Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu (BL), gian lận thương mại (GLTM), hàng giả (HG) của tỉnh (gọi tắt là BCĐ 389 của tỉnh) đã nhấn mạnh như thế tại buổi họp về công tác phối hợp chống BL, GLTM, HG năm 2015 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 diễn ra sáng qua (15-12) .
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, xử lý một hộ kinh doanh gas nhái nhãn hiệu tại TX.Dĩ An. Ảnh: THANH HỒNG
Nhiều băn khoăn truy xuất nguồn gốc
Tìm ra các tổ chức, cơ sở sản xuất, nguồn gốc của HG, địa điểm người làm HG, cách thức sản xuất, phân phối và các hoạt động phối hợp kiểm tra, xử lý, tuyên truyền… nhằm chống BL, GLTM, HG có hiệu quả là những ý kiến chung của lãnh đạo các sở, ngành và địa phương tại cuộc họp sáng qua.
Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho rằng, thời gian qua hoạt động tuyên truyền, kiểm tra xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đã góp phần giảm thiểu số vụ việc vi phạm về đo lường. Tuy nhiên, hiện nay hành vi gian lận xăng dầu rất tinh vi vì bộ nhớ lập trình bị nhiều chủ trạm xăng tác động trực tiếp. Chỉ bằng một nút nhấn đặt bất kỳ ở đâu trong trạm xăng, ngắt cầu dao điện hoặc điều khiển thiết bị từ xa rồi mở lên lại, chương trình “móc túi” khách hàng sẽ tự động được xóa và trở lại phần lập trình chuẩn với sai số cho phép. Gian lận kiểu này rất khó phát hiện vì hầu như có ít chứng cứ để xử phạt. Trong khi đó, lực lượng chức năng phải trinh sát, đột kích các cửa hàng kinh doanh xăng, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế và chưa khoa học.
Ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhìn nhận, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngâm, tẩm, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm quá mức cho phép đang ở mức báo động. Quy trình kiểm tra xử lý chất cấm trong chăn nuôi hiện nay ngành chức năng chưa làm được tận gốc, mà chỉ mới làm phần ngọn. Điều này gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, việc kiểm tra chất cấm tại các lò giết mổ tập trung có phép gặp nhiều thuận lợi, còn tại các điểm giết mổ tự phát và các hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm nhỏ lẻ thì lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Đại diện Sở Y tế cho rằng, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng lậu, HG đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các chợ, trung tâm mua sắm. Song để ngăn chặn các sản phẩm này đến tay người tiêu dùng không phải dễ. Đặc biệt là khi các sản phẩm làm nhái ngày càng tinh vi, trong khi các quy định xử phạt chưa phù hợp tình hình thực tế và bản thân người bán chưa nắm bắt các quy định đối với sản phẩm này.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Tại cuộc họp, đại diện các sở ngành và địa phương trong tỉnh đều nhìn nhận công tác phối hợp chống BL, GLTM, HG giữa các thành viên BCĐ 389 của tỉnh trong năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thật sự kiên quyết, hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, khâu yếu nhất trong đấu tranh chống BL, GLTM, HG là sự phối hợp trao đổi thông tin về đối tượng, mặt hàng, giá cả… giữa các lực lượng, giữa các địa phương, ngành chức năng vẫn chưa được lãnh đạo các cấp quan tâm đúng mức. Điều này vô tình đã tạo kẽ hở lớn cho các đối tượng gian thương lợi dụng. “Để khắc phục điểm yếu này, ngành thuế cần sự phối hợp của ngành công an và các ngành liên quan mới có thể kiểm tra xuất xứ nguồn hàng trước khi lưu thông và chống thất thu thuế hiệu quả”, ông Huỳnh Đình Trí, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh kiến nghị.
Về các giải pháp căn cơ và lâu dài nhằm chống BL, GLTM, HG hiệu quả, các đại biểu cũng cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin sâu rộng để người dân mạnh tố giác các hành vi vi phạm về BL, GLTM, HG là rất cần thiết. Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên đề nghị, thực tế triển khai các lớp tập huấn nhận biết hàng thật, HG trên địa bàn huyện thời gian qua đã có tác động sâu rộng đến người dân. Do vậy, việc tuyên truyền về chống BL, GLTM, HG không chỉ dừng lại ở người sản xuất, kinh doanh mà cần nhân rộng đến người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng vùng nông thôn.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, theo đà phát triển kinh tế của tỉnh, nhu cầu tiêu dùng mua sắm hàng hóa cũng tăng lên. Do vậy, các ngành, các địa phương phải xem chống BL, GLTM, HG là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thương mại, các ngành cũng cần đẩy mạnh thông tin tuyên tuyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng không tham gia và tiếp tay cho BL, GLTM, HG. Ông Liêm cũng cho rằng, khi cộng đồng doanh nghiệp tập trung nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh sản phẩm của mình, người tiêu dùng chung tay chống BL, GLTM, HG và BCĐ 389 của tỉnh nỗ lực hết mình sẽ ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng BL, GLTM, HG trên địa bàn tỉnh.
TRÚC HUỲNH