Phát huy thành tựu 30 năm đổi mới, tạo đột phá phát triển

Cập nhật: 22-01-2016 | 19:01:48

Chiều 22-1, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội làm việc tại Hội trường thảo luận về các văn kiện. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Chủ tịch nước điều hành phiên thảo luận.

Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng trình bày tham luận tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: Đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng đã thảo luận kỹ lưỡng và nhất trí với Báo cáo chính trị trình Đại hội, nhất là những nội dung liên quan tới an ninh quốc phòng, đối ngoại và xây dựng Đảng. Đối với các nội dung về kinh tế-xã hội, đồng chí cho rằng cần phải thảo luận sâu sắc hơn.

Tham luận về "Một số giải pháp về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế," Bí thư Thành ủy Hải Phòng nêu rõ: Là địa phương có cảng biển lớn nhất và trung điểm giao thương của cả miền Bắc, Hải Phòng có lợi thế to lớn trong quá trình xây dựng phát triển và trên thực tế đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ thực tiễn của Hải Phòng, đồng chí đặt vấn đề, thứ nhất đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế trong hoàn cảnh đất nước hội nhập quốc tế nên xác định thế nào cho đúng?

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội thể hiện mô hình tăng trưởng trong thời gian tới là kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu.

Theo đại biểu, cần xem xét hai vấn đề: làm thế nào để kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu trong khi phải chú trọng phát triển chiều sâu; có thể áp dụng mô hình tăng trưởng chung cho cả nước được không?

Đại biểu phân tích trên thực tế các địa phương có sự khác nhau rất xa về điều kiện kinh tế, các tỉnh miền núi và một số địa phương không có nhiều lợi thế thu hút đầu tư các dự án có chất lượng cao như các thành phố lớn, các thành phố cảng biển. Do vậy, những địa phương còn khó khăn cần tập trung phát triển theo chiều rộng để thu hút mọi cơ hội đầu tư nhằm tạo việc làm cho người dân và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế bảo đảm an sinh xã hội.

Các tỉnh, thành phố đã có quá trình công nghiệp hóa nhanh cần dứt khoát chuyển sang phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tăng trưởng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hải Phòng xác định hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với thành phố.

Về mô hình tăng trưởng, cũng như các địa phương đã có quá trình công nghiệp nghiệp hóa Hải Phòng chủ trương năm 2016-2020 ưu tiên phát triển chiều sâu, từng bước giảm dần thu hút đầu tư một số ngành lĩnh vực sử dụng lãng phí tài nguyên. Từ sau năm 2020, không phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động ra công hiệu quả kinh tế thấp.

Đại biểu nêu trong quá trình hội nhập của đất nước diễn ra khẩn trương cũng đặt ra những thách thức cần có giải pháp vừa cấp bách vừa lâu dài để phát triển. Với vị trí là thành phố cảng biển, Hải Phòng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp cả tích cực và khó khăn của hội nhập.

Đại biểu đề nghị cần bàn thảo kỹ lưỡng hơn đậm nét sâu sắc hơn trong Báo cáo chính trị, đồng thời Ban Chấp hành Trung ương khóa mới cần có kế hoạch cụ thể để đưa vào chương trình của hội nghị Trung ương khóa tới để bàn thảo kỹ về nội dung này bởi đây là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển mới của đất nước…

Vận dụng sáng tạo học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào xây dựng và phát triển đất nước

Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

​Giáo sư-tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận về chủ đề, vận dụng sáng tạo học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta."

​Giáo sư-tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn nêu rõ: Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, trải qua 30 năm đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và cũng đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp với khát vọng của toàn dân, là nguồn sức mạnh tạo nên sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân. Độc lập dân tộc là tiền đề, điều kiện để xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội là cơ sở, nền tảng bảo đảm vững chắc nền độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

​Giáo sư-tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh sự phát triển của đất nước trong điều kiện hiện nay hơn lúc nào hết đòi hỏi phải có một mô hình chủ nghĩa xã hội của riêng Việt Nam, vừa phản ánh những giá trị phổ quát của chủ nghĩa xã hội, vừa phản ánh những đặc điểm đặc thù của Việt Nam được thể hiện bằng những đặc trưng bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, các phương hướng cơ bản để hiện thực hóa đặc trưng, các giải pháp, cách thức tiến hành mang ý nghĩa đột phá…

Phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải được phản ánh trong các mục tiêu chiến lược: Mục tiêu chung của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và mục tiêu đặc thù khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội gắn với mục tiêu của từng chặng đường, của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Việc xác định rõ các tiêu chí bằng định tính, định lượng cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng đòi hỏi phải phân tích đầy đủ, sâu sắc các mối quan hệ, bối cảnh quốc tế và trong nước, dự báo khoa học các xu thế, triển vọng, những thời cơ, thách thức đang đặt ra…

Thực tiễn của công cuộc Đổi mới trong 30 năm đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, song cũng đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới đòi hỏi phải vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa M​arx-L​enin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với tinh thần vận dụng sáng tạo đó, nhiều vấn đề lý luận mới, chưa từng có đã được tổng kết từ thực tiễn và đưa vào áp dụng trong thực tế, mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn như: khoán trong nông nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đảng viên làm kinh tế, kinh tế hàng hóa đa thành phần đến kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, v.v..

Sự đúc kết nên tám đặc trưng, tám phương hướng và tám mối quan hệ lớn để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng chính là kết quả của sự sáng tạo lý luận của Đảng ta trong công cuộc Đổi mới, bắt đầu từ thực tiễn đổi mới tư duy. Tất cả các vấn đề đó đều là kết quả vận dụng sáng tạo học thuyết M​arx-L​enin về chủ nghĩa xã hội, việc tổng kết những bài học kinh nghiệm của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới và thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam.

Thực tiễn công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay đang đặt ra hàng loạt vấn đề nóng bỏng cần phải luận giải tường minh bằng lý luận. Phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải kết hợp thường xuyên giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Đồng thời, đổi mới chính trị phải nhằm mục tiêu giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự phát triển bền vững của chế độ. Cụ thể hóa để giải quyết mối quan hệ này đang là vấn đề có ý nghĩa bức thiết hiện nay ở nước ta. Lộ trình, bước đi, giải pháp để giải quyết phải được cụ thể hóa trong đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đổi mới tư duy, lý luận luôn luôn là tiền đề để đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo học thuyết M​arx-L​enin về chủ nghĩa xã hội đòi hỏi trước hết phải quán triệt những quan điểm có giá trị phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa M​arx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm có giá trị phương pháp luận nêu trên của V.I.Lenin, nghiên cứu tìm ra đặc trưng, đặc điểm của tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam đặt trong tương quan với quan hệ quốc tế, khu vực, xác định rõ mô hình, phương hướng, lộ trình và giải pháp nhằm hiện thực hóa những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đòi hỏi bức thiết từ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam. Theo đó, hơn lúc nào hết, mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải tổng kết thực tiễn để phát triển sáng tạo lý luận, làm sáng tỏ, thiết thực hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chỉ được bảo đảm bằng tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, vận dụng sáng tạo học thuyết về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao trình bày tham luận tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tham luận về vấn đề "Tòa án nhân dân tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Cùng với những kết quả tích cực đã đạt được qua 30 năm đổi mới đất nước, Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là việc thực hiện chương trình trọng tâm cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011-2015 đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.

Qua đó, càng khẳng định rõ đường lối, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng là hoàn toàn đúng đắn trong tiến trình xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa – Nhà nước của dân, do dân, vì dân; luôn đề cao việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, việc triển khai một số nhiệm vụ cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tư pháp còn chậm. Chất lượng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, luật sư, bổ trợ tư pháp còn chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, oan sai, bỏ lọt tội phạm... cần tiếp tục nghiên cứu định hướng xây dựng một nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời đảm bảo sụ lãnh đạo của Đảng.

Để thống nhất nhận thức, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn 2016 - 2020 tới đây, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Chính trị cho phép trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Đề án bổ sung biên chế Thẩm phán, công chức cho Tòa án nhân dân các cấp trong cả nước; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện về thể chế cụ tể hóa Hiến pháp, thể hiện sự kiểm soát trong hoạt động tư pháp giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, trang bị phương tiện làm việc và công nghệ thông tin cho các Tòa án; xây dựng một bảng lương riêng cho công chức Tòa án; tổng kết lý luận và thực tiễn, nhất là tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, về việc hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức Đảng trong các Tòa án nhân dân theo hướng vừa đảm bảo thực hiện đúng đắn Điều lệ và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, vừa đảm bảo phù hợp với nguyên tắc độc lập xét xử và các nguyên tắc cơ bản khác liên quan đến Tòa án nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày tham luận tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tham luận về chủ đề "Vận dụng ba đột phá chiến lược để xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển."

Tham luận nhìn nhận qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá trong lĩnh vực y tế gồm (1) đổi mới toàn diện cơ chế tài chính theo hướng giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ gắn liền với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, kịp thời hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở vùng khó khăn; (2) thực hiện đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân; (3) thực hiện đột phá về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực y tế.

Năm 2012, sau 17 năm, Bộ Y tế đã ban hành được Thông tư liên tịch điều chỉnh giá 447 dịch vụ, bước đầu điều chỉnh 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp vào cấu thành giá. Chính sách này đã giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, có điều kiện nâng cấp khu khám bệnh khang trang sạch sẽ gắn với cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, giảm bớt thời gian chờ đợi, phiền hà.

Bộ Y tế cũng là đơn vị đầu tiên có nhiều đơn vị sự nghiệp trình Chính phủ ban hành Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong đơn vị sự nghiệp, trong đó xác định các đơn vị thực hiện cơ chế đó xây dựng lộ tình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng quyền tự chủ, phát huy tính năng động, sáng tạo của các đơn vị.

Thực hiện Kết luận 63 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị định 16 của Chính phủ, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, trong đó tính chi phí trực tiếp vào tiền lương. Thông tư này sẽ được thực hiện vào quý I/2016.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế, chuyển ngân sách nhà nước từ cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ cho nhân dân tham gia bảo hiểm y tế là bước đột phá trong cơ chế tài chính của ngành, đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực y tế, đồng thời để thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa nhà nước dành ngân sách để ưu tiên cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, mua thẻ bảo hiểm và hỗ trợ cho dân tộc thiểu số, người nông lâm ngư nghiệp, người có mức sống trung bình, người nghèo, người cận nghèo, người dân sống ở biển đảo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, tham gia bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm cho mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng cho biết, từ năm 2008 đến nay, ngành Y tế đã được bố trí gần 55 ngàn tỉ để đầu tư 766 bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện và hàng trăm phòng khám đa khoa khu vực, bộ mặt cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh, huyện, cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa đã được thay đổi rõ rệt.

Thực hiện đột phá về khoa học công nghệ, Việt Nam là một trong 39 nước làm chủ được công nghệ sản xuất vắcxin, tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sau 14 năm triển khai thực hiện, Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin (NRA) đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, đảm bảo hành lang pháp lý để vắcxin Việt Nam xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép đa tạng, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc,.. năm 2015 thực hiện thành công ghép đa tạng; làm chủ và chuyển giao nhiều kỹ thuật nội soi can thiệp cho các nước (như nội soi can thiệp trong bệnh mạch não, bệnh tim mạch, bệnh gan mật, bệnh lý cột sống, nội tiết, nhi khoa,…). Công tác nghiên cứu phục vụ bảo tồn, khai thác bền vững nguồn gen dược liệu quý hiếm với gần 4.000 loại, khai thác lợi thế dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu có hiệu quả điều trị cao thay thế thuốc nhập khẩu, bước đầu xuất khẩu đạt giá trị cao.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới; Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn trái phiếu trung hạn, ưu tiên đầu tư cho tuyến trung ương, tuyến tỉnh ở vùng khó khăn, kể cả bệnh viện tuyến huyện chưa được đầu tư trái phiếu Chính phủ và các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa. Chính phủ cho phép xem xét thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và lương khởi điểm cho cán bộ y tế theo Nghị quyết số 46-NQ/TW là một ngành tuyển chọn đặc biệt, đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch trình bày tham luận tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Tham luận về chủ đề “Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam,” Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh thời gian tới, nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn đó đòi hỏi phải xử lý mâu thuẫn giữa yêu cầu về mục tiêu nhân văn của văn hóa với những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường; giải quyết mâu thuẫn giữa đòi hỏi rất cao về mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với sự đầu tư nguồn lực có hạn của Nhà nước, trong bối cảnh đời sống của người dân, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, điều kiện xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn rất khó khăn.

Theo Bộ trưởng này, cần xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển, để đảm bảo duy trì, bảo vệ được các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời xác lập, bổ sung những giá trị mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển của xã hội đương đại; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, địa phương và nhân loại, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công.

Cũng theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, cần đảm bảo sự phát triển hài hòa, đúng mức giữa văn hóa tinh hoa và văn hóa đại chúng, vừa góp phần phổ cập văn hoá phổ thông cho quảng đại quần chúng, nâng cao mặt bằng dân trí, tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, vừa tạo những bước ngoặt về tư duy, học thuật, tư tưởng, những thành tựu đỉnh cao trong văn hóa nghệ thuật. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhìn nhận phải giải quyết được bài toán khó giữa yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ to lớn của sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam liên quan đến nhiều Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, các địa phương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ phân công.

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Đồng chí Trần Thị Thanh Hiền, Thành ủy viên, Bí thư đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ trình bày tham luận tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Tham luận "Xây dựng Thành phố Cần Thơ thực sự là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long " do đồng chí Trần Thị Thanh Hiền, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ đã nêu lên những định hướng, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương.

Thành phố có Trường Đại học Cần Thơ với quy mô lớn, là một trong vài trường hàng đầu của cả nước, Đại học Y Dược Cần Thơ đang phát triển nhanh đã khẳng định được thương hiệu trong đào tạo chất lượng ở bậc đại học và sau đại học đối với nhiều ngành; một số trường đại học và cao đẳng khác trên địa bàn cũng đã ít nhiều thu hút người học qua chất lượng đào tạo. Vì vậy, thành phố Cần Thơ định hướng rõ về chiến lược dài hạn.

Cụ thể: căn cứ vào CUNG - CẦU so với cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo của các trường cao đẳng, đại học đang có trên địa bàn và toàn vùng để định hình nhu cầu phát triển thêm cơ sở đào tạo đúng lộ trình hợp lý, có tính khả thi. Phát triển cơ sở đào tạo hiện có và xây dựng cơ sở mới đảm bảo chất lượng cao không thể tức thời mà phải có quá trình, trong đó cần có đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất và nhiều yếu tố khác.

Vì thế, thay vì mở thêm nhiều cơ sở mới để trở thành trung tâm đào tạo, thành phố cần chủ động liên kết các cơ sở đào tạo hiện có trong và ngoài thành phố Cần Thơ đi cùng với cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý để thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở đào tạo; bao gồm đầu từ ngoài nhà nước (ngoài công lập, các trường quốc tế) và chuẩn bị nguồn lực cán bộ có trình độ cao tham gia vào hệ thống đào tạo. Bên cạnh đó, chắc chắn phải có vai trò của Chính phủ trong việc tiếp tục đầu tư đột phá cho hệ thống đào tạo của Đồng bằng sông Cửu Long mà lấy thành phố Cần Thơ làm trọng tâm.

Theo đại biểu cần tiếp cận đào tạo nói chung và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như là một “dịch vụ” chứ không đơn thuần là đào tạo theo nhiệm vụ chính trị của địa phương hay của nhà nước. Chính dịch vụ mới tiếp cận tốt nhất đến nhu cầu về chất lượng, số lượng và thu hút sự đầu tư vào lĩnh vực đào tạo. Xây dựng chính sách gắn kết với doanh nghiệp trong sử dụng lao động và thu hút doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo để vừa có thêm nguồn đầu tư, vừa sử dụng lao động sau đào tạo có hiệu quả.

Phát triển và gắn kết các tổ chức xã hội - nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước cũng là thành tố quan trọng cần được quan tâm. Cần có các chính sách trực tiếp và gián tiếp giúp quy tụ tài năng cho hệ thống đào tạo từ bên trong cả bên ngoài vùng như sinh viên giỏi, những giảng viên có năng lực giảng dạy tốt, những nhà nghiên cứu xuất sắc có khả năng sáng tạo và chuyển giao tri thức vượt trội tham gia vào hệ thống đào tạo đạt chất lượng cao.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các yếu tố khác như xây dựng và duy trì một thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp đáng sống; có các chính sách cùng các điều kiện thuận lợi trong hoạt động chuyên môn,… sẽ có tác động rất tích cực không chỉ thu hút nguồn nhân lực đến làm công tác đào tạo, các nhà đầu tư vào giáo dục mà còn thu hút nhiều người đến học tập và làm việc tại Cần Thơ....

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa trình bày tham luận tại Đại hội. (Nguồn: TTXVN)

Đọc tham luận với chủ đề "Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo bước đột phá về kinh tế, xã hội - từ thực tiễn tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: Từ những kinh nghiệm, thực tiễn trong việc thực hiện những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015, cho thấy để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương và cả nước nói chung, trong thời gian tới, cần nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; tập trung huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là việc xây dựng “Chính phủ điện tử” nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành; quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một quá trình, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tin tưởng với sự lãnh, chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ; các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành trong cả nước; cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=656
Quay lên trên