Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh (HS) trung học năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức vừa qua, sản phẩm “Thiết bị đọc thân nhiệt và khử khuẩn tự động kết hợp điểm danh thông minh” của 2 HS trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP.Thủ Dầu Một) là Nguyễn Thành Tài, lớp 8A1 và Nguyễn Điền Nam, lớp 9A4 đã xuất sắc giành được giải tư. Sản phẩm này đã từng gây tiếng vang tại cuộc thi KHKT cấp thành phố và cấp tỉnh khi được xếp ở vị trí cao nhất cuộc thi.
Hai em Điền, Nam cùng hiệu trưởng và giáo viên hướng dẫn bên máy “Thiết bị đọc thân nhiệt và khử khuẩn tự động kết hợp điểm danh thông minh”
Có tính ứng dụng cao
Từ khi HS trường THCS Nguyễn Văn Cừ đi học trở lại sau tết, các em vô cùng thích thú khi vừa bước vào trường đã có máy đo thân nhiệt và khử khuẩn kết hợp với điểm danh tự động. Lần lượt từng HS xếp hàng ngay ngắn, giữ khoảng cách an toàn để thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay. Có chiếc máy này, thầy cô đỡ vất vả đứng hàng giờ kiểm tra sức khỏe của từng HS. Riêng với HS, việc xuất hiện chiếc máy cũng giúp các em tự giác chấp hành những biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Sản phẩm là một thiết bị có gắn bộ đo nhiệt độ bằng hồng ngoại, cảm biến đo vân tay, màn hình cảm ứng và bộ rửa tay tự động giúp đo và hiển thị thân nhiệt, giữ gìn vệ sinh tay. Ngoài ra, máy còn giúp kiểm soát sĩ số HS bằng cách quét vân tay bằng cảm biến vân tay và gửi tin nhắn về bộ phận quản lý thông qua email. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy HS chỉ cần đưa trán lại gần cảm biến nhiệt độ để đo thân nhiệt, còn tay để dưới vòi phun, dung dịch sát khuẩn sẽ tự động phun ra một lượng vừa đủ, sau đó các em đưa ngón tay lấy dấu vân tay vào cảm biến vân tay để hệ thống đọc. Toàn bộ quy trình các em thực hiện, kể cả điểm danh tự động chỉ diễn ra trong 5 giây. Sau 15 phút HS đến trường, máy sẽ tự động cập nhật số HS vắng và gửi danh sách cho dữ liệu của trường. Thiết bị sẽ báo đỏ khi nhiệt độ vượt quá 37,8 độ C.
Xây dựng niềm đam mê nghiên cứu KHKT cho các em, hàng năm, Ban Giám hiệu trường THCS Nguyễn Văn Cừ phát động HS tham gia nghiên cứu KHKT. Từ những ý tưởng do HS đưa ra, thầy cô đánh giá và chọn đề tài hay, thiết thực với cuộc sống, sau đó phân công giáo viên hướng dẫn các em phát triển thành dự án. Với Nam và Tài, cả hai đều là những HS khá, giỏi của trường. Các em có chung niềm đam mê khám phá, sáng tạo. Nhận thấy các em có ý tưởng tốt, có những sở trường riêng, có thể cùng kết hợp để trở thành cặp đôi hoàn hảo trong nghiên cứu khoa học, giáo viên hướng dẫn là cô Lê Thị Thương đã ghép các em thành một cặp. Cô Thương nói: “Khi các em có ý tưởng thực hiện dự án, Ban Giám hiệu nhà trường đã nhận thấy dự án có tính ứng dụng cao vì trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, chiếc máy sẽ phát huy tác dụng trong việc kiểm tra sức khỏe của HS. Đồng thời máy này còn có thể được sử dụng rộng rãi tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, nơi có lượng người lao động lớn. Giá thành để hoàn thiện sản phẩm cũng khá mềm, chỉ khoảng 8 triệu đồng”.
Khi thiết bị này đoạt được giải nhất cuộc thi KHKT cấp thành phố, các em tiếp tục nghiên cứu để dự án hoàn thiện hơn. Tài cho hay, nhận thấy thiết bị để trên bàn sẽ không tiện lợi nên em và Tài đề xuất với cô Thương gắn thêm giá đỡ thiết bị để có thể di chuyển dễ dàng. “Kỳ vọng và đặt mục tiêu vào tính khả thi của dự án, sau kỳ thi KHKT cấp tỉnh, hai anh em tiếp tục cải tiến sản phẩm, cảnh báo người có nhiệt độ cao 37,8 độ trở lên sẽ được thông báo bằng giọng nói: “mời vào phòng y tế”, Điền Nam nói.
Nuôi dưỡng đam mê sáng tạo
Lần thứ hai gặp hai em Tài và Nam, chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn sự ngưỡng mộ về đam mê nghiên cứu của hai cậu học trò này. Dù còn nhỏ tuổi nhưng từ suy nghĩ đến lời nói các em đều rất chững chạc và rất khát khao thể hiện sự sáng tạo của mình.
Vốn thích tìm hiểu, khám phá, từ nhỏ Tài đã có sở thích tháo lắp các đồ chơi điện tử, sau đó lắp ráp lại. Các em cũng thường tháo ráp những đồ điện tử trong gia đình để nghiên cứu. Có lúc em còn làm những con thuyền bằng hộp cơm có gắn mô tơ, khi thì em tự chế xe bằng các vật dụng bỏ đi... Nam cũng vậy, em lấy vỏ lon nước gắn mô tơ làm thuyền và thử nghiệm dưới nước. Chính những lần mày mò vừa chơi, vừa tự khám phá, nghiên cứu đã giúp các em có ý tưởng thiết thực như trên.
Nhắc lại kết quả thi KHKT cấp quốc gia, hai em chia sẻ, đến với đấu trường lớn, các em chỉ mong học hỏi nhiều hơn từ các anh chị nhưng không ngờ sản phẩm của các em đã đạt giải. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng cho bản thân các em mà còn là thành tích chung cho ngành giáo dục - đào tạo tỉnh nhà. Từ kết quả của các em, nhà trường tiếp tục khuyến khích HS nuôi dưỡng đam mê sáng tạo, có những ý tưởng mới, độc đáo ngay từ trong cuộc sống thường ngày. Cô Dương Thị Hào, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Cừ, chia sẻ nhà trường, gia đình luôn tạo điều kiện để các em phát huy năng khiếu nghiên cứu khoa học. “Khi đã chọn ý tưởng có tính khả thi cao, trường đã có những chỉ đạo kịp thời cho giáo viên hướng dẫn các em triển khai dự án. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình đã hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện để hai em học bổ sung kiến thức như học lớp lập trình Audruno cũng như hỗ trợ kinh phí để các em thực hiện thành công sản phẩm dự thi”, cô Hào nói.
Đam mê nghiên cứu, nhưng các em biết cân bằng việc học, do đó Tài và Nam vẫn bảo đảm được kiến thức trên lớp và giữ vững thành tích học tập khá, giỏi. Từ thành công qua kết quả thi KHKT cấp quốc gia, tương lai của các em mở ra một trang mới. Cả hai có ước mơ trở thành lập trình viên. Để biến ước mơ thành hiện thực, hai em đề ra mục tiêu nỗ lực học tập tốt hơn ở những năm học kế tiếp và hứa hẹn sẽ có thêm những ý tưởng sáng tạo mới, thiết thực hơn.
HỒNG THÁI