Bác Hồ - một tình yêu bao la... Bài 2

Cập nhật: 12-05-2015 | 08:26:04

 Bài 2: Đi tìm ánh dương

Ngày 5-6-1911, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã tạm xa đất nước, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đã bôn ba khắp nơi, trải qua nhiều vất vả khó khăn để mong tìm được con đường giải phóng dân tộc. Và con đường cứu nước, cứu dân đã rộng mở khi Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đã đọc được Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin…

 Con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin sau những tháng ngày lênh đênh trên biển đã đưa người thanh niên yêu nước Văn Ba đến Mácxây (Pháp). Tại Mácxây, ngày 15-9-1911, người thanh niên yêu nước đã viết thư cho Bộ trưởng thuộc địa Pháp ký tên Nguyễn Tất Thành, xin được vào học trường thuộc địa nhưng đã bị từ chối. Không được đáp ứng nguyện vọng, Nguyễn Tất Thành lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Từ năm 1912 đến năm l917, Nguyễn Tất Thành đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hòa mình với nhân dân lao động, Người thông cảm sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Người sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Người đã hoạt động tích cực nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc giành tự do, độc lập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Ảnh tư liệu)

Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Véc-xây (Vesailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa. Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, Người khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới là con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 4-1922, hội ra báo “Người cùng khổ “ (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Nhiều bài báo của Người đã được đưa vào tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, xuất bản năm l925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, Người làm việc trong Quốc tế Cộng sản. Tháng 10-1923, tại Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân. Người là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của hội đồng. Người tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Cộng sản Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Người kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc là Ủy viên thường trực Bộ phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản.

Báo Người cùng khổ, cơ quan ngôn luận của vô sản thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm, phát hành trong những năm 1922 đến 1924, từ Paris kêu gọi và tổ chức các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng (Ảnh tư liệu)

Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), Người tích cực hoạt động, chuẩn bị các điều kiện tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6-1925, Người thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, mở các lớp huấn luyện cán bộ, xuất bản báo Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin về Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1927, tác phẩm Đường cách mệnh - một văn kiện lý luận quan trọng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam được xuất bản. Mùa hè năm 1927, tình hình cách mạng Trung Quốc có nhiều biến động phức tạp, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Mátcơva (Liên Xô), sau đó đi Đức, rồi bí mật đến Bỉ dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống đế quốc, rồi quay lại Đức, đi Thụy Sĩ, sang Italia. Tháng 7-1928, Người tới Xiêm (Thái Lan) để rồi trở lại Trung Quốc vào cuối năm 1929. Từ ngày 6-1 đến 7-2-1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Trong khoảng thời gian từ 1930-1941, Người có lúc ở Liên Xô, Trung Quốc, từng bị kẻ địch bắt giam. Cuối năm 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lênin. Năm 1938, Người rời Liên Xô trở về Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở vùng Quảng Tây. Ngày 28-1-1941, Người về nước sau hơn 30 năm xa Tổ quốc. Bao nhiêu năm thương nhớ đợi chờ khi qua biên giới, Người vô cùng xúc động. Tháng 5-1941, Người triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc đồng thời chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn cuối với những thắng lợi của Liên Xô và các nước đồng minh. Tháng 5-1945, Nguyễn Ái Quốc lúc này lấy tên là Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây, theo đề nghị của Người, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định tổng khởi nghĩa. Đại hội đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tháng 8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng đã lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.

 Bài 3: Anh hùng giải phóng dân tộc

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2222
Quay lên trên