh đồng Mường Thanh dài 20km, rộng 6km, có sông Nậm Rốm chảy qua. Nơi đây, 64 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

TP.Điện Biên Phủ hôm nay nhìn từ đỉnh đồi D1. Ảnh: T.SƠN  

Cuối năm 1953, Pháp sa lầy trên chiến trường Đông Dương. Để cứu vãn tình thế, Thu - Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã triển khai Kế hoạch Nava tăng cường binh lực và phương tiện chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam, giành lại thế chủ động trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị hòng tiếp tục sự chiếm đóng lâu dài. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự kiên cố. Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Ở đây tập trung 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 quân, bảo đảm nguồn tiếp viện trong quá trình tác chiến. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp và nhận định, đánh Điện Biên Phủ là một trận lớn nhất của quân đội ta từ trước tới nay và có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. Ngày 25-1-1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã đưa ra quyết định mới: Giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Thực hiện phương châm mới, trận quyết chiến Điện Biên Phủ đã diễn ra trong 3 đợt: Từ ngày 13 đến 17-3-1954, quân ta đã dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía bắc của tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Từ ngày 30-3 đến ngày 30-4- 1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại pháo của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ. Từ ngày 1-5 đến ngày 7-5-1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích. Đêm ngày 6-5, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. Tên quan tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã ra đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7-5, ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tướng Đờ Ca-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo cơ sở căn bản đi đến ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở 3 nước Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”; “đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.

C.T (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=454
Quay lên trên